Khám sàng lọc ung thư vú là khám những gì?

Khám sàng lọc giữ vai trò rất quan trọng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý ung thư, nhằm đạt kết quả cao nhất, tiên lượng tốt nhất cho bệnh nhân. Vậy khám sàng lọc ung thư vú gồm những gì?

1. Khám sàng lọc ung thư vú là gì?

Ung thư vú là tình trạng xuất hiện các tế bào bất thường ở mô vú, chúng nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn ra xung quanh và di căn xa. Ung thư vú là một trong các ung thư hàng đầu gây tử vong ở nữ giới. Ung thư vú cũng có thể xuất hiện ở nam giới, nhưng rất hiếm.

Khám sàng lọc ung thư vú là việc thực hiện những thăm khám nhất định, nhằm kiểm tra xem có sự tồn tại của ung thư vú hay không, trước khi ung thư vú biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng.

Khám sàng lọc ung thư vú gồm nhiều bước khác nhau, và mỗi phụ nữ khi đi khám sàng lọc sẽ được bác sĩ tư vấn cặn kẽ cần thực hiện những gì, thực hiện khi nào, đồng thời giải thích rõ những lợi ích và nguy cơ khi thực hiện sàng lọc, để người có nhu cầu khám sàng lọc tự quyết định có đồng ý tiến hành hay không.

Khám sàng lọc ung thư vú không phải là một biện pháp ngăn ngừa ung thư, nhưng nó lại rất quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư vú, khi mà việc điều trị còn dễ dàng, mang lại kết quả cao, tiên lượng tốt. Nếu kết quả khám sàng lọc ung thư vú là bất thường, người khám sẽ được bác sẽ chỉ định thực hiện các khám xét và kỹ thuật chẩn đoán ung thư vú để chẩn đoán xác định.

Thành lập phòng khám phụ khoa
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn cặn kẽ trước khi khám sàng lọc

2. Những phụ nữ nào nên khám sàng lọc ung thư vú?

Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force - USPSTF) là một tổ chức với thành viên là các bác sĩ, chuyên gia bệnh học nghiên cứu về các phương pháp phòng tránh bệnh tật, và đưa ra các khuyến cáo nhằm phòng tránh hoặc phát hiện sớm bệnh lý. Theo khuyến cáo của tổ chức này, tất cả các phụ nữ trong độ tuổi từ 50 tới 74 tuổi và có nguy cơ ung thư vú trung bình cần chụp nhũ ảnh mỗi 2 năm/lần.

Những phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 49 tuổi nên tham vấn bác sĩ về thời điểm thực hiện chụp nhũ ảnh và khoảng thời gian giữa hai lần chụp liền nhau, đồng thời cũng nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc khám sàng lọc để đưa ra quyết định khi nào bắt đầu thực hiện chụp nhũ ảnh ở thời điểm trước tuổi 50.

3. Khám sàng lọc ung thư vú bao gồm những gì?

Khám sàng lọc ung thư vú có các thăm khám và kỹ thuật khác nhau được tiến hành, bao gồm:

3.1. Chụp nhũ ảnh

Chụp nhũ ảnh về bản chất là thực hiện chụp X-quang tuyến vú. Chụp nhũ ảnh là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú, trước khi ung thư biểu hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng, nhằm điều trị dễ dàng hơn, đạt kết quả tốt hơn.

Chụp nhũ ảnh với tần suất hợp lý có khả năng hạ thấp nguy cơ tử vong do ung thư vú, và cho đến hiện nay, đây là phương pháp phát hiện ung thư vú tốt nhất đối với đa số phụ nữ.

Tuy nhiên chụp nhũ ảnh không phải là không có những hạn chế nhất định, đối với những phụ nữ có mô vú đặc, việc phát hiện ung thư trên kết quả chụp nhũ ảnh sẽ khó khăn.

chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh đang là phương pháp tầm soát ung thư vú tốt nhất

Một số yếu tố ảnh hưởng tới khả năng phát hiện ung thư của chụp nhũ ảnh:

  • Độ tuổi và cân nặng của bệnh nhân.
  • Kích thước của khối u, loại u.
  • Vị trí mà khối u hình thành trong vú.
  • Độ nhạy của mô vú đối với nội tiết tố.
  • Độ đặc của mô vú.
  • Thời điểm thực hiện chụp nhũ ảnh trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Chất lượng kết quả chụp nhũ ảnh.
  • Khả năng đọc kết quả chụp nhũ ảnh của bác sĩ.

3.2. Chụp cộng hưởng từ vú

Chụp cộng hưởng từ vú được thực hiện cùng với chụp nhũ ảnh để sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ cao. Chụp cộng hưởng từ vú không được thực hiện trên những phụ nữ có nguy cơ trung bình, bởi kết quả của chụp cộng hưởng từ vú có thể biểu hiện bất thường ngay cả khi hoàn toàn không có ung thư.

Các yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư vú bao gồm:

  • Các thay đổi về mặt di truyền, chẳng hạn như đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú.
  • Một số hội chứng rối loạn di truyền nhất định, chẳng hạn như hội chứng Li - Fraumeni hoặc hội chứng Cowden.

3.3. Thăm khám lâm sàng vú

Thăm khám lâm sàng vú là khám xét thường quy, được bác sĩ thực hiện nhằm phát hiện các khối bất thường cũng như những thay đổi khác ở vú bệnh nhân.

cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ vú được chỉ định thực hiện đối với phụ nữ có nguy cơ cao

3.4. Tự khám vú của bản thân

Không ai có thể biết rõ hơn bản thân về vú của mình, nên khi vú xuất hiện những bất thường về ngoại hình hay cảm giác, chẳng hạn như khối bất thường, đau, hoặc thay đổi kích thước,... thì hoàn toàn có thể tự phát hiện được. Khi đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường, hãy đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.Thăm khám lâm sàng vú và tự khám vú bản thân không chứng minh được khả năng hạ thấp nguy cơ tử vong do ung thư vú.

4. Lợi ích và nguy cơ của khám sàng lọc ung thư vú

Mỗi một loại khám sàng lọc đều tồn tại những lợi ích và nguy cơ nhất định, khám sàng lọc ung thư vú cũng như vậy, và người muốn khám sàng lọc sẽ được bác sĩ tư vấn cặn kẽ để có thể đưa ra quyết định có thực hiện hay không.

4.1. Lợi ích

Khám sàng lọc ung thư vú giúp phát hiện sớm ung thư vú, ở thời điểm mà việc điều trị còn dễ dàng và thuận lợi, từ đó dễ đạt quả cao và đem lại tiên lượng tốt.

4.2. Nguy cơ

Một số nguy cơ có thể xảy ra đối với khám sàng lọc ung thư vú bao gồm:

  • Kết quả dương tính giả: Dương tính giả trước hết sẽ khiến người khám sàng lọc rơi vào tình trạng lo âu, sau đó, người khám sàng lọc sẽ được chỉ định tiến hành thêm các khám xét và kĩ thuật nhằm chẩn đoán xác định, có thể gây tốn kém và mất thời gian (bên cạnh các nguy cơ của những kĩ thuật đó).
  • Kết quả âm tính giả: Chụp nhũ ảnh có thể không phát hiện ra được ung thư, dẫn tới không đạt được lợi ích của khám sàng lọc ung thư vú.
Ung thư vú
Khám sàng lọc ung thư vú nhiều khi không cho kết quả chính xác

  • Phơi nhiễm với tia xạ: Tuy chụp nhũ ảnh về bản chất là chụp X-quang, nhưng liều lượng sử dụng trong quá trình chụp là nhỏ, nên người khám sàng lọc chỉ có nguy cơ bị phơi nhiễm tia xạ nếu thực hiện chụp lặp đi lặp lại.

Nguồn tham khảo: cdc.gov và cancer.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

845 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan