Vì sao phải tiêm chủng nhiều lần?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao hệ miễn dịch của con người, đặc biệt là trẻ em. Theo đó, việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin có tác dụng tạo ra các kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên có loại vắc-xin chủng ngừa một lần là đủ nhưng có loại vắc-xin phải tiêm nhắc lại nhiều lần mới đạt hiệu quả miễn dịch bền vững.

1. Vì sao phải tiêm chủng nhiều lần?

Nguyên nhân có các mũi tiêm nhắc lại là vì với một số loại vắc-xin (như vắc-xin bất hoạt) thì một liều không đủ tạo ra miễn dịch nên cần phải tiêm nhiều liều để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch nhiều hơn nhằm đạt hiệu quả miễn dịch bền vững. Ngoài ra, kháng thể bảo vệ mà trẻ có được sau khi tiêm đủ liều 1 loại vắc-xin có khả năng giảm dần theo thời gian, nếu không được tiêm chủng nhắc lại thì trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Độ bền vững của kháng thể còn phụ thuộc vào bản chất của vắc-xin, công nghệ sản xuất và khả năng đáp ứng của cơ thể.

Một số vắc-xin sống cần tiêm nhắc lại một mũi nữa để tạo miễn dịch tối đa cho cơ thể. Đặc biệt là cúm mùavirus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên nên vắc-xin cúm hằng năm cần đảm bảo sự tương đồng giữa chủng virus cúm có trong vắc-xin và chủng virus hiện đang lưu hành.

Lưu ý việc chủng ngừa nhắc lại chỉ có hiệu quả với vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với vắc-xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau được coi như là tiêm mới. Ngược lại thì những vắc-xin có miễn dịch bền vững trong thời gian dài thì việc tiêm các mũi vắc-xin bổ sung chủ yếu nhằm tạo miễn dịch cho trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

Tiêm BCG
Tiêm chủng vắc-xin cần đúng và đủ liều theo quy định của tổ chức y tế

2. Lịch tiêm chủng nhắc lại của các loại vắc-xin

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng để xây dựng một hệ miễn dịch bền vững và khỏe mạnh. Một số vắc-xin cần tiêm chủng nhắc lại mà phụ huynh nên lưu ý cho trẻ như sau:

Vắc-xin viêm gan B, vắc-xin uốn ván, bạch hầu, ho gà, vắc-xin phòng viêm màng não mủ do Hib

  • Mũi 1: lúc trẻ 2 tháng tuổi
  • Mũi 2: cách mũi đầu một tháng
  • Mũi 3: cách mũi 2 một tháng
  • Sau 1 năm thì tiêm nhắc lại.

Vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus: gồm có 2 loại

  • Rotarix: uống 2 liều, liều 1 lúc 6 tuần tuổi và liều 2 cách 4 tuần sau đó. Trẻ nên uống trước 24 tuần tuổi.
  • Rotateq: uống 3 liều, liều đầu tiên lúc 7-12 tuần tuổi, các liều tiếp theo cách nhau ít nhất 4 tuần. Lưu ý liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần 32.

Vắc-xin phòng phế cầu:

  • Đối với trẻ từ 6 tuần tuổi - 6 tháng tuổi: dùng liệu trình 3+1 hoặc 2+1 với liều đầu tiên vào 6 tuần tuổi.
  • Đối với trẻ từ 7-11 tháng tuổi chưa được tiêm phòng trước đó: tiêm 2 liều, liều thứ 2 cách liều một ít nhất 1 tháng và liều 3 được tiêm nhắc lại khi trẻ hơn 1 tuổi, phải cách liều thứ 2 tối thiểu 2 tháng.
  • Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi: tiêm 2 liều, liều thứ 2 cách liều một ít nhất 2 tháng và không phải tiêm nhắc lại.
Vắc - xin phế cầu mới Prevenar 13
Vắc - xin Prevenar 13 phòng bệnh do phế cầu

Vắc-xin phòng bệnh cúm:

Ttrẻ từ 6 tháng tuổi nên được tiêm vắc-xin phòng cúm. Liều cơ bản bản ban đầu gồm 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc hàng năm.

Trẻ dưới 9 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng cúm lần nào tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc hàng năm.

Người từ 9 tuổi trở lên tiêm hàng năm 1 mũi vắc xin phòng cúm.

Vắc-xin phòng viêm não mô cầu BC: Tiêm 2 mũi, mũi đầu tiên cho trẻ từ 6 tháng trở lên và mũi thứ 2 cách mũi đầu 6-8 tuần.

Vắc-xin phòng bệnh sởi: Đến 15 tháng sẽ tiêm mũi Sởi-Quai bị-Rubella (MMR). Hoặc tiêm mũi Sởi-Quai bị-Rubella (MMR) lúc 12 tháng và tiêm mũi sởi đơn lức trẻ được 18 tháng.

Vắc-xin phòng viêm não nhật bản B:

Loại Vắc-xin bất hoạt:

  • Mũi 1: trẻ được 1 tuổi
  • Mũi 2: cách mũi 1 từ 7-14 ngày
  • Mũi 3: cách mũi 2 một năm

Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản B cần được tiêm nhắc lại ba năm 1 lần.

Loại Vắc-xin sống giảm độc lực:

Mũi 1 từ khi trẻ 9 tháng, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 năm.

Vắc-xin phòng bệnh sởi-quai bị-rubella: Tiêm 1 liều cho trẻ trên 12 tháng tuổi và nhắc lại sau 4-8 năm.

Vắc-xin phòng thủy đậu: Tiêm 1 liều cho trẻ từ 12 tháng tới 12 tuổi, nhắc lại sau 4 năm. Người từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần

Vắc-xin phòng bệnh viêm gan virus A: Tiêm 2 mũi cho trẻ từ 12 tháng tới 15 tuổi, cách nhau 6-12 tháng

Vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não do phế cầu, thương hàn: Tiêm mũi đầu cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và tiêm nhắc lại sau mỗi 3 năm.

Tiêm nhắc lại vắc-xin giúp trẻ phòng tránh những bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra một cách toàn diện thông qua trí nhớ miễn dịch khi trẻ được tiêm ngừa bằng các loại vắc-xin tương thích. Để đạt hiệu quả phòng bệnh tối ưu, phụ huynh cần chú ý tuân thủ đúng lịch tiêm nhắc lại theo khuyến cáo.

Ngoài các mốc thời gian tiêm chủng nhắc lại thì việc lựa chọn cơ sở tiêm chủng cũng rất quan trọng nhằm giúp trẻ nhận được nguồn vắc-xin đảm bảo chất lượng cũng như thời gian tiêm vắc-xin nhắc lại phù hợp với độ tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan