Ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình truyền tế bào gốc tạo máu từ người hiến tới người nhận, với mục đích tái tạo, thay thế một phần hoặc toàn bộ hệ thống tạo máu của người nhận. Các nguồn nhận được bao gồm tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Ghép tế bào gốc tạo máu là gì?
Ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT - Hematopoietic Stem Cell Transplantation) là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu vào hệ thống tĩnh mạch với mục đích khôi phục quá trình sản xuất tế bào máu cho những bệnh nhân mắc phải các vấn đề về hệ miễn dịch hoặc tổn thương tủy xương.
Tế bào gốc tạo máu có thể được thu thập từ máu ngoại vi, tủy xương hoặc máu dây rốn, sau đó được sử dụng để tái tạo và sản xuất các tế bào máu bình thường.

Phương pháp ghép tế bào gốc là một kỹ thuật hiện đại, nhưng cần phải được đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện để tránh rủi ro. Do đó, HSCT thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp bệnh tình đe dọa đến tính mạng.
Hiện nay, kỹ thuật này đã được áp dụng rộng rãi hơn do mức độ an toàn ngày càng được nâng cao. Trong nửa thế kỷ vừa qua, phương pháp này đã được sử dụng phổ biến hơn, giúp điều trị nhiều loại bệnh lành tính và ác tính.
2. Ghép tế bào gốc chữa được những bệnh gì?
Ghép tế bào gốc tạo máu được sử dụng để điều trị các bệnh lý, bao gồm cả bệnh ác tính và lành tính, như sau:
2.1 Bệnh lý ác tính
- Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.
- Bệnh bạch cầu cấp nguyên bào tủy vị thành niên.
- Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính.
- U lympho không hodgkin.
- U lympho hodgkin.
- U nguyên bào thần kinh.
- Bệnh đa u tủy.
- Sarcoma.
- U tế bào mầm.
- U nguyên bào thận.
- U thần kinh đệm.
- Điều trị hỗ trợ cho các khối u rắn khác.
2.2 Bệnh lý lành tính
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
- Thiếu máu bất sản.
- Bệnh Mucopolysaccharidosis.
- Hội chứng Fanconi.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch.
- Bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm Hemoglobin.
- Các bệnh tự miễn dịch (bao gồm đa xơ cứng).
3. Chỉ định ghép tế bào gốc ở trẻ em
Tùy thuộc vào người hiến, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu có thể được phân loại thành hai dạng:
3.1 Ghép tế bào đồng loại
Phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại bao gồm việc sử dụng tế bào gốc tạo máu từ người cùng hoặc không cùng huyết thống để truyền cho người bệnh. Có các hình thức sau:
- Ghép tế bào gốc cùng huyết thống có HLA (kháng nguyên bạch cầu) hoàn toàn phù hợp:
- Đây thường là lựa chọn ưu tiên vì giảm nguy cơ ghép chống chủ và cha/mẹ/anh/chị/em ruột có thể hiến thêm tế bào gốc nếu cần.
- Nhược điểm là khả năng tìm thấy người cho tế bào gốc phù hợp có hạn, do quy mô gia đình và quy luật di truyền.
- Hiện nay, ghép tế bào gốc đã được mở rộng cho người lớn tuổi, tuy nhiên, việc cấy ghép có thể gặp trở ngại nếu người hiến tặng là anh/chị/em ruột cũng đã lớn tuổi.
Ghép tế bào gốc không cùng huyết thống có HLA (kháng nguyên bạch cầu) phù hợp:
- Phương pháp này ngày càng phổ biến do nhu cầu ghép tế bào gốc cao nhưng không có người hiến tặng cùng huyết thống hoặc HLA không phù hợp hoặc tuổi cao/sức khỏe yếu.
- Kỹ thuật xác định nhóm HLA hiện đại giúp tìm kiếm người cho không cùng huyết thống, nhưng phù hợp HLA.
Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp (haplotype):
- Đây là kiểu ghép cho phép tìm nguồn người hiến tặng dễ dàng hơn, có thể cùng hoặc không cùng huyết thống.
- Tuy nhiên, khả năng ghép thành công bị hạn chế so với trường hợp ghép phù hợp hoàn toàn và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Hiện nay, ghép tế bào gốc được sử dụng để điều trị một số loại bệnh về máu như bệnh lành tính, bệnh ác tính, u đặc, các bệnh lý miễn dịch tự miễn và bệnh chuyển hóa.
Ở trẻ em, ghép tế bào gốc đồng loại thường được sử dụng sau khi bệnh nhân đã qua giai đoạn đẩy lùi bệnh bằng hóa trị liệu thông thường. Tỷ lệ thành công của phương pháp này có thể đạt từ 60-80% với các bệnh máu ác tính như:
- Bạch cầu cấp dòng tủy.
- Dòng lympho.
Ghép tế bào gốc đồng loại có tỷ lệ thành công từ 60-90% với các bệnh máu lành tính như:
- Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Bệnh suy tủy bẩm sinh.
- Bệnh tự miễn.

Trong một số trường hợp, như suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, bác sĩ có thể chỉ định ghép sớm sau khi chẩn đoán để ngăn ngừa các tổn thương cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương hoặc các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Phương pháp này có hiệu quả trong việc cho phép sử dụng hóa chất ở liều cao hơn so với hóa chất thông thường giúp mang lại hiệu quả điều trị tối đa.
3.2 Ghép tế bào tự thân
Ghép tế bào gốc tự thân là quá trình thu thập và lưu trữ khối tế bào gốc tạo máu từ chính người bệnh. Sau đó, khi thỏa mãn các điều kiện, bác sĩ sẽ truyền lại các tế bào máu này vào cơ thể để phục hồi.
Ghép tế bào gốc tự thân ở trẻ em đã trở thành một phương pháp tiêu chuẩn cho những bệnh nhân nhỏ tuổi, có nguy cơ cao mắc u nguyên bào thần kinh và một số khối u ác tính khác như u nguyên tủy tái phát/nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, trong một số tình huống khi khối u tái phát hoặc tiến triển như u lympho, sarcoma, u tế bào mầm, u nguyên bào thận, việc áp dụng ghép tế bào gốc tự thân cũng đã chứng minh là mang lại hiệu quả đáng kể.
Tuy nhiên, ghép tế bào gốc tạo máu ở trẻ em cần được chú ý đặc biệt vì có thể gây ra các tác dụng phụ và biến chứng muộn do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển. Điều này có thể bao gồm:
- Rối loạn chức năng cơ quan.
- Tuyến nội tiết chậm phát triển.
- Thể chất chậm phát triển.
- Răng và hệ thống xương bị tổn thương.
- Nguy cơ mắc ung thư ở những bệnh nhân bị rối loạn nhiễm sắc thể bẩm sinh.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của các phác đồ điều trị, việc nâng cao chất lượng điều trị hỗ trợ và chẩn đoán các biến chứng sớm đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ghép tế bào. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn người hiến phù hợp và tìm kiếm nguồn tế bào gốc ghép, do ít có bệnh nhân có HLA phù hợp hoàn toàn.
Hiện nay, cả ghép tế bào gốc tạo máu và ghép tự thân đều đang thiếu nguồn người hiến phù hợp. Trong liệu pháp ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân, nhiều trường hợp ghép bằng tế bào gốc của người cho chỉ phù hợp với đơn bội kiểu hình (HLA haploidentical) cũng đã thành công nhờ vào sự hỗ trợ của phương pháp lựa chọn tế bào đích như huỷ tế bào lympho T hoặc lựa chọn tế bào CD34+.
4. Biến chứng có thể xảy ra sau ghép
Ghép tế bào gốc tạo máu, cũng như các phương pháp điều trị khác, có thể mang theo một số rủi ro nhất định, biểu hiện sớm (< 100 ngày sau ghép) hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Các biến chứng sau quá trình ghép có thể kể đến như là tình trạng thải ghép, mắc bệnh mảnh ghép chống chủ (Graft-versus-host Disease - GVHD) và nguy cơ nhiễm khuẩn nặng là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thành công của quá trình ghép.
Do đó, việc lựa chọn phương pháp ghép và nguồn tế bào gốc phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân, cũng như việc phòng tránh các biến chứng sau ghép, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của quá trình ghép.
5. Các bước trong quy trình ghép tế bào gốc
Quy trình ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bao gồm các bước sau:
- Lựa chọn người hiến tế bào gốc.
- Lựa chọn nguồn tế bào gốc và thu thập chúng.
- Thực hiện điều trị trước ghép (còn được gọi là điều trị điều kiện hóa).
- Theo dõi và điều trị sau ghép (bao gồm theo dõi sự phát triển của mảnh ghép và quản lý các biến chứng có thể xảy ra).
5.1 Lựa chọn người hiến tế bào gốc
Khi lựa chọn người hiến tặng trong quá trình ghép tế bào gốc, yếu tố quan trọng cần xem xét là sự phù hợp về kháng nguyên bạch cầu người HLA (Human Leukocyte Antigen) giữa người nhận và người hiến tặng.

HLA, còn được gọi là phức hợp hòa hợp mô chủ yếu (Major Histocompatibility Complex - MHC), bao gồm một nhóm gen nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể số 6, tạo ra các kháng nguyên HLA chia thành hai lớp chính: lớp I và lớp II.
- Kháng nguyên HLA lớp I xuất hiện trên tất cả các tế bào có nhân trong cơ thể.
- Kháng nguyên HLA lớp II thường xuất hiện chủ yếu trên các tế bào lympho B, tế bào mono, và tế bào dendritic.
Sự phù hợp về kháng nguyên HLA giữa người hiến tặng và người nhận rất quan trọng trong quá trình ghép tế bào gốc tạo máu, để tránh các vấn đề như bong mảnh ghép (thải ghép) hoặc mảnh ghép chống chủ. Dựa trên sự phù hợp HLA, các cặp ghép có thể được lựa chọn như sau:
- HLA phù hợp hoàn toàn (thường là các anh chị em ruột của bệnh nhân).
- HLA phù hợp không hoàn toàn.
- HLA phù hợp đơn bội (thường là bố mẹ của bệnh nhân).
5.2 Lựa chọn nguồn tế bào gốc và thu thập chúng
Các nguồn tế bào gốc tạo máu phổ biến bao gồm:
- Tủy xương: Trong trường hợp cấy ghép tủy xương, tế bào gốc tạo máu được lấy từ xương chậu của người cho. Bác sĩ sử dụng kim chuyên dụng để hút tủy xương, thường dưới tình trạng gây mê toàn thân. Quá trình này còn được gọi là thu hoạch tủy xương.
- Tế bào gốc máu ngoại vi: Tế bào gốc tạo máu tồn tại ở máu ngoại vi ở mức rất thấp. Bác sĩ sử dụng thuốc kích bạch cầu và tế bào gốc tạo máu từ tủy xương để đưa ra máu ngoại vi bằng cách tiêm dưới da người bệnh theo liều lượng quy định. Quá trình thu thập tế bào gốc máu ngoại vi và truyền trả lại các thành phần tế bào máu được gọi là apheresis.
- Máu cuống rốn: Đây là tế bào non, điều này có nghĩa là chúng dễ dàng vượt qua hàng rào miễn dịch của người nhận. Tuy nhiên, do lượng tế bào gốc tạo máu trong máu cuống rốn không nhiều, thường được sử dụng cho việc ghép cho những bệnh nhân có cân nặng thấp.

Quá trình lựa chọn phương pháp xử lý tế bào gốc dựa vào mức độ phù hợp HLA giữa người hiến tế bào và người nhận. Kết quả tốt nhất thường đạt được khi người hiến tế bào và người nhận có sự phù hợp hoàn toàn về HLA (HLA identical).
Đối với những bệnh nhân không tìm được tế bào gốc phù hợp với HLA hoàn toàn, một lựa chọn phổ biến là sử dụng tế bào gốc từ người hiến tế bào có phù hợp HLA không hoàn toàn hoặc chỉ phù hợp một phần (đơn bội - HLA haploidentical), có thể có hoặc không có quan hệ huyết thống.
Do hạn chế về nguồn tế bào gốc tại Việt Nam, việc tìm kiếm người hiến tế bào không có quan hệ huyết thống phù hợp từ các ngân hàng tủy rất khó khăn.
Vì vậy, việc ghép tế bào gốc tạo máu từ người hiến tế bào phù hợp đơn bội HLA haploidentical có thể là một phương án, tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải tiến hành xử lý tế bào gốc trước khi truyền cho bệnh nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ thải ghép và phản ứng bệnh mảnh ghép chống chủ GVHD.
5.3 Thực hiện điều trị trước ghép (còn được gọi là điều kiện hóa).
Trong quá trình này, mục tiêu chính là tạo ra khoảng trống trong tủy xương để tế bào ghép có thể ổn định và phát triển sau khi được ghép vào. Đồng thời, một số bệnh nhân cũng sẽ cần phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa phản ứng từ mảnh ghép mới và giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh mảnh ghép chống chủ.
Các trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu đều áp dụng ba bước điều trị điều kiện hóa chung:
- Hóa trị liệu (diệt tủy trước khi ghép).
- Miễn dịch trị liệu.
- Dự phòng bệnh mảnh ghép chống chủ (GVHD).
5.4 Theo dõi và điều trị sau ghép (bao gồm theo dõi sự phát triển của mảnh ghép và quản lý các biến chứng)
- Biến chứng sớm sau ghép tủy xương thường xuất hiện trong vòng 100 ngày và bao gồm nhiều biến chứng như viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, và đặc biệt là bệnh mảnh ghép chống chủ GVHD. Để đảm bảo điều trị kịp thời, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biến chứng sớm nhất có thể.
- Biến chứng muộn, đặc biệt là GVHD cấp và mãn, thường là kết quả của xung đột miễn dịch giữa tế bào lympho T của người hiến tế bào và người nhận. Đây là tình trạng nghiêm trọng có thể gây tổn thương nặng nề ở da, xơ cứng mô dưới da, dễ bị nhiễm trùng, và thậm chí có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân sau ghép cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do miễn dịch bị ức chế kéo dài. Cả hai loại biến chứng này đều rất nghiêm trọng và nguy hiểm, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bác sĩ và cơ sở y tế để đảm bảo toàn bộ quá trình ghép diễn ra một cách an toàn và hiệu quả.

6. Tiên lượng về cấy ghép tế bào
Dự đoán về kết quả sau khi ghép tế bào gốc tạo máu có thể thay đổi tùy thuộc vào loại bệnh, giai đoạn của bệnh và loại ghép. Tình trạng tái phát bệnh thường xảy ra ở khoảng 40 – 75% trường hợp ghép tế bào gốc tự thân và 10 – 40% trường hợp ghép tế bào gốc từ người hiến tặng.
Tỷ lệ thành công (trong trường hợp không có ung thư tủy xương) dao động từ 30 – 40% đối với bệnh nhân u lympho tái phát, nhạy cảm với phương pháp hóa trị liệu, và từ 20 – 50% đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp. Các biện pháp điều trị tích cực có thể tăng cường khả năng sống sót sau khi ghép tế bào gốc tạo máu.
Tóm lại, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đang ngày càng phát triển và được áp dụng không chỉ trong điều trị các bệnh máu lành tính và ác tính, mà còn trong các trường hợp u đặc, bệnh lý miễn dịch-tự miễn, và bệnh chuyển hóa.
Nhờ vào sự tiến bộ trong các kỹ thuật ghép, công nghệ xử lý tế bào gốc, và các phương pháp hỗ trợ, việc ghép tế bào gốc đã mang lại kết quả đáng khích lệ và trở thành một lựa chọn điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
Đây là một phương pháp điều trị kỹ thuật cao, yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành như huyết học, ung thư, xạ trị, hệ thống xét nghiệm, tâm lý, dinh dưỡng, và truyền nhiễm để đạt được kết quả tốt nhất.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tin cậy cho việc tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ như sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi, v.v. Với trang thiết bị hiện đại và không gian vô khuẩn, việc thăm khám trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, và các bậc phụ huynh có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm và tận tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.