Mất nước do hóa trị ung thư: Nguyên nhân, cách xử lý

Mất nước là 1 tác dụng phụ phổ biến khi điều trị ung thư, xảy ra chủ yếu do các tác dụng phụ khác như: Sốt, nôn mửa, tiêu chảy và đi tiểu nhiều. Biểu hiện thường gặp của mất nước do hóa trị ung thư là: Khô miệng, buồn nôn, khát nước nhiều hơn bình thường, khô môi hoặc khô da... Qua bài viết này, hãy cùng Vinmec tìm hiểu thêm về tình trạng mất nước ở bệnh nhân ung thư.

1. Tác dụng phụ của điều trị ung thư: Mất nước

Mất nước xảy ra khi cơ thể bạn mất nhiều chất lỏng hơn lượng chất lỏng được hấp thụ. Cơ thể có gần 60% là nước, vì vậy nước chính là nguồn sống của chúng ta. Đối với bệnh nhân ung thư, việc giữ đủ nước cho cơ thể đặc biệt quan trọng vì nước giúp:

  • Hỗ trợ kiểm soát nhịp tim và huyết áp;
  • Giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định;
  • Mang chất dinh dưỡng đến các tế bào, đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang và ngăn ngừa táo bón;
  • Mang chất dinh dưỡng và oxy xung quanh cơ thể;
  • Bảo vệ các cơ quan, mô và khớp.

Giữ đủ nước giúp giảm bớt các tác dụng phụ của hóa trị và giảm khả năng bỏ lỡ hoặc trì hoãn điều trị ung thư. Bệnh nhân đủ nước sẽ giảm nguy cơ phải nhập viện đột xuất để truyền dịch qua IV.

Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng mất nước có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: co giật, phù não, suy thận, sốc, hôn mê và thậm chí tử vong.

Vì tình trạng mất nước có thể làm ngừng các chức năng bình thường của cơ thể và khá nguy hiểm nên việc giữ đủ nước trong quá trình điều trị là rất quan trọng để bảo vệ các cơ quan của bệnh nhân khỏi tổn thương lâu dài.

2. Vì sao bệnh nhân ung thư dễ bị mất nước? Các dấu hiệu mất nước

Các tác dụng phụ của hóa trị như nôn mửa, sốt cao, tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước ở bệnh nhân ung thư. Một số dấu hiệu cơ thể bị mất nước ở người bệnh có thể kể đến:

  • Cảm thấy khát nước;
  • Khô miệng buồn nôn sau hóa trị;
  • Khô môi, nướu và mũi;
  • Chóng mặt, nhức đầu;
  • Buồn ngủ, mệt mỏi;
  • Suy giảm năng lượng;
  • Nước tiểu sẫm màu hơn;
  • Giảm đi tiểu;
  • Táo bón;
  • Giảm độ đàn hồi của da, khô da;
  • Huyết áp thấp;
  • Tăng nhiệt độ cơ thể.

3. Xử lý tình trạng mất nước do hóa trị ung thư

Mỗi người có nhu cầu chất lỏng khác nhau tùy vào tình trạng cơ thể. Đối với bệnh nhân ung thư, nhu cầu chất lỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như biện pháp điều trị ung thư bạn đang trải qua và liệu bạn có đang bị sốt, tiêu chảy, nôn mửa hay gặp các vấn đề khác ở tiêu hóa hay không.

Nhu cầu chất lỏng của người bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi loại ung thư mà họ mắc phải. Ví dụ, bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa rất dễ bị mất nước do chán ăn và các vấn đề dạ dày khác do ung thư gây ra.

Do vậy, để phòng tránh mất nước, hãy đảm bảo bạn uống đủ nước trước, trong và sau khi điều trị bằng những cách sau:

  • Để các chai nước ở khắp mọi nơi và nhâm nhi cả ngày: Có một thực tế rằng nếu chỉ uống nước khi thấy khát thì vẫn không đủ. Rất nhiều người bị mất nước mà không bao giờ thấy khát. Các chuyên gia y tế đề xuất hãy uống ít nhất 8 ly chất lỏng mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn nếu bạn bị tiêu chảy hay nôn mửa.
  • Trải nghiệm các loại chất lỏng khác nhau: Nếu uống nước chưa đủ, hãy thử thêm sữa, nước trái cây, sinh tố..v..v.. để dễ uống hơn và chúng đều được coi là chất lỏng.
  • Lựa chọn thực phẩm, trái cây có hàm lượng nước cao: Ví dụ như dưa hấu, bông cải xanh, bưởi..., ưu tiên nấu các món như: súp, canh hầm, cháo... vì chúng đều có chất lỏng.
  • Ăn đá bào: Một số bệnh nhân từ chối uống hoặc ăn các món trên. Nếu vậy, hãy thử cho họ nhâm nhi chút đá bào. Với lượng vừa phải và ở thời điểm nhất định vẫn có thể giúp bệnh nhân có thêm chút chất lỏng.

Cuối cùng, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân ung thư nên chủ động theo dõi lượng nước đào thải và hấp thu hàng ngày. Hãy chuẩn bị một cuốn sổ và ghi lại lượng nước (ml, lít) đã uống trong ngày. Đồng thời ghi lại số lần bạn nôn mửa hoặc tiêu chảy. Những thông tin này sẽ rất hữu ích nếu bạn cần bác sĩ tư vấn cho tình trạng mất nước của mình.

4. Khi nào cần liên hệ bác sĩ?

Nếu bạn gặp các triệu chứng mất nước do hóa trị ung thư, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Vậy khi nào cần nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ? Đây là các dấu hiệu:

  • Cơn khát cực độ không biến mất sau khi uống nước;
  • Thường xuyên khó chịu hoặc nhầm lẫn
  • Không thể đổ mồ hôi hoặc đi tiểu;
  • Sốt kéo dài;
  • Tim đập nhanh;
  • Nước tiểu rất sẫm màu;
  • Huyết áp thấp.

Trong một số ít trường hợp, tình trạng mất nước hoặc nhiễm độc nước có thể xảy ra. Khi uống quá nhiều nước, Natri và các chất điện giải khác trở nên loãng và ở mức thấp nguy hiểm (gọi là tình trạng hạ natri máu) có thể khiến cơ thể ngừng hoạt động. Để tránh tình trạng thừa nước, hãy chia nhỏ lượng nước uống của bạn trong suốt cả ngày và cố gắng không uống nhiều nước trong thời gian ngắn. Chúc bạn giữ gìn cơ thể khỏe mạnh và sớm điều trị thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

150 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Hướng dẫn trực quan về ung thư cổ tử cung
    Hướng dẫn trực quan về ung thư cổ tử cung

    Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển và lan rộng ở cổ tử cung. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh này là do virus HPV. Nếu phát hiện sớm, bệnh có ...

    Đọc thêm
  • thuốc Anzemet
    Công dụng thuốc Anzemet

    Trong điều trị ung thư có rất nhiều giai đoạn mà người bệnh có thể buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc hoặc hóa trị. Do đó để phòng ngừa và hạn chế tình trạng này, người bệnh có ...

    Đọc thêm
  • Zuplenz
    Công dụng thuốc Zuplenz

    Zuplenz là 1 loại thuốc hỗ trợ buồn nôn và nôn do bệnh ung thư hay phẫu thuật. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thuốc Zuplenz là thuốc gì?

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Rapogy 2
    Công dụng thuốc Rapogy 2

    Rapogy 2 là thuốc đường tiêu hóa dùng cho người lớn theo đơn. Để đảm bảo dùng thuốc Rapogy 2 an toàn, cùng tìm hiểu rõ hơn về Rapogy 2 công dụng, liều dùng, cách dùng Rapogy 2,... qua bài ...

    Đọc thêm
  • yuhanonseran
    Công dụng thuốc Yuhanonseran

    Thuốc Yuhanonseran dùng để chữa triệu chứng buồn nôn và nôn mửa do nhiều nguyên nhân, thuốc có thành phần chính là Ondansetron dạng hoạt chất Ondansetron hydrochloride, hàm lượng 4mg. Thuốc được bào chế dạng viên nén rã trong ...

    Đọc thêm