Vì sao người bệnh ung thư cần tăng cường miễn dịch?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Thái Cang - Bác sĩ Xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hệ miễn dịch đóng vai trò hết sức quan trọng với mỗi người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư lại thường kém hơn, gây ảnh hưởng đến việc điều trị và chất lượng cuộc sống. Bài viết sẽ giải thích lý do vì sao người bệnh ung thư cần tăng cường miễn dịch.

1. Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư thường bị suy giảm

Hầu hết tất cả các loại ung thư đều ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh. Những người mắc bệnh ung thư có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do những thay đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nguyên nhân suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư có thể xuất phát từ các lý do sau:

  • Loại ung thư mắc phải
  • Các phương pháp điều trị ung thư
  • Chế độ dinh dưỡng kém
  • Bệnh kèm và các loại thuốc khác (không liên quan đến ung thư)

1.1. Bản thân ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch

Bản thân một số loại ung thư có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do làm thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch. Có thể kể đến như u lympho ác tính (Hodgkin và không Hodgkin), đa u tủy xương và hầu hết các loại bệnh bạch cầu cấp liên quan đến các tế bào máu của hệ thống miễn dịch.

Các tế bào ung thư xuất phát từ các tế bào của chính cơ thể, vì vậy không phải lúc nào hệ thống miễn dịch cũng nhận ra và tiêu diệt các tế bào ác tính này. Thậm chí các tế bào ung thư còn có khả năng “trốn tránh” hệ miễn dịch để không bị tấn công. Các tế bào ác tính còn có thể xâm nhập vào tủy xương - nơi các tế bào máu được tạo ra, sau đó cạnh tranh với các tế bào tủy xương bình thường về không gian và dinh dưỡng, khiến các tế bào tủy xương này bị phá hủy và không tạo ra đủ bạch cầu để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Ngoài ra, ung thư cũng có thể làm “hỏng” các thành phần khác của hệ thống miễn dịch. Khối u phát triển trên da hoặc niêm mạc có thể phá vỡ hàng rào tự nhiên của cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập. Các khối u kích thước lớn có thể làm giảm lưu lượng máu đến các mô bình thường, và các tổ chức bị tổn thương do ung thư dễ bị nhiễm trùng hơn.

1.2. Các phương pháp điều trị ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch

Một số phương pháp điều trị ung thư có thể tác động đến hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tác dụng không mong muốn này có thể ngắn hoặc dài tùy thuộc vào loại ung thư và phương pháp điều trị.

  • Phẫu thuật: Gần như phẫu thuật lớn nào cũng có nguy cơ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, trong đó có vai trò nhất định của thuốc gây mê. Phẫu thuật làm tổn thương da, mô dưới da, niêm mạc, vì vậy vết thương do phẫu thuật là nơi dễ nhiễm trùng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật bao gồm: loại phẫu thuật cụ thể, thời gian phẫu thuật, lượng máu chảy trong cuộc mổ, thời gian nằm viện, tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, bệnh kèm,... Có thể mất nhiều ngày đến nhiều tháng để hệ thống miễn dịch phục hồi hoàn toàn.
  • Hóa trị: Hóa trị là nguyên nhân phổ biến nhất khiến hệ thống miễn dịch suy yếu ở những bệnh nhân ung thư đang điều trị với liệu pháp này. Hóa trị có thể gây giảm bạch cầu - tế bào máu có khả năng chống lại nhiễm trùng. Mức độ suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân hóa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư, giai đoạn bệnh, phác đồ hóa trị, liều lượng hóa chất, tuổi tác bệnh nhân, tình trạng dinh dưỡng,...
  • Xạ trị: Xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mức độ tác động của xạ trị lên hệ miễn dịch tùy thuộc vào: tổng liều xạ, lịch chiếu xạ, trường xạ, hóa trị kết hợp,...
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch ung thư được áp dụng đối với một số loại ung thư để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, có thể nhận biết và tấn công các tế bào ác tính. Liệu pháp miễn dịch là một trong những bước tiến mang lại nhiều cơ hội điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, liệu pháp này làm thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Ghép tế bào gốc: Ghép tế bào gốc là phương pháp thay thế các tế bào tủy xương bị phá hủy do ung thư. Bệnh nhân ghép tế bào gốc thường có chỉ định hóa trị liều cao và/hoặc xạ trị toàn thân (TBI) trước đó để cố gắng tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của phương pháp này là khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu một cách nghiêm trọng và kéo dài.

1.3. Dinh dưỡng kém

Thiếu Vitamin, khoáng chất, calo và protein có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư dinh dưỡng kém và tăng nguy cơ nhiễm trùng:

  • Một số loại ung thư như ung thư hệ tiêu hóa, ung thư vùng miệng - họng ảnh hưởng đến việc nhai, nuốt, tiêu hóa thức ăn và khiến cho bệnh nhân dinh dưỡng kém.
  • Các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị, có thể khiến bệnh nhân buồn nôn và chán ăn.
  • Các tế bào ung thư “cạnh tranh” chất dinh dưỡng với các tế bào bình thường, khiến các tế bào bình thường không được cung cấp đủ dinh dưỡng.

1.4. Các yếu tố khác

Bệnh nhân ung thư với bệnh lý kèm theo có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc điều trị (như corticoid,...) cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Tuổi tác cũng là một trong những yếu tố tác động đến hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư.

Chính các yếu tố kể trên khiến cho hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư bị suy giảm. Đó chính là lý do tại sao bệnh nhân ung thư cần phải tăng cường miễn dịch để nâng cao thể trạng, sức khỏe và tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị.

2. Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch chống ung thư?

Một câu hỏi được nhiều bệnh nhân ung thư quan tâm là “ăn uống gì để tăng cường hệ miễn dịch?”. Một chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ các chất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch ở bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân cũng cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, để kiểm soát các tác dụng của bệnh cũng như các tác dụng không mong muốn của điều trị.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là thuốc tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng có hiệu quả thực sự. Beta-glucan, bao gồm Beta(1–3)-glucan và Beta(1–6)-glucan có trong thành phần của nấm đã được chứng minh về khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Sparassis crispa, một loại nấm chứa nhiều Beta(1–3)-glucan, đã được báo cáo về khả năng kích hoạt miễn dịch bẩm sinh, tế bào diệt tự nhiên (NK) và các cytokin, từ đó ức chế sự hình thành khối u và cải thiện độ đàn hồi, độ ẩm của da. Các tác động sinh học này thường liên quan đến hàm lượng Beta(1–3)-glucan, hoạt chất được tìm thấy nhiều ở Sparassis crispa hơn các loại nấm khác.

Một lưu ý cần nhấn mạnh là hoạt chất Beta-glucan chiết xuất từ nấm có nhiều loại khác nhau với những công dụng khác nhau, nếu không tìm hiểu kỹ thì người sử dụng rất dễ bị “che mắt” và mua phải các sản phẩm không phù hợp, kém hiệu quả, thậm chí “tiền mất tật mang”. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị hoặc làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan