Nguồn gốc bệnh bạch hầu trên thế giới và lịch sử ra đời vắc-xin bạch hầu

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và được đặc trưng bởi một tổn thương nguyên phát, thường xuất hiện ở đường hô hấp trên cùng với các triệu chứng tổng quát do sự lây lan độc tố vi khuẩn trên khắp cơ thể. Đây là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng trên khắp thế giới cho đến cuối thế kỷ 19. Nó xảy ra chủ yếu ở các vùng ôn đới, phổ biến vào những tháng lạnh trong năm và thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi.

Trực khuẩn bạch cầu được truyền trong các dịch tiết hô hấp của những người mang bệnh bằng cách nói, ho hoặc khạc nhổ. Trực khuẩn xâm nhập phổ biến ở đường miệng như amidan, mũi và cổ họng. Sau đó, tồn tại và lan truyền ra các khu vực xung quanh tạo ra độc tố mạnh lan truyền ra khắp cơ thể qua đường máu và mạch bạch huyết gây tổn thương cho tim và hệ thần kinh.

Bệnh bạch hầu được mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên bởi Hippocrates, và lần dịch bệnh bùng phát diện rộng đầu tiên xảy ra vào thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Loại vi khuẩn này được tìm thấy lần đầu tiên ở màng giả mạc của bênh nhân bạch hầu vào năm 1883, sau đó được nuôi cấy lần đầu vào năm 1884. Cuối thế kỷ 19, chất độc tố gây ra bởi khuẩn bạch hầu được phát hiện, sau đó vắc-xin dần được phát triển vào những năm 1920.

2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ có biểu hiện tương tự cảm lạnh như đau họng, ho, sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

  • Bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
  • Bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng ngà hoặc xám, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Lớp giả mạc rất khó bóc và dễ gây chảy máu. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm, sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.
  • Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho ông ổng như tiếng chó sủa. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
  • Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai. Diễn tiến bệnh và những biến chứng nguy hiểm của bệnh

3. Biến chứng của bệnh bạch hầu

Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là viêm cơ timviêm thần kinh ngoại biên.

Bạch hầu
Hình ảnh màng trắng xuất hiện tại bề mặt amidan của bệnh nhân
  • Viêm cơ tim có thể xuất hiện dưới dạng nhịp tim bất thường và có thể xảy ra sớm trong quá trình mắc bệnh hoặc vài tuần sau đó, và có thể dẫn đến suy tim. Nếu tình trạng viêm cơ tim xảy ra sớm, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
  • Viêm thần kinh ngoại biên thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và ức chế một số hoạt động của cơ thể. Ví dụ như tê liệt vòm miệng thường gặp nhất trong tuần thứ ba của bệnh. Liệt cơ, mắt và cơ hoành có thể xảy ra sau tuần thứ năm. Viêm phổisuy hô hấp có thể xảy ra do liệt cơ hoành.
  • Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; gây viêm kết mạc; gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở... đặc biệt ở trẻ nhỏ.
  • Tỷ lệ tử vong trong tổng thể của bệnh bạch hầu là từ 5% -10%, với tỷ lệ tử vong cao hơn (lên đến 20%) ở những trẻ dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong trong trường hợp mắc bệnh bạch hầu có thay đổi rất ít trong 50 năm qua.

4. Vắc-xin bạch hầu ra đời thế nào?

Trước kia, căn bệnh này không có phương pháp điều trị hiệu quả.

Vào những năm 1890, bác sĩ người Đức Emil Von Behring đã phát triển một loại thuốc chống độc không tiêu diệt được vi khuẩn, nhưng vô hiệu hoá các chất độc mà vi khuẩn lan truyền trong cơ thể. Von Behring phát hiện ra rằng máu động vật có chứa chất kháng độc tố và ông ấy đã lấy máu này sau đó loại bỏ các tác nhân đông máu và tiêm vào bệnh nhân.

Von Behring đã được trao giải thưởng Nobel về y học đầu tiên cho việc khám phá và phát triển liệu pháp huyết thanh cho bệnh bạch hầu. Vào mùa xuân năm 1913, Von Behring đã phát triển vắc-xin chống bạch hầu - đây được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.

Từ những năm 1920 trở đi, vắc-xin bạch hầu đã được phân bố rộng rãi. Ngày nay, vắc-xin bạch hầu được khuyên dùng cho tất cả trẻ sơ sinh và người lớn chưa được chủng ngừa, và vắc xin này được sản xuất bằng cách xử lý độc tố bạch hầu bằng nhiệt và hoá chất để phá huỷ khả năng sản sinh bệnh đồng thời cho phép nó kích thích sản xuất kháng thể.

Tiêm chủng vắc-xin nói chung và tiêm vắc-xin bạch hầu nói riêng là hoạt động kích hoạt bộ nhớ của hệ thống miễn dịch mà không gây bệnh cho người tiêm. Bởi vì, khi cơ thể tiếp xúc với nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch sẽ nhớ lại các vi khuẩn đã đồng thời kích hoạt một loạt phản ứng vô hiệu hoá và hạn chế tác hại của chúng.

Việc tiêm vắc-xin bạch hầu đã được chứng minh có khả năng giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc căn bệnh này.

Trẻ viêm tai giữa
Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến nghị nên tiêm một gói vắc-xin bạch hầu gồm 3 mũi chính và bổ sung bằng 3 mũi tăng cường. Lần tiêm vắc-xin bạch hầu đầu tiên nên bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi, với các liều vắc-xin tiếp theo có khoảng cách tối thiểu 4 tuần giữa các mũi tiêm. 3 mũi vắc-xin nhắc lại nên được tiêm lần lượt vào khi trẻ 18-23 tháng tuổi, 4-7 tuổi và 9-15 tuổi. 4 năm là khoảng cách hợp lý giữa các mũi tiêm tăng cường.

Tiêm vắc-xin bạch hầu có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng bệnh bạch hầu. Với mục đích này, người ta sử dụng biến độc tố (toxoid) bạch hầu, chính là độc tố bạch hầu đã được làm mất các độc tính, bị hấp thụ trong nhôm hydroxyd. Hiện nay, tại Việt Nam không có vắc-xin phòng bạch hầu đơn giá, chỉ có vắc-xin phòng bạch hầu phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:

  • Vắc-xin 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Infanrix hexa, Hexaxim).
  • Vắc-xin 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b (Pentaxim), phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Combe Five, Quinvaxem. SII)
  • Vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Tetraxim).
  • Vắc-xin 3 trong 1 phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Adacel, Boostrix, DPT)
  • Vắc-xin 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan