Vắc-xin HPV: Ai nên tiêm và tiêm khi nào?

Virus HPV thường gặp nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nhiều nước trên thế giới. Theo một số nghiên cứu, trong số 100 bệnh nhân ung thư cổ tử cung, có đến 91 bệnh nhân có nhiễm HPV (91%). Tiêm phòng HPV chính là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

1. Virus HPV là gì?

Human papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường tình dục. Cũng giống như các loại virus khác, virus HPV xâm nhập vào tế bào và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Một khi đã nhập bào, HPV sẽ tấn công tế bào và lây lan sang các tế bào xung quanh.

Có hơn 150 loại HPV, trong đó khoảng hơn 40 loại gây ra các bệnh vùng sinh dục của cả nam và nữ, lây nhiễm da với da thông qua việc quan hệ, bao gồm cả quan hệ bằng miệng. Thậm chí, nhiễm trùng HPV sinh dục có thể xảy ra ngay cả với người không có quan hệ tình dục.

HPV là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất tại Hoa Kỳ, khi hầu hết những người có sinh hoạt tình dục đều có mắc HPV ít nhất một lần trong đời.

virus-hpv-1
Virus HPV

2. Virus HPV có thể gây ra những bệnh nào?

Giống như nhiều bệnh lây qua đường tình dục khác, người nhiễm virus HPV vùng kín thường không có biểu hiện hay triệu chứng gì, không biết bản thân nhiễm bệnh và do đó lây cho bạn tình.

Nếu không được điều trị kịp thời, Virus HPV có thể là nguyên nhân gây ra những bệnh sau:

  • Mụn cóc sinh dục: Có khoảng 12 loại virus HPV, được xếp vào nhóm “nguy cơ thấp”, gây ra mụn cóc sinh dục. Hầu hết bệnh nhân mắc mụn cóc sinh dục do hai loại HPV nguy cơ thấp: Loại 6 và loại 11. Mụn cóc sinh dục mọc và phát triển ở trong hoặc ngoài âm đạo hay dương vật, có thể lan sang vùng da xung quanh. Ngoài ra, mụn còn có thể xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung, hoặc quanh hậu môn.
  • Ung thư: Có ít nhất 13 loại virus HPV, được xếp vào nhóm “nguy cơ cao”, có thể gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo hoặc dương vật, ung thư miệng và vòm họng. Hầu hết các trường hợp ung thư do nguyên nhân liên quan tới virus HPV đều gây ra bởi hai loại nguy cơ cao: Loại 16 và 18

3. Có phải 100% bệnh nhân nhiễm HPV đều bị mụn cóc sinh dục hoặc ung thư?

Câu trả lời là Không. Đối với đại đa số mọi người, virus HPV sẽ mất đi nhờ hệ miễn dịch trong cơ thể.

Khi hệ miễn dịch không thể xóa bỏ virus HPV, bệnh nhân nhiễm HPV mãn tính. Virus HPV thuộc nhóm nguy cơ cao có thể gây bất thường tế bào cổ tử cung, dẫn đến tổn thương tiền ung thư, quá trình này thường diễn tiến trong nhiều năm. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện những dấu hiệu thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung, nhờ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị sớm, ngăn ngừa nguy cơ phát triển thành ung thư.

virus-hpv-2
Không phải 100% bệnh nhân nhiễm HPV đều bị mụn cóc sinh dục

4. Tiêm phòng Vắc-xin HPV

Tiêm phòng được đánh giá là an toàn và đem lại hiệu quả cao trong phòng ngừa nhiễm HPV, bảo vệ cơ thể khỏi những loại virus HPV gây ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục phổ biến nhất.

Hiện nay ở Việt Nam, vắc-xin phòng HPV được chỉ định cho nữ giới. Vắc-xin có hiệu quả cao nhất khi tiêm ở thời điểm chưa quan hệ tình dục và chưa phơi nhiễm HPV, tuy nhiên, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể tiêm sau khi đã quan hệ, để giảm nguy cơ nhiễm HPV. Độ tuổi tiêm phòng lý tưởng là 11 hoặc 12 tuổi. Song, độ tuổi có thể tiêm trong khoảng từ 9-26 tuổi.

Phác đồ tiêm ngừa cho bé gái trong độ tuổi từ 9-14 là 2 mũi, mỗi mũi cách nhau từ 6-12 tháng. Nữ giới từ 15 đến 26 tuổi được khuyến cáo tiêm theo phác đồ 3 mũi.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêm đủ mũi ngừa HPV khi chưa quan hệ có thể giảm tới 99% nguy cơ ung thư liên quan tới một số loại HPV. Nữ giới đã quan hệ có thể đã nhiễm một hoặc vài loại virus HPV, tuy nhiên, ở độ tuổi trước 26, vẫn hoàn toàn có thể tiêm vắc-xin để ngừa các loại HPV khác.

5. Vắc-xin HPV có tác dụng phụ gì không?

Trong số hàng triệu người đã tiêm ngừa HPV, chưa có trường hợp nào được báo cáo có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng mạnh. Tác dụng phụ thường gặp nhất của vắc-xin là đỏ rát vết tiêm.

Sau khi tiêm phòng HPV vẫn cần sàng lọc thường xuyên. Tuy vắc-xin có tác dụng phòng tránh nguy cơ nhiễm virus HPV, nhưng không phải là phương thuốc chữa cho những người đã mắc bệnh. Do vậy, ngay cả khi đã tiêm phòng, chị em vẫn cần sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ theo lứa tuổi và tiền sử sức khỏe.

Ngay cả khi đã tiêm ngừa, nữ giới vẫn nên ghi nhớ một số lưu ý quan trọng dưới đây để bảo vệ bản thân khỏi HPV cũng như các bệnh lây qua đường tình dục khác như: Không nên quan hệ với nhiều người để giảm nguy cơ lây nhiễm. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan