Thuốc tránh thai đường uống và nguy cơ ung thư

Thuốc tránh thai đường uống có hiệu quả cao, không xâm lấn và rất tiện lợi nên đã được sử dụng phổ biến. Liên quan đến việc sử dụng thuốc uống tránh thai và nguy cơ ung thư, phụ nữ cần hiểu biết đầy đủ để tránh ngộ nhận, dẫn đến đánh giá quá thấp hoặc quá cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

1. Thuốc tránh thai đường uống là gì?

Thuốc tránh thai đường uống là loại thuốc chứa hormone, được uống qua miệng để tránh mang thai ngoài ý muốn. Thuốc phát huy hiệu quả kiểm soát sinh sản bằng cách ức chế sự rụng trứng và ngăn chặn tinh trùng xâm nhập qua cổ tử cung.

Cho đến nay, các loại thuốc tránh thai được kê đơn phổ biến chứa nội tiết tố nữ tự nhiên là estrogen và progesterone tổng hợp. Loại thuốc tránh thai đường uống này thường được gọi là thuốc tránh thai kết hợp. Có một loại thuốc tránh thai khác chỉ chứa progestin - là một phiên bản nhân tạo của progesterone.

2. Mối quan hệ giữa việc sử dụng thuốc tránh thai và nguy cơ ung thư

Gần như tất cả các nghiên cứu về mối liên hệ giữa thuốc tránh thai đường uốngnguy cơ ung thư đều chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát không thể xác định chắc chắn thuốc tránh thai sẽ gây ra (hoặc ngăn ngừa) ung thư. Nguyên nhân là bởi vì những phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể khác biệt một số điểm với người không sử dụng biện pháp này và có thể chính những khác biệt này tạo ra nguy cơ ung thư chứ không phải trực tiếp là do thuốc tránh thai đường uống.

Tuy nhiên nhìn chung thì các nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng nhất quán rằng nguy cơ ung thư vú và ung thư cổ tử cung tăng lên ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, trong khi nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng và đại trực tràng lại được giảm bớt.

thuốc tránh thai đường uống
Thuốc tránh thai đường uống là thuốc uống qua miệng để tránh mang thai ngoài ý muốn

2.1. Ung thư vú

Theo một phân tích dữ liệu từ hơn 150.000 phụ nữ tham gia vào 54 nghiên cứu dịch tễ học, nhìn chung những phụ nữ đã từng dùng thuốc tránh thai đường uống nguy cơ ung thư vú tăng nhẹ (7%) so với người chưa bao giờ sử dụng. Những phụ nữ hiện đang sử dụng thuốc tránh thainguy cơ ung thư vú tăng 24%. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ không tăng theo thời gian sử dụng, mà có thể giảm sau khi ngừng uống thuốc tránh thai và không có nguy cơ gia tăng rõ ràng sau 10 năm ngừng sử dụng.

Một phân tích năm 2010 đã theo dõi hơn 116.000 nữ y tá từ 24 - 43 tuổi tình nguyện tham gia vào nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người dùng thuốc tránh thai đường uống có gia tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, gần như tất cả các nguy cơ gia tăng đều xảy ra ở những phụ nữ sử dụng một loại thuốc tránh thai cụ thể, trong đó liều lượng nội tiết tố được thay đổi theo 3 giai đoạn trong chu kỳ hàng tháng của phụ nữ. Một nghiên cứu sử dụng hồ sơ y tế điện tử cũng báo cáo về nguy cơ ung thư gia tăng liên quan đến công thức thuốc tránh thai 3 liều lượng này.

Vào năm 2017, một nghiên cứu tiềm năng lớn của Đan Mạch đã báo cáo nguy cơ ung thư vú liên quan đến các công thức thuốc tránh thai đường uống mới gần đây. Nhìn chung, những phụ nữ đang uống hoặc gần đây đã ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai kết hợp hormone có nguy cơ ung thư vú tăng khoảng 20% so với người chưa bao giờ dùng thuốc tránh thai. Mức tăng nguy cơ thay đổi từ 0 - 60%, tùy thuộc vào loại thuốc tránh thai hormone kết hợp cụ thể. Nguy cơ ung thư vú cũng tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai lâu hơn.

2.2. Ung thư cổ tử cung

Những phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai đường uống từ 5 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn người chưa từng sử dụng. Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai càng lâu thì nguy cơ ung thư cổ tử cung càng tăng, cụ thể một nghiên cứu cho thấy:

  • Nguy cơ tăng 10% khi sử dụng dưới 5 năm
  • Nguy cơ tăng 60% nguy cơ khi sử dụng 5 - 9 năm
  • Nguy cơ tăng gấp đôi khi sử dụng từ 10 năm trở lên.

Tuy nhiên, nguy cơ ung thư cổ tử cung đã giảm dần theo thời gian sau khi phụ nữ ngừng sử dụng thuốc tránh thai.

thuốc tránh thai đường uống
Phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai đường uống từ 5 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

2.3. Ung thư nội mạc tử cung

Những phụ nữ đã từng sử dụng thuốc tránh thai có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung thấp hơn người chưa từng dùng. Nguy cơ giảm ít nhất 30% và càng giảm nhiều hơn khi uống thuốc tránh thai trong thời gian dài. Tác dụng bảo vệ này vẫn tồn tại trong nhiều năm sau khi phụ nữ ngừng sử dụng thuốc. Một phân tích về những phụ nữ tham gia vào Nghiên cứu sức khỏe và chế độ ăn uống cho thấy tỷ lệ giảm nguy cơ ung thư đặc biệt rõ rệt ở những người dùng thuốc tránh thai đường uống lâu năm, những người hút thuốc, béo phì hoặc ít tập thể dục.

2.4. Ung thư buồng trứng

Những phụ nữ đã từng sử dụng thuốc tránh thai có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn từ 30 - 50% so với người chưa từng dùng. Tác dụng bảo vệ này đã được chứng minh là tăng lên theo thời gian dùng thuốc tránh thai đường uống và tiếp tục kéo dài đến 30 năm sau khi phụ nữ uống thuốc này. Những phụ nữ mang đột biến sinh học có hại trong gen BRCA1 hoặc BRCA2 cũng có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng nhờ dùng thuốc tránh thai.

2.5. Ung thư đại trực tràng

Sử dụng thuốc tránh thai đường uống có khả năng giảm 15 - 20% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

3. Thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào?

Hormone estrogen và progesterone tự nhiên kích thích sự phát triển và tăng trưởng của một số bệnh ung thư (ví dụ như ung thư vú). Bởi vì thuốc tránh thai có chứa các phiên bản tổng hợp của các kích thích tố nữ này, nên cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Ngoài ra, thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung vì làm thay đổi tính nhạy cảm của các tế bào cổ tử cung với các loại HPV nguy cơ cao - nguyên nhân của hầu hết tất cả các trường hợp bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều cơ chế mà thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm:

  • Ngăn chặn sự tăng sinh tế bào nội mạc tử cung (ung thư nội mạc tử cung)
  • Giảm số lượng trứng rụng trong cuộc đời phụ nữ, do đó giảm tiếp xúc với các kích thích tố nữ sản sinh tự nhiên (ung thư buồng trứng)
  • Giảm nồng độ axit mật trong máu đối với phụ nữ dùng estrogen qua đường miệng (ung thư đại trực tràng).

Tóm lại, sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư vú và cổ tử cung, nhưng giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, đại trực tràng và nội mạc tử cung. Nhưng dù có dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hay không, phụ nữ cũng cần chủ động tầm soát các bệnh ung thư phổ biến và biết cách phát hiện sớm triệu chứng. Việc lạm dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc thai khẩn cấp, sẽ dẫn đến những hậu quả khác nhanh hơn ung thư.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:cancer.gov, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan