Công dụng thuốc Azacitidine (Onureg)

Thuốc Azacitidine còn có tên gọi khác là thuốc Onureg. Thuốc thường được sử dụng để điều trị một số loại ung thư tủy xương và rối loạn tế bào máu. Thuốc Azacitidine cũng có thể dùng cho các mục đích không được liệt kê trong hướng dẫn thuốc này.

1. Thuốc Azacitidine là thuốc gì?

Tên thuốc gốc hay tên hoạt chất là: Azacitidine.

Loại thuốc: Thuốc chống ung thư; một chất tương tự Nucleoside pyrimidine tổng hợp của cytidine.

Dạng thuốc và hàm lượng:

  • Dạng bột pha hỗn dịch tiêm chứa 100 mg hoạt chất Azacitidine.
  • Viên uống có hàm lượng hoạt chất Azacitidine: 200 mg; 300 mg.

2. Tác dụng của thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine hay còn gọi là thuốc Onureg. Thuốc được chỉ định điều trị ở những người trưởng thành không đủ điều kiện để ghép tế bào gốc tạo máu như:

  • Hội chứng rối loạn sinh tủy trung bình-2 và có nguy cơ cao theo Hệ thống Chấm điểm Tiên lượng Quốc tế (IPSS).
  • Bệnh bạch cầu myelomonocytic mãn tính với 10 - 29% tế bào blast mà không có rối loạn tăng sinh ở tủy.
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy với 20 - 30% tế bào blast và loạn sản đa dòng, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy với trên 30% tế bào blast theo phân loại của WHO.

3. Cách sử dụng của thuốc Azacitidine

Dạng viên nén: Thuốc Azacitidine được sử dụng bằng đường uống, có thể uống cùng thức ăn hoặc không.

Dạng đường tiêm dạng hỗn dịch:

  • Pha loãng lọ 100 mg dược chất Azacitidine với 4 mL nước vô trùng để tiêm để tạo hỗn dịch tiêm.
  • Tiêm dưới da vào vị trí vùng đùi, bụng, hoặc cánh tay trên; luân phiên các vị trí tiêm.
  • Không tiêm thuốc vào những vùng da mềm, bầm tím, nóng đỏ hoặc cứng.
  • Nếu liều điều trị vượt quá 4 mL, chia đều liều lượng vào 2 ống tiêm và tiêm vào 2 vị trí riêng biệt.

Dạng đường tiêm tĩnh mạch:

  • Pha lọ chứa 100mg dược chất Azacitidine với 10ml nước vô trùng pha tiêm để tạo ra dung dịch chứa 10 mg/ml.
  • Dung dịch đã hoàn nguyên nên được pha loãng với 50 đến 100 mL dung dịch natri clorid 0,9% hoặc Lactat Ringer.
  • Truyền dung dịch trong 10 – 40 phút. Tiêm truyền tĩnh mạch tối đa 1 giờ sau khi pha thuốc.
  • Lọ thuốc chỉ được dùng một lần, không sử dụng lại lọ thuốc đã qua sử dụng.

4. Liều dùng của thuốc Azacitidine

4.1. Đối với người lớn

Hội chứng rối loạn sinh tủy:

  • Chu kỳ đầu: 75mg/m2 tiêm truyền hoặc tiêm dưới da hàng ngày trong thời gian 7 ngày; lặp lại chu kỳ sau mỗi 4 tuần.
  • Sau 2 chu kỳ, có thể tăng liều điều trị lên 100 mg/m2 nếu không thấy tác dụng không mong muốn và nếu không có độc tính nào khác ngoài buồn nôn và nôn mửa.
  • Thời gian điều trị tối thiểu từ 4 đến 6 chu kỳ, mặc dù có thể cần thêm các chu kỳ điều trị khác để đạt được đáp ứng điều trị hoàn toàn hoặc một phần.

Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy:

  • Chu kỳ đầu: 75mg/m2 tiêm truyền hoặc tiêm dưới da hàng ngày trong thời gian 7 ngày; lặp lại chu kỳ sau mỗi 4 tuần.
  • Sau 2 chu kỳ điều trị, bác sĩ có thể chỉ định tăng liều điều trị lên 100 mg/m2 nếu không thấy tác dụng có lợi và nếu không có độc tính nào khác ngoài xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
  • Thời gian điều trị tối thiểu là 4 đến 6 chu kỳ. Bác sĩ có thể có chỉ định tiếp tục điều trị nếu người bệnh có đáp ứng điều trị tốt.

4.2. Đối với trẻ em

Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Azacitidine ở trẻ em có độ tuổi trên 16 tuổi.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Azacitidine

Tác dụng phụ không mong muốn thường gặp có thể bao gồm:

  • Sốt kèm theo ớn lạnh và bầm tím trên da hoặc các dấu hiệu khác của số lượng tế bào máu thấp;
  • Kali trong máu thấp;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Rối loạn tiêu hóa như táo bón hay tiêu chảy nhiều;
  • Tấy đỏ hoặc kích ứng ở vị trí tiêm.

Tác dụng không mong muốn ít gặp:

  • Cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng liên tục;
  • Đỏ, sưng, ấm, rỉ, hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng da khác;
  • Cảm giác đau tức ngực hay thở khò khè;
  • Ho kèm theo xuất tiết đờm màu vàng hoặc màu xanh lá cây, cảm thấy khó thở;
  • Số lượng tế bào hồng cầu thấp;
  • Vấn đề về thận như đau lưng dưới, xuất hiện máu trong nước tiểu, ít hoặc không đi tiểu, sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân;
  • Vấn đề về gan như đau bụng trên, ngứa, cảm giác mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu đậm, phân màu đất sét, vàng da (vàng da hoặc mắt);
  • Chuột rút ở chân;
  • Rối loạn nhịp tim, cảm giác rung động trong lồng ngực của bạn;
  • Khát nước cực độ, đi tiểu nhiều lần trong ngày, yếu cơ hoặc cảm giác khập khiễng;
  • Dấu hiệu của sự cố tế bào khối u như sự nhầm lẫn, mệt mỏi, tê hoặc ngứa ran, chuột rút cơ bắp, yếu cơ, nôn mửa, tiêu chảy, nhịp tim nhanh hoặc chậm, co giật.

Tương tác của thuốc Azacitidine với các thuốc khác:

Hiện nay vẫn chưa biết liệu chuyển hóa của thuốc Azacitidine có bị ảnh hưởng bởi các chất ức chế hoặc chất cảm ứng đã biết của các enzym ở microsom gan hay không.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu chính thức về tương tác thuốc nào với thuốc Azacitidine cho đến nay.

6. Nên kiêng gì khi sử dụng thuốc Azacitidine

Không tiêm các loại vắc-xin sống giảm độc lực trong khi sử dụng thuốc Azacitidine, hoặc bạn có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Vắc-xin sống giảm độc lực bao gồm sởi, quai bị, rubella (MMR), bại liệt, rotavirus, thương hàn, sốt vàng da, thủy đậu (thủy đậu), zoster (bệnh zona) và vắc-xin cúm mũi (cúm).

Thuốc Azacitidine có thể truyền vào dịch cơ thể (nước tiểu, phân, chất nôn). Trong ít nhất 48 giờ sau khi bạn nhận được một liều, tránh để các loại chất lỏng cơ thể của bạn tiếp xúc với tay hoặc các bề mặt khác.

Người chăm sóc nên đeo găng tay cao su trong khi làm sạch chất lỏng cơ thể, xử lý rác bẩn hoặc đồ giặt hoặc thay tã. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tháo găng tay. Khi giặt đồ, người chăm sóc nên phân loại đồ vải, giặt quần áo bẩn và các loại khăn trải riêng biệt với đồ giặt khác.

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng.

Thông báo với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine có thể gây ra độc tính cho thai nhi. Đối với cả nam giới và nữ giới khi sử dụng thuốc này nên sử dụng biện pháp tránh thai để tránh thai an toàn. Bố hay mẹ sử dụng thuốc Azacitidine có thể gây dị tật bẩm sinh.

Đối với phụ nữ, bạn cần tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 6 tháng sau liều thuốc Azacitidine cuối cùng của bạn.

Đối với nam giới, bạn cần tiếp tục sử dụng biện pháp ngừa thai trong ít nhất 3 tháng sau liều cuối cùng của bạn.

Thông báo với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu bạn phát hiện mình có thai trong khi một trong hai người mẹ hoặc người cha đang sử dụng thuốc này.

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh liệu rằng thuốc Azacitidine đi vào sữa mẹ hay không hay thuốc có thể gây hại cho em bé đang bú mẹ hay không.

Tuy nhiên, để an toàn, bạn không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc Azacitidine và trong ít nhất 1 tuần sau liều điều trị cuối cùng của bạn.

Tóm lại, Azacitidine là thuốc điều trị ung thư chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Vì thế người bệnh nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

270 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan