Thế nào là vắc-xin uốn ván hấp phụ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên tiêm vắc-xin uốn ván theo đúng liều lượng và lịch tiêm được khuyến cáo. Vắc-xin uốn ván hấp phụ TT là loại vắc-xin có tác dụng phòng ngừa bệnh uốn ván, được phối hợp từ giải độc tố uốn ván tinh chế và tá chất hấp phụ Aluminium phosphate.

1. Uốn ván - căn bệnh có nguy cơ tử vong cao

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do trực khuẩn Clostridium Tetani gây ra. Vi khuẩn, nhất là bào tử uốn ván có mặt ở khắp nơi trong đất cát, bụi, phân gia súc, gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ,... Khi xâm nhập vào vết thương, vết trầy xước, chúng sẽ phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Sau khi nhiễm khuẩn, trực khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Độc tố Clostridium Tetani sau khi thâm nhập vào máu sẽ tấn công trực tiếp tới hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng co cứng cơ cục bộ hoặc toàn thân ở bệnh nhân, dẫn tới những cơn co giật nguy hiểm.

Thời gian ủ bệnh của trực khuẩn uốn ván thường là 3 - 21 ngày. Thời gian ủ bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn, độ rộng của vết thương, vị trí vết thương và điều kiện yếm khí ở vết thương. Người bệnh uốn ván thường tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật hoặc ngừng tim do các cơn co giật. Tỷ lệ tử vong do uốn ván khá cao, từ 25 - 90%. Đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong lên tới 95%. Và việc can thiệp hồi sức cấp cứu sớm sẽ nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân.

Hiện nay, người dân có thể chủ động phòng ngừa uốn ván bằng cách tiêm vắc-xin uốn ván hấp phụ để tạo khả năng miễn dịch chống lại trực khuẩn gây bệnh. Vắc-xin uốn ván hấp phụ TT giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván cho trẻ em, người trưởng thành, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh (người làm vườn; người làm việc trong các trang trại, nông trường; người dọn vệ sinh cống rãnh; công nhân xây dựng các công trình; bộ đội)

Uấn ván
Co cứng cơ cục bộ hoặc toàn thân ở bệnh nhân mắc uốn ván

2. Vắc-xin uốn ván hấp phụ là gì?

Vắc-xin uốn ván hấp phụ được sản xuất phối hợp từ giải độc tố uốn ván tinh chế và tá chất hấp phụ.

Chỉ định dùng vắc-xin: Gây miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván.

Chống chỉ định: Loại vắc-xin này chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Tạm hoãn tiêm cho người mắc bệnh cấp tính;
  • Không tiêm cho người có biểu hiện dị ứng với lần tiêm trước;
  • Tránh dùng cho người đã từng xảy ra các triệu chứng thần kinh sau lần tiêm đầu tiên.

Cách dùng và liều dùng:

  • Đường dùng: Tiêm bắp sâu;
  • Liều lượng: 0,5ml;
  • Lịch tiêm: Gây miễn dịch cơ bản 2 liều cách nhau ít nhất 30 ngày, sau liều thứ hai khoảng 6 - 12 tháng cần tiêm nhắc lại 1 liều. Lịch tiêm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 44 tuổi hoặc 15 - 35 tuổi theo WHO) như sau:
    • Tiêm lần 1: Lứa tuổi dậy thì hoặc sớm hơn, trước khi mang thai;
    • Tiêm lần 2: Sau lần 1 khoảng 4 tuần;
    • Tiêm lần 3: Sau lần 2 khoảng 6 tháng;
    • Tiêm lần 4: Sau lần 3 khoảng 1 năm;
    • Tiêm lần 5: Sau lần 4 khoảng 1 năm.
  • Với thai phụ chưa tiêm lần nào thì tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng, liều 1 từ sau 20 tuần thai, liều thứ 2 cách liều 1 ít nhất 4 tuần và trước khi sinh tối thiểu 1 tháng.

Tác dụng phụ sau tiêm:

  • Đôi khi bị sốt, vị trí tiêm xuất hiện quầng đỏ, đau, sưng nhẹ rồi tự mất đi;
  • Có thể bị dị ứng trong các trường hợp tiêm nhắc lại nhiều lần.
Tiêm phòng vacxin
Tiêm vắc-xin uốn ván hấp phụ giúp cơ thể chống lại trực khuẩn Clostridium Tetani

Thận trọng khi sử dụng:

  • Vắc-xin uốn ván hấp phụ có thể bị ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch nếu sử dụng đồng thời với liệu pháp ức chế miễn dịch;
  • Có thể gặp phản ứng nhẹ toàn thân như: Đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp;
  • Có thể bị rối loạn chức năng các dây thần kinh cánh tay, bả vai;
  • Có thể sưng hạch bạch huyết gần vị trí tiêm;
  • Nếu tiêm nhầm vào dưới da: Các phản ứng sẽ rất rầm rộ vì vắc-xin chứa muối nhôm;
  • Không tiêm quá liều;
  • Không tiêm vào tĩnh mạch để tránh sốc phản vệ;
  • Không chống chỉ định đối với phụ nữ đang cho con bú;
  • Vắc-xin bán theo đơn;
  • Chú ý lắc đều trước khi sử dụng;
  • Bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ +2 đến + 8 độ C, tránh để đông băng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan