Tầm soát phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Khi ung thư được phát hiện sớm sẽ cho phép người bệnh có nhiều lựa chọn và có kết quả điều trị khả quan hơn. Vậy phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt có thể dựa trên các thăm khám, xét nghiệm nào?

1. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện sớm không?

Để phát hiện được ung thư trước khi có triệu chứng, phương pháp hiện tại là tầm soát. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, lợi ích của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt chưa được rõ ràng, chưa phân định được những lợi ích đem lại có lớn hơn các nguy cơ đối với hầu hết nam giới hay không. Khi hiểu về ưu điểm và nhược điểm khi tầm soát ung thư tiền liệt tuyến, bạn có thể đưa ra quyết định phù hợp cho mình.

Ung thư tuyến tiền liệt thường có thể được phát hiện sớm nhờ:

  • Xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (PSA) trong máu.
  • Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng bằng ngón tay.

Nếu kết quả của một trong hai xét nghiệm này bất thường, bác sĩ có thể bạn sinh thiết tuyến tiền liệt để biết chắc chắn có bị ung thư hay không.

2. Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh sẽ được sử dụng khi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

2.1 Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt trong máu (prostate-specific antigen - PSA)

  • Bình thường, hầu hết nam giới có chỉ số PSA máu < 4 ng/mL. Tuy nhiên, mức dưới 4 không đảm bảo rằng không bị ung thư.
  • Khi ung thư tuyến tiền liệt phát triển, mức PSA thường > 4 ng/mL.
  • PSA từ 4 đến 10 ng/mL: Khoảng 25% có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt
  • PSA lớn hơn 10 ng/mL: Hơn 50% có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt

-Các yếu tố có thể làm tăng mức PSA:

  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Tuổi già
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Xuất tinh (đây là lý do bác sĩ thường đề nghị nam giới kiêng xuất tinh 1-2 ngày trước khi xét nghiệm PSA)
  • Đi xe đạp (một số nghiên cứu cho thấy, hành vi đạp xe có thể làm tăng mức PSA trong một thời gian ngắn, có thể do ghế ngồi gây áp lực lên tuyến tiền liệt)
  • Một số thủ thuật tiết niệu (ví dụ: Sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc nội soi bàng quang, thăm khám bằng tay qua ngả trực tràng có thể làm tăng mức PSA trong một thời gian ngắn)
  • Một số loại thuốc (nội tiết tố nam testosterone hoặc các loại thuốc khác làm tăng mức testosterone)

-Các yếu tố có thể làm giảm mức PSA (ngay cả khi bị ung thư tuyến tiền liệt):

  • Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Finasteride (Proscar hoặc Propecia) hoặc Dutasteride (Avodart), được sử dụng để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc các triệu chứng tiết niệu, có thể làm giảm mức PSA. Những loại thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
  • Một số hỗn hợp được bán dưới dạng thực phẩm chức năng có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm và dấu đi mức PSA cao. Do đó, khi xét nghiệm PSA, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang dùng thực phẩm bổ sung.
  • Một số loại thuốc khác sử dụng lâu dài một số loại thuốc, như aspirin, statin (thuốc giảm cholesterol) và thuốc lợi tiểu thiazide (như hydrochlorothiazide) có thể làm giảm mức PSA.
  • Đối với nam giới được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, không phải lúc nào việc hạ chỉ số PSA cũng hữu ích. Khi các yếu tố làm giảm PSA từ mức bất thường xuống mức bình thường, cũng có thể dẫn đến việc không phát hiện ra ung thư. Do đó, bạn nên chia sẻ cởi mở với bác sĩ về bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng đến mức PSA của mình.

2.2 Khám trực tràng bằng tay (digital rectal exam-DRE)

Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã đeo găng và bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận và phát hiện bất kỳ vết sưng hoặc vùng cứng nào trên tuyến tiền liệt có thể là ung thư. Việc thăm khám này nhanh, không đau, nhưng cũng có thể gây khó chịu, đặc biệt đối với người mắc bệnh trĩ. DRE kém hiệu quả hơn xét nghiệm máu PSA trong việc phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, nhưng chỉ số này cũng giúp phát hiện ung thư ở nam giới có mức PSA bình thường. Do đó, DRE được xem như một phần trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh ung thư khá nguy hiểm ở nam giới
Thăm khám trực tràng phát hiện vết sưng/ vùng cứng gợi ý ung thư tuyến tiền liệt

3. Cần làm gì nếu kết quả sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt không bình thường?

Nếu xét nghiệm cho thấy mức PSA trong máu ban đầu cao hơn bình thường, điều đó không phải chắc chắn bạn bị ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều nam giới có mức PSA cao hơn bình thường không bị ung thư. Bác sĩ có thể tư vấn một trong những lựa chọn sau để kiểm tra thêm:

  • Kiểm tra lại PSA
  • Làm thêm các xét nghiệm khác
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt

Các yếu tố sau có thể tác động vào quyết định lựa chọn phương thức kiểm tra phù hợp:

  • Tuổi của bạn và sức khỏe tổng quát toàn trạng
  • Khả năng bạn bị ung thư tuyến tiền liệt
  • Bạ có thoải mái khi chờ đợi hoặc làm các xét nghiệm khác

-Làm lại xét nghiệm PSA:

  • Mức PSA trong máu có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy một số bác sĩ chỉ định cho người bệnh làm lại xét nghiệm 1 tháng sau hoặc có thể lâu hơn nếu kết quả PSA ban đầu bất thường
  • Đây có thể là một lựa chọn hợp lý nếu mức PSA từ 4 đến 7 ng/mL
  • Với mức PSA hơn 7ng/mL, nhiều khả năng bác sĩ sẽ tư vấn bạn làm các xét nghiệm khác hoặc sinh thiết tuyến tiền liệt

-Làm các xét nghiệm khác:

  • Khám trực tràng bằng tay (DRE), nếu chưa làm
  • Chẩn đoán hình ảnh MRI hoặc siêu âm qua trực tràng

-Sinh thiết tuyến tiền liệt:

  • Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn một người có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không. Các mô tuyến tiền liệt được xử lý về kỹ thuật và quan sát dưới kính hiển vi.
  • Kết quả sinh thiết cũng có thể giúp tiên lượng khả năng ung thư sẽ phát triển và lây lan như thế nào?

4. Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo nam giới tự mình có quyết định lựa chọn có tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hay không dựa trên rủi ro và lợi ích tiềm năng của quá trình tầm soát.

Các yếu tố chi phối quyết định tầm soát:

  • Người 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt trung bình và dự kiến ​​sống thêm ít nhất 10 năm
  • Nam giới 45 tuổi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao, bao gồm những người Mỹ gốc Phi và những người có cha hoặc anh/em trai được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt ở khi dưới 65 tuổi.
  • Nam giới 40 tuổi có nguy cơ cao hơn, có từ 2 người trở lên đối với cha, anh em trai mắc ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ.

Nếu đã tầm soát và không phát hiện ung thư tiền liệt tuyến, bao lâu sau cần tầm soát lại? Thời gian thực hiện sàng lọc tiếp theo phụ thuộc vào kết quả của xét nghiệm PSA máu:

  • PSA < 2,5 ng/mL: Xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm
  • PSA > 2,5 ng/mL: Nên sàng lọc hàng năm

Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, những người không có triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt không mong muốn có tuổi thọ thêm 10 năm thì không nên xét nghiệm vì tầm soát lúc này không đem lại nhiều lợi ích. Khi đưa ra quyết định sàng lọc, tình trạng sức khỏe tổng thể quan trọng hơn tuổi tác.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

446 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan