Cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên ngừa vi khuẩn Hib ở tuổi nào cho trẻ?

Vi khuẩn Hib (Haemophilusenzae type b) là tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm trên nhiều cơ quan, thường gặp ở trẻ nhỏ. Cơ thể sẽ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với giọt bắn chứa vi khuẩn từ người mắc bệnh. Bệnh sẽ biểu hiện ở các mức độ khác nhau, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng và việc phòng ngừa chỉ có thể thực hiện bằng cách tiêm vacxin quimi-hib.

1. Vì sao phải tiêm phòng vacxin quimi-hib?

Bệnh do Haemophilusenzae type b gây ra là các bệnh lý nhiễm trùng thường ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Đối tượng bị ảnh hưởng thường là trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhiễm vi khuẩn hib cũng có thể lây bệnh cho người chăm sóc hay người trưởng thành cũng có thể mắc phải nếu mắc các tình trạng làm suy giảm miễn dịch.

Trẻ nhiễm vi khuẩn hib thường là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần với những đứa trẻ khác hoặc người lớn có thể có mang vi khuẩn hib không triệu chứng. Vi trùng lây lan từ người sang người. Nếu chúng tồn tại ở trong mũi và cổ họng của trẻ, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp trên mức độ nhẹ.

Tuy nhiên, khi vi trùng lây lan vào phổi, trẻ sẽ bị viêm phổi nặng do hib hay khi vi trùng lây lan vào máu, trẻ có thể bị viêm màng não do hib. Diễn tiến các bệnh cảnh này thường nhanh và nặng nề, di chứng kéo dài nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trước khi vắc-xin Hib được sử dụng, viêm màng não do hib là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng tại niêm mạc não và tủy sống. Bệnh lý này có thể dẫn đến di chứng tổn thương não và điếc.

Từ khi có vắc-xin Hib, việc ngăn ngừa bệnh do Hib trở nên dễ dàng hơn. Số trường hợp mắc bệnh Hib thể xâm lấn nội tạng đã giảm hẳn. Chính vì thế, vắc-xin phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não do hib là một thành phần không thể thiếu trong chương trình phổ cập tiêm chủng cho trẻ em tại hầu hết các quốc gia.

2. Ai nên chủng ngừa Hib?

Việc chủng ngừa Hib được chỉ định cho các đối tượng sau đây:

  • Trẻ em 2 tháng tuổi, 4 tháng, 6 tháng và 18 tháng;
  • Bệnh nhân có bệnh lý tại lách;
  • Bệnh nhân sau cắt bỏ lách;
  • Người được cấy ghép tế bào gốc.

3. Cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên ngừa vi khuẩn Hib ở tuổi nào cho trẻ?

Vắc-xin Quimi Hib
Vắc-xin Quimi Hib

Vắc-xin ngừa vi khuẩn Hib có thể được điều chế dưới dạng chế phẩm đơn giá như vacxin quimi-hib hay chế phẩm đa giá như 5 trong 1, 6 trong 1.

Theo đó, phác đồ tiêm phòng sẽ tùy thuộc vào chế phẩm được chọn. Tuy nhiên, thời điểm cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên ngừa vi khuẩn Hib cho trẻ cần thực hiện khi trẻ 2 tháng tuổi. Các liều tiếp theo là khi trẻ được 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi (nếu cần, tùy thuộc vào nhãn hiệu vắc-xin). Liều vacxin cuối cùng hay còn gọi là liều tăng cường là khi trẻ đạt 12 đến 15 tháng tuổi.

Nếu chọn loại chế phẩm đơn giá như vắc-xin Quimi-Hib, việc tiêm phòng vi khuẩn Hib có thể được thực hiện cùng lúc với các loại vắc-xin khác. Tuy nhiên, việc sử dụng vắc-xin kết hợp thường được chọn lựa do giúp trẻ tạo được sức đề kháng với nhiều bệnh cùng lúc chỉ với một mũi tiêm.

Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn thường không cần tiêm vắc-xin Hib. Mặc dù vậy, vacxin quimi-hib có thể được khuyến nghị cho trẻ lớn hoặc người lớn bị bệnh hồng cầu hình liềm, trước khi phẫu thuật cắt bỏ lá lách hoặc sau khi ghép tủy xương. Đồng thời, vacxin quimi-hib cũng có thể được khuyến nghị cho những người từ 5 đến 18 tuổi bị nhiễm HIV.

4. Các lưu ý khi tiêm vacxin Quimi-Hib là gì?

Không nên tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi.

Không tiêm nếu trẻ đã từng bị dị ứng đe dọa tính mạng sau khi tiêm vắc-xin Hib trước đó hay bị dị ứng nặng với bất kỳ phần nào của vắc-xin này.

Trẻ đang bệnh nhẹ có thể chủng ngừa Hib. Trong trường hợp trẻ bị bệnh mức độ vừa hoặc nặng, nên trì hoãn cho đến khi trẻ bình phục.

Luôn theo dõi trẻ sau khi tiêm trong thời gian tối thiểu 30 phút trước khi ra về. Các cơ sở y tế tổ chức tiêm phòng cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc men và nhân lực, sẵn sàng ứng phó với các phản ứng bất lợi sau khi tiêm vắc-xin.

Hầu hết trẻ được tiêm vắc-xin Hib không gặp vấn đề gì. Một số trẻ có thể có các vấn đề nhẹ sau khi tiêm vắc-xin Hib như đỏ, ấm hoặc sưng nơi tiêm, sốt, phát ban da. Các triệu chứng này thường bắt đầu ngay sau khi tiêm và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày.

5. Tiêm phòng vắc-xin Hib tại Vinmec

Tiêm vắc-xin tại Trung tâm tiêm chủng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Tiêm vắc-xin tại Trung tâm tiêm chủng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, health.gov.au, medlineplus.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan