Ung thư ruột thừa ít gặp, dấu hiệu không rõ ở giai đoạn sớm

Ung thư ruột thừa là một bệnh hiếm gặp, thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm do có những dấu hiệu không rõ ràng. Thông thường bệnh hay được phát hiện ở những giai đoạn muộn, khi có những dấu hiệu di căn. Ung thư ruột thừa có thể điều trị được và kết quả điều trị khá tốt, nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao.

1. Đại cương ung thư ruột thừa

Ruột thừa là một đoạn ruột tịt, có hình ống nối với đại tràng, đây là một bộ phận của đường tiêu hóa. Thông thường ruột thừa nằm ở vị trí hố chậu phải, tuy nhiên có thể nằm ở các vị trí khác trong ổ bụng nhưng ít gặp hơn.

Ung thư ruột thừa là tình trạng các tế bào bên trong ruột thừa phát triển một cách bất thường không dưới sự khống chế của cơ thể, các tế bào ác tính này có tính xâm lấn và lan sang các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là một tình trạng u ác tính cực kỳ hiếm và thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Một số khối u ruột thừa là lành tính. Các khối u ác tính có thể xâm lấn và có thể lây lan sang các cơ quan khác.

Một số dạng khối u ác tính của ruột thừa bao gồm:

  • Khối u thần kinh: Thường bắt đầu ở đầu ruột thừa và chiếm hơn một nửa trong số các khối u ác tính hay gặp ở ruột thừa.
  • Khối u tuyến nang niêm mạc: Khối u bắt đầu trong niêm mạc nhưng có bản chất ác tính và chiếm khoảng 20% của tất cả các trường hợp ung thư ruột thừa.
  • Ung thư tuyến đại tràng: Loại này chiếm khoảng 10% các trường hợp các khối u ác tính ruột thừa, thường bắt đầu ở đáy của ruột thừa.
  • Ung thư biểu mô tế bào đài: Loại này có thể lan sang các cơ quan khác nhưng có xu hướng ít xâm lấn hơn khối u thần kinh.
  • Ung thư biểu mô tế bào nhẫn: Là khối u ác tính hiếm gặp nhất và khó điều trị, ung thư biểu mô tế bào nhẫn có tốc độ phát triển nhanh.
  • U tế bào cận hạch thần kinh: Thông thường loại khối u này thường lành tính. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp vẫn có một tỉ lệ nhỏ ác tính trong ruột thừa.

Hiện tại, vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân gây ra ung thư ruột thừa. Bệnh gặp ở cả hai giới với tỷ lệ ngang nhau, độ tuổi thường thấy được chẩn đoán bệnh ung thư ruột thừa là từ 40-59 tuổi.

ruột thừa
Ung thư ruột thừa là một tình trạng u ác tính cực kỳ hiếm

2. Dấu hiệu ung thư ruột thừa

Hầu hết các trường hợp đều không có dấu hiệu gì khi ở giai đoạn sớm. Một số trường hợp do ảnh hưởng của khối u mà gây ra các triệu chứng không đặc hiệu như:

  • Đau bụng, đau theo từng cơn, có thể cảm thấy đau tại vùng hố chậu bên phải.
  • Chướng bụng, chán ăn, cảm thấy nhanh no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn hoặc nôn, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Có thể biểu hiện bởi tình trạng thoát vị bẹn những phổ biến hơn ở nam giới. Các biểu hiện có thể thấy bao gồm: Thấy khối bất thường vùng bẹn, thường không đau chỉ tức nhẹ, có thể di động lên trên khi nghỉ ngơi...
  • Biểu hiện một tình trạng viêm ruột thừa, do khối u làm cản trở sự lưu thông dịch dẫn đến vi khuẩn đường ruột bị mắc kẹt và phát triển quá mức bên trong ruột thừa nên gây viêm ruột thừa. Nhiều trường hợp ung thư ruột thừa có triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa cấp. Các biểu hiện như:
  • Đau bụng: Đầu tiên đau vùng quanh rốn sau đó khu trú tại hố chậu phải, đau thành từng cơn.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Bí trung tiện và đại tiện, bụng chướng, khó chịu.
  • Sốt: Có thể sốt nhẹ, nếu đã vỡ gây sốt cao.
  • Co cứng thành bụng, ấn điểm hố chậu phải đau.
  • Đôi khi khối u to dẫn tới chèn ép và gây tắc ruột hay sờ thấy khối bất thường.
  • Các dấu hiệu khác: Do tế bào ung thư có thể phát triển tại các cơ quan vùng bụng khác và niêm mạc khoang bụng. Như gan, lách, buồng trứng, tử cung... Gây ra các biểu hiện tại cơ quan đó.
đau bụng
Dấu hiệu ung thư ruột thừa có thể cảm thấy đau tại vùng hố chậu bên phải.

3. Tiên lượng bệnh ung thư ruột thừa

Thông thường, người ta nhận thấy ung thư ruột thừa không lan đến các cơ quan bên ngoài khoang bụng ngoại trừ trong trường hợp ung thư biểu mô tế bào nhẫn. Nên tiên lượng thường khá tốt, nhất là các trường hợp phát hiện sớm.

Nói chung, tỷ lệ sống sót đối với bệnh nhân mắc ung thư ruột thừa còn thay đổi tùy thuộc vào loại khối u, kích thước và tình trạng di căn của khối u.

Theo thống kê thì tỷ lệ sống sót ước tính sau 5 năm đối với các khối u thần kinh của ruột thừa là khoảng:

  • Tỷ lệ gần như 100% nếu khối u < 3cm và không lan rộng.
  • Khoảng 78% nếu khối u < 3cm và đã lan đến các hạch bạch huyết khu vực.
  • Khoảng 78% nếu khối u lớn hơn 3cm, nhưng chưa thấy lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Khoảng 32% nếu ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Nếu phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi cao, nhưng nhiều trường hợp ung thư ruột thừa thường được chẩn đoán sau khi đã phẫu thuật viêm ruột thừa và làm sinh thiết hoặc khi khối u lan sang các cơ quan khác gây ra các triệu chứng rõ rệt.

Việc xác định ung thư ruột thừa bằng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, MRI hoặc CT scan rất khó. Chính vì vậy tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh là tiến hành sinh thiết sau khi cắt ruột thừa.

Bệnh ung thư ruột thừa là bệnh rất hiếm khi gặp, nhưng không có nghĩa là không có. Các biểu hiện bệnh thường khó phát hiện, chính vì vậy để loại trừ mắc bệnh ung thư ruột thừa nên làm sinh thiết sau khi cắt ruột thừa trong bệnh viêm ruột thừa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan