Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra, loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn. Vậy làm gì để phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh bị trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ. Thực tế cho thấy các trường hợp cắt dây rốn bằng kéo không được tiệt trùng kỹ hoặc chỉ ngâm qua nước nóng 5- 10 phút, hay các cách cắt rốn thô sơ sẽ có nguy cơ gây bệnh uốn ván rốn sơ sinh rất cao.

1. Dấu hiệu bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Thời kỳ ủ bệnh kể từ khi cắt dây rốn, trẻ có biểu hiện cứng hàm. Thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 4-15 ngày, tùy từng trường hợp nhưng trung bình là 7 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
  • Thời kỳ khởi phát bệnh, trẻ có dấu hiệu khóc, quấy, bỏ bú, miệng trong trạng thái chúm chím lại, khó bú mặc dù đói nhưng không bú được. Mẹ sẽ nhận thấy dấu hiệu cứng hàm khi đè lưỡi trẻ ấn xuống. Đây là thời gian bệnh chuyển nhanh sang giai đoạn toàn phát.
  • Thời kỳ toàn phát, trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn có biểu hiện rõ rệt như cứng hàm thấy rõ, xuất hiện các triệu chứng co giật, co cứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các cơn co giật, cứng cơ xuất hiện mau hay thưa, ngắn hay dài.
  • Ở thời kỳ lui bệnh, tình trạng bệnh sẽ tiến triển tốt hơn, các cơn co cứng, co giật giảm dần về số lượng và mức độ. Trẻ có thể bú lại mẹ, và thi thoảng vẫn xuất hiện tăng trương lực. Thường thì 1,5- 2 tháng thì trương lực cơ mới có thể trở lại bình thường.

Cụ thể biểu hiện cơn co giật ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn sẽ xảy ra một cách tự phát hoặc kích thích khi gặp ánh sáng, biếng ăn, lúc khám bệnh, trẻ có biểu hiện mặt nhăn nhúm, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay gồng lên nắm chặt.

triệu chứng uốn ván rốn
Trẻ bị uốn ván rốn thường xuất hiện các cơn co cứng người

Các cơn co giật ở trẻ uốn ván rốn sơ sinh sẽ kéo dài đến vài phút, thậm chí là 5-6h tùy tình trạng. Lúc này có nhịp tim của trẻ đập chậm lại, mạch khó bắt, chân tay đổ lạnh. Mỗi một cơn ngưng thở có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, hoặc gây dễ bị bội nhiễm, toan hóa máu.

Trẻ uốn ván rốn sơ sinh có các cơn co cứng, người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hai tay khép chặt. Các cơn co cứng xuất hiện thường xuyên sau cơ co giật và kéo dài trong thời gian điều trị bệnh cho trẻ. Nếu tình trạng co giật, co cứng kéo dài hàng phút không có dấu hiệu thuyên giảm, trẻ có thể có nguy cơ tử vong. Ngoài ra trẻ uốn ván rốn sơ sinh có dấu hiệu sốt cao 38- 39 độ, có khi lên đến 40- 41 độ là tiền đề cho các cơn co giật diễn ra.

2. Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Để phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh hiệu quả, bất cứ cha mẹ nào khi bắt đầu có con cũng cần biết về sự nguy hiểm, nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có ý thức phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Cụ thể:

  • Cần nâng cao hiểu biết, đầu tư cho việc chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván
  • Loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học
  • Cải thiện điều kiện vệ sinh của các cơ sở y tế ở tuyến dưới nhất là phòng sinh của các nhà hộ sinh
  • Trang bị đầy đủ các phương tiện đỡ đẻ và phương tiện tiệt trùng theo quy định của ngành y tế
  • Phụ nữ có thai cần được theo dõi tốt, định kỳ, tránh tình trạng đẻ tại nhà, đẻ rơi
  • Nữ hộ sinh, bác sĩ cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, định kỳ
  • Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ cho trẻ em, đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván ngoài việc tiêm huyết thanh chống uốn ván cần tiêm giải độc tố uốn ván
  • Tiêm vắc-xin ngừa uốn ván cho mẹ bầu vì bệnh có thể truyền từ mẹ sang con
  • Thực hiện biện pháp đẻ vô khuẩn qua các bước:

+ Hộ sinh khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc nước sôi để nguội, sát khuẩn tay bằng cồn hoặc ngâm tay vào dung dịch sát trùng.

+ Tiệt khuẩn dụng cụ đỡ đẻ như: kéo cắt rốn, băng rốn, chỉ buộc, phải được hấp 120 độ C trong 20 phút hoặc nếu có điều kiện nên dùng gói đỡ đẻ sạch

+ Không băng rốn quá kín vì cuống rốn dễ giữ ẩm và lâu khô

+ Không nên cắt dây rốn quá dài chỉ nên cắt cách cuống rốn 2-3cm là đủ

+ Khi chăm sóc trẻ ở những tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn cần giữ gìn băng rốn sạch sẽ, băng bị ướt (do tắm, do thấm nước tiểu) phải thay ngay.

Để ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất, bạn nên tiêm vắc-xin phòng bệnh với tổng số lần tiêm phòng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15- 35 là 5 mũi, sản phụ lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản.

tiêm uốn ván
Tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván rốn khi mang thai

Lịch tiêm nhắc lại được quy định tiêm đúng lịch là:

  • Mũi 1 cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc tiêm sớm cho phụ nữ có thai lần đầu.
  • Mũi 2 tiêm ít nhất 1 tháng sau mũi 1 hoặc tiêm cho phụ nữ có thai trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
  • Mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai sau.
  • Mũi 4 tiêm ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai sau.
  • Mũi 5 tiêm ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai sau.
  • Lưu ý nên tiêm nhắc lại mũi thứ 6 khi thời điểm tiêm mũi thứ 5 đã trên 10 năm.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp dịch vụ tiêm phòng vắc-xin uốn ván.

Bệnh viện sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng. Trước khi tiêm phòng, tất cả khách hàng được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng.

100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về. Đặc biệt, Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

Để được tư vấn trực tiếp hoặc đặt lịch hẹn tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan