Di chứng nặng nề của viêm não Nhật Bản nếu không điều trị kịp thời

Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nhiễm trùng do virus gây ra. Đây là một bệnh lý nặng nề, dễ để lại nhiều di chứng nguy hiểm trên cơ thể của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản, còn gọi là bệnh viêm não Nhật Bản B, là tình trạng nhiễm trùng toàn thân cấp tính, trong đó bao hàm cả viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đường lây truyền bệnh là đường máu và muỗi Culex là vật trung gian truyền bệnh. Loài muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản này thường hoạt động vào buổi tối, sinh sống phổ biến ở đồng bằng và phát triển mạnh lên vào mùa hè.

Khi đốt, muỗi đưa virus từ máu vào bên trong cơ thể và phát tán khắp các cơ quan. Hệ thần kinh là cơ quan có lượng nhiều virus đến và sinh sản nhanh, gây ra các phản ứng phù nề, xuất huyết mô thần kinh ở não và màng não. Các cơ quan khác như gan, phổi, tim, thận cũng xuất hiện các tổ chức thoái hóa và viêm nhiễm.

Dựa trên các đặc điểm lâm sàng bệnh có thể được phân chia thành nhiều thể khác nhau như thể điển hình, thể màng não, thể liệt mềm giống bại liệt, thể liệt hành tủy, thể cụt và thể ẩn.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản

Virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân chính gây bệnh. Trong tự nhiên, virus tồn tại ở các loài chim và gia súc như chim liếu điếu, diếc, ngựa, lợn,... xâm nhập vào cơ thể người thông qua vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi.

Virus viêm não Nhật Bản B là loại virus mang vật liệu di truyền là ARN, kém bền với nhiệt độ và một số chất tẩy rửa như aceton, cồn,...

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

3. Di chứng viêm não Nhật Bản

Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh viêm não Nhật Bản B là sốt cao trên 38 độ C, kèm theo tình trạng đau đầu nhiều, cảm giác buồn nôn và nôn. Trẻ nhỏ mắc bệnh còn có thể quấy khóc, khó dỗ, mất ngủ, thậm chí li bì hoặc tăng kích thích, mê sảng, trương lực cơ tăng hơn mức bình thường, rối loạn thần kinh thực vật, tăng nhịp tim, vã nhiều mồ hôi.

Di chứng viêm não Nhật Bản khá nặng nề, khi không được phát hiện và điều trị đúng cách, nhiều di chứng nặng nề có thể xuất hiện như:

  • Viêm đường hô hấp: Khi bị virus viêm não Nhật Bản B tấn công, hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu và không hoạt động hiệu quả, từ đó nhiều vi sinh vật dễ tấn công và gây bệnh. Tình trạng bội nhiễm thường xuất hiện trên người bệnh viêm não nhật bản, trong đó nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, viêm phế quản, là cơ quan phổ biến nhất. Viêm phổi nặng thường gặp ở những bệnh nhân phải nằm lâu, bất động tại giường.
  • Co giật: Tình trạng sốt cao của bệnh viêm não Nhật Bản B có thể dẫn đến co giật ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi dưới năm. Co giật do sốt nếu không được dự phòng và xử trí kịp thời có thể dẫn đến động kinh hoặc các vấn đề thực thể khác liên quan đến não bộ.
  • Động kinh: Hệ thần kinh trung ương là cơ quan chủ yếu bị tấn công. Động kinh là một trong những di chứng viêm não Nhật Bản liên quan đến hệ thần kinh trung ương, xuất hiện muộn sau ít nhất một năm.
  • Hôn mê sâu: Di chứng viêm não Nhật Bản nặng nề này có tiên lượng rất kém.
  • Suy kiệt nặng: Đây là hệ quả của việc phải nằm viện trong thời gian dài, dinh dưỡng không được bảo đảm và tình trạng nhiễm trùng nặng nề kéo dài.

Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não Nhật Bản tăng lên rất cao, trung bình từ 20% đến 80% ở những bệnh nhân xuất hiện di chứng.

Động kinh
Động kinh là một trong các di chứng viêm não Nhật Bản

4. Cách phòng ngừa di chứng viêm não Nhật Bản

Các biểu hiện lâm sàng và di chứng viêm não Nhật Bản là bằng chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của căn bệnh này. Vì thế việc phòng ngừa mắc bệnh cũng như hạn chế tối thiểu di chứng của nó là việc làm cần thiết. Một số biện pháp dự phòng có ý nghĩa như:

  • Truyền thông kiến thức về bệnh viêm não nhật bản B: Mọi người dân cần được thông tin về một số điểm cơ bản như tác hại của bệnh, vật trung gian truyền bệnh là muỗi, và các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh trên lâm sàng. Tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản là việc đầu tiên cần được khuyến khích ở mọi người dân.
  • Diệt muỗi và loăng quăng: Muỗi là vector trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản B. Người dân cần diệt muỗi và loăng quăng bằng cách giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng, xây dựng chuồng trại xa nơi ở, không cho muỗi có điều kiện sinh sôi và phát triển. Những nơi có nguy cơ cao xuất hiện dịch bệnh cần tiến hành các biện pháp mạnh hơn như phun thuốc diệt muỗi cho tất cả các nhà trong khu vực.
  • Tiêm chủng vắc-xin Viêm não Nhật Bản: Đây là biện pháp chủ động phòng bệnh có hiệu quả cao nhất. Trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi theo phác đồ tại các cơ sở y tế. Với trẻ dưới 5 tuổi, mũi đầu tiên tiêm vào lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất 1 đến 2 tuần và mũi thứ ba cách mũi thứ nhất ít nhất 1 năm. Do vắc-xin viêm não Nhật Bản không tạo được miễn dịch mạnh suốt đời nên cần tiêm nhắc lại cho trẻ mỗi 3 đến 4 năm.

Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện ngay giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công và giảm khả năng xuất hiện các di chứng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan