Cách tiếp cận và các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp (Phần 1)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, các y, bác sĩ chăm sóc ung thư sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị. Điều quan trọng là cân nhắc lợi ích của từng lựa chọn và hạn chế các nguy cơ và tác dụng phụ có thể xảy ra.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Liệu pháp Iodine phóng xạ (Radioiodine)
  • Liệu pháp hormon
  • Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài
  • Hóa trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích

Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi, nhất là khi chúng chưa lan đến các cơ quan xa của cơ thể. Nếu ung thư không thể chữa khỏi, mục tiêu điều trị là loại bỏ hoặc tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và giữ cho ung thư không phát triển, lan rộng hoặc tái phát càng lâu càng tốt. Đôi khi điều trị nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng như giảm đau hoặc các vấn đề về hô hấp.

Khi lựa chọn một kế hoạch điều trị, cần xem xét các yếu tố bao gồm loại mô học và giai đoạn ung thư cũng như sức khỏe tổng quát của bạn. Thông thường, cần nhiều hơn một trong các phương pháp điều trị được liệt kê trên.

A. PHẪU THUẬT

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp, ngoại trừ một số ung thư tuyến giáp không biệt hóa.

1. Cắt thùy giáp (lobectomy)

Phẫu thuật cắt thùy là cắt bỏ thùy giáp chứa ung thư, thường kèm cắt eo giáp (là mô giáp nối giữa thùy trái và thùy phải).

Thường áp dụng trong một số trường hợp:

  • Để điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa (dạng nhú hoặc dạng nang) khi tổn thương nhỏ và không có dấu hiệu lan rộng ra ngoài tuyến giáp.
  • Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp nếu kết quả chọc hút kim nhỏ (FNA) không có chẩn đoán rõ ràng.
  • Ưu điểm: Bệnh nhân có thể không cần phải uống thuốc nội tiết tuyến giáp vì còn lại một phần mô tuyến giáp sau phẫu thuật.
  • Nhược điểm: Mô giáp còn lại có thể bị ảnh hưởng bởi một số xét nghiệm đánh giá ung thư tái phát (như xạ hình, thyroglobulin máu)
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp lobectomy
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp lobectomy

2. Cắt tuyến giáp (thyroidectomy)

Là phẫu thuật thường áp dụng nhất cho ung thư tuyến giáp.

  • Nếu toàn bộ tuyến giáp bị cắt bỏ, được gọi là cắt tuyến giáp toàn bộ (total thyroidectomy)
  • Đôi khi không thể loại bỏ toàn bộ tuyến giáp, được gọi là cắt tuyến giáp gần toàn bộ (near-total thyroidectomy)
  • Nhược điểm: Cần uống thuốc nội tiết tuyến giáp (levothyroxin) hàng ngày.
  • Ưu điểm: Có thể đánh giá ung thư tái phát bằng các xét nghiệm (như xạ hình, thyroglobulin máu).

3. Nạo hạch bạch huyết

Nếu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, chúng sẽ được cắt bỏ đồng thời với phẫu thuật cắt giáp.

  • Để điều trị ung thư tuyến giáp dạng tủy và ung thư không biệt hóa: Đặc biệt quan trọng khi lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật
  • Đối với ung thư dạng nhú hoặc dạng nang, trong đó chỉ có 1 hoặc 2 hạch lớn có chứa ung thư, các hạch này có thể được loại bỏ và bất kỳ các hạch nhỏ nào còn lại có chứa tế bào ung thư có thể được điều trị bằng iốt phóng xạ sau phẫu thuật.

4. Nguy cơ và tác dụng phụ của phẫu thuật tuyến giáp

Bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp có thể xuất viện sớm sau phẫu thuật. Các biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật giáp bao gồm:

  • Khàn giọng tạm thời hoặc vĩnh viễn hoặc mất giọng, do thanh quản bị kích thích bởi ống thở trong khi phẫu thuật, hoặc nếu các dây thần kinh thanh quản (hoặc dây thanh âm) bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Do đó bác sĩ nên kiểm tra dây thanh âm trước phẫu thuật xem chúng có hoạt động bình thường không.
  • Tổn thương tuyến cận giáp (là những tuyến nhỏ phía sau tuyến giáp giúp điều hòa nồng độ canxi). Điều này có thể làm giảm lượng canxi máu, gây co thắt cơ, cảm giác tê và ngứa ran.
  • Xuất huyết quá mức hoặc hình thành cục máu đông lớn ở cổ (khối máu tụ)
  • Nhiễm trùng
Sau điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể gặp tình trạng khàn giọng
Sau điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể gặp tình trạng khàn giọng

B. ĐIỀU TRỊ IODINE PHÓNG XẠ (RADIOIODINE-RAI)

Tuyến giáp hấp thụ gần như tất cả iốt trong cơ thể. Do đó, iốt phóng xạ (RAI, hay I-131) có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp. Iốt phóng xạ nhắm chủ yếu đến các tế bào tuyến giáp, nơi bức xạ có thể phá hủy tuyến giáp và bất kỳ tế bào tuyến giáp nào khác hấp thụ iốt (bao gồm cả tế bào ung thư), ít ảnh hưởng đến các cơ quan còn lại của cơ thể. Liều I-131 điều trị mạnh hơn nhiều so với liều được sử dụng trong xạ hình tuyến giáp.

I-131 có thể phá hủy bất kỳ mô tuyến giáp nào không được loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc để điều trị một số loại ung thư tuyến giáp đã di căn đến các hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể.

Liệu pháp iốt phóng xạ giúp bệnh nhân sống lâu hơn nếu họ mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc nang (ung thư tuyến giáp biệt hóa) đã lan đến cổ hoặc các bộ phận khác của cơ thể, và được xem như tiêu chuẩn thực hành. Nhưng lợi ích của I-131 ít rõ ràng hơn đối với những ung thư tuyến giáp nhỏ dường như không lan rộng, vì những ung thư này có thể được cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.

Liệu pháp iốt phóng xạ không được dùng để điều trị ung thư không biệt hóa (anaplastic, undifferentiated) và ung thư dạng tủy (medullary) vì những loại ung thư này không hấp thụ iốt.

1. Chuẩn bị

Để liệu pháp iốt phóng xạ có hiệu quả nhất, bạn phải có lượng hormone kích thích tuyến giáp cao trong máu (TSH hoặc thyrotropin). Hormone này giúp mô giáp (và tế bào ung thư) hấp thụ iốt phóng xạ. Nếu tuyến giáp đã được cắt bỏ, có một số cách để tăng mức TSH trước khi được điều trị bằng I-131:

  • Ngừng dùng thuốc nội tiết tuyến giáp trong vài tuần, làm nồng độ hormone giáp giảm thấp (suy giáp), khiến tuyến yên tiết ra nhiều TSH. Suy giáp cố ý này là tạm thời, nhưng nó thường gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm, tăng cân, táo bón, đau cơ và giảm khả năng tập trung.
  • Tiêm thyrotropin (Thyrogen), khiến hormone giáp bị giữ lại trong một thời gian dài. Thuốc được dùng hàng ngày trong 2 ngày, sau đó dùng I-131 vào ngày thứ 3.

Hầu hết các bác sĩ cũng khuyên bạn nên tuân theo chế độ ăn ít iốt trong 1 hoặc 2 tuần trước khi điều trị, nghĩa là tránh các thực phẩm chứa muối iốt, cũng như các sản phẩm từ trứng, hải sản và đậu nành.

2. Nguy cơ và tác dụng phụ

Cơ thể sẽ thải bức xạ sau một thời gian bạn điều trị bằng I-131. Tùy thuộc vào liều I-131 được sử dụng và nơi điều trị, bạn có thể cần ở trong bệnh viện vài ngày sau khi điều trị, ở trong phòng cách ly đặc biệt để tránh cho người khác phơi nhiễm với bức xạ.

Tác dụng phụ ngắn hạn của điều trị I-131 có thể bao gồm:

  • Đau và sưng cổ
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sưng đau tuyến nước bọt: Nhai kẹo cao su hoặc mút kẹo cứng có thể cải thiện
  • Khô miệng
  • Thay đổi vị giác
  • Khô mắt
  • Đàn ông: Có thể có số lượng tinh trùng thấp hơn, hoặc hiếm hơn là vô sinh (khi sử dụng tổng liều lớn Iốt phóng xạ)
  • Phụ nữ: Cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, và có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều trong vòng một năm sau khi điều trị. Nhiều bác sĩ khuyên phụ nữ nên tránh mang thai trong vòng 6 tháng đến một năm sau điều trị. Không có ảnh hưởng xấu được ghi nhận ở những đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ đã điều trị iốt phóng xạ trong quá khứ.
Phương pháp I-131điều trị ung thư tuyến giáp có thể gây tình trạng buồn nôn và nôn mửa
Phương pháp I-131điều trị ung thư tuyến giáp có thể gây tình trạng buồn nôn và nôn mửa

Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về những nguy cơ và lợi ích của việc điều trị I-131.

Bệnh viện Vinmec là bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ và chất lượng với chứng nhận JCI nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh tối đa. Bệnh viện có đầy đủ các phương tiện để chẩn đoán và điều trị phẫu thuật các bệnh lý ung thư tuyến giáp, cùng đội ngũ nhân viên y tế tận tâm, các bác sĩ ung bướu chuyên về phẫu thuật đầu cổ và tuyến giáp nhiều năm kinh nghiệm.

Đối với các trường hợp phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến giáp thông thường, người bệnh chỉ cần nằm viện một đêm, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe để có thể xuất viện về nhà an toàn.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

725 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan