Bị trật khớp háng bao lâu thì khỏi?

Chấn thương trật khớp háng làm tổn thương đến khớp háng và ảnh hưởng đến khả năng đi lại của người bệnh. Vậy biểu hiện, phương pháp điều trị khi bị trật khớp háng là gì? Trật khớp háng bao lâu thì khỏi?

1. Trật khớp háng là gì?

Khớp háng là dạng khớp chỏm cầu, có kích thước lớn nhất của cơ thể, nó được các cột xương chậu chống đỡ và nằm sâu trong cơ thể nên rất vững chãi. Do đó, bệnh nhân phải chịu một lực tác động rất mạnh và gây chấn thương nặng mới có thể dẫn đến trật khớp háng.

Bị trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi của 1 hoặc cả 2 bên khớp háng lệch ra khỏi vị trí vốn có của nó. Trật khớp háng thường gặp nhất là ở bên hông trái.

Trật khớp háng thường chủ yếu xảy ra đối với trẻ vị thành niên từ độ tuổi trung bình 11 đến 15 tuổi. Theo các báo cáo đưa ra tỷ lệ cứ 6 người thì có 5 nam và 1 nữ bị trật khớp háng. Sau đây là các trường hợp có thể gia tăng nguy cơ bị trật khớp háng:

  • Những người bị mắc bệnh béo phì;
  • Người sử dụng thuốc, dược phẩm nhóm steroid;
  • Người có vấn đề về bệnh tuyến giáp;
  • Người có tiền sử điều trị bức xạ;
  • Người có những vấn đề về xương liên quan đến bệnh thận.

2. Phân loại trật khớp háng

Một số loại trật khớp háng thường gặp bao gồm:

  • Trật khớp háng kiểu mu: Khớp háng trật lên trên, ra trước;
  • Trật khớp háng kiểu chậu: Khớp háng trật lên trên, ra sau (chiếm khoảng 85%);
  • Trật khớp háng kiểu ngồi: Khớp háng trật xuống dưới, ra sau;
  • Trật khớp háng kiểu bịt: Khớp háng trật xuống dưới, ra trước.

Phân loại theo cấp độ gồm có:

  • Cấp 1: Trật khớp háng vững;
  • Cấp 2: Trật khớp háng kèm vỡ một phần chỏm hoặc một phần ổ cối;
  • Cấp 3: Chấn thương như độ 2 nhưng khớp háng không vững, bị trật lại;
  • Cấp 4: Trật khớp háng kèm gãy cổ xương đùi.

3. Triệu chứng và biểu hiện của trật khớp háng là gì?

Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của trật khớp háng:

  • Triệu chứng toàn thân: Người bệnh có các dấu hiệu chấn thương như da và niêm mạc nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt, tổn thương các cơ quan quan trọng khác.
  • Triệu chứng tại chỗ:
    • Đau và sưng nề tại vị trí, vùng bị trật khớp háng.
    • Đi lại khó khăn.
    • Có thể có triệu chứng tổn thương thần kinh tọa, khó bắt được động mạch đùi.
    • Đau hông, hông trở nên cứng, khó di chuyển.
    • Cơn đau có thể xảy ra ở hông, háng, đùi hoặc đầu gối. Cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bệnh chạy, nhảy hoặc vặn mình.
    • Trường hợp bị trật khớp háng xảy ra sau khi ngã hoặc bị thương thì người bệnh sẽ có cảm giác bị đau đột ngột và dữ dội, giống với triệu chứng khi bị gãy chân.
    • Ngoài đau, chân cũng có thể bị xoay ra ngoài và nhìn ngắn hơn chân còn lại.

4. Nguyên nhân gây ra tình trạng trật khớp háng?

Nguyên nhân gây ra trật khớp háng có thể là do bẩm sinh hoặc gặp chấn thương như tai nạn. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến trật khớp háng bao gồm:

  • Loạn sản xương hông: Khi chỏm cầu ở ổ khớp háng trở nên lỏng lẻo sẽ dẫn đến trật khớp ổ khớp. Các loạn sản xương hông bao gồm loạn sản khớp háng (DDH) bẩm sinh hoặc xảy ra khi bệnh viêm khớp phát triển hoặc xảy ra chấn thương trật khớp háng.
  • Hội chứng di truyền: Một số hội chứng như Down hay Ehlers-Danlos sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cơ thể dẫn đến tình trạng loạn sản xương hông hay trật khớp háng.
  • Chấn thương dây chằng ở khớp háng do tổn thương vì gặp tai nạn xe cộ hoặc khi vận động viên luyện tập các môn thể thao với biên độ chuyển động ở hông quá mức.

5. Biện pháp dùng để điều trị trật khớp háng hiệu quả?

Trật khớp háng là một bệnh lý cấp cứu, do đó cần tiến hành nắn chỉnh và điều trị trong 6 - 12 giờ sau khi chấn thương để hạn chế gặp các biến chứng nguy hiểm về sau.

Phương pháp Allis:

  • Đầu tiên để bệnh nhân nằm ngửa.
  • Sau đó cố định khung chậu bằng cách đè mạnh lên 2 gai chậu trước trên. Người nắn sẽ kéo chân bệnh nhân theo hướng bị biến dạng và gấp nhẹ nhàng khớp háng đến 90°.
  • Cuối cùng là xoay nhẹ nhàng khớp háng, xoay trong và xoay ngoài, duy trì lực kéo dọc cho đến khi chỏm xương đùi vào lại ổ cối.

Phương pháp Bigelow:

  • Bước đầu tiên để bệnh nhân nằm ngửa.
  • Sau đó giữ cố định khung chậu bằng cách ép 2 tay lên 2 gai chậu trước trên và kéo dọc theo trục biến dạng.
  • Khép khớp háng nhẹ nhàng, xoay trong và gấp về phía bụng, công dụng của bước này là làm giảm căng cho dây chằng Y và đưa chỏm xương đùi về gần mặt sau dưới của ổ cối.
  • Cuối cùng là gấp, xoay ngoài và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi sẽ trở về ổ cối.

Phương pháp Watson- Jones cổ điển:

  • Đây là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả, được áp dụng đối trường hợp trật khớp háng ra trước và ra sau. Một người giữ khung chậu bệnh nhân, người còn lại sẽ kéo dọc theo trục xương đùi cho đúng với phần xương bị trật.

Phương pháp trọng lực của Stimson:

  • Để bệnh nhân nằm sấp và đưa ra cạnh của bàn.
  • Cố định khung chậu của bệnh nhân bằng cách ép tay lên xương cùng và gấp khớp háng và gối 90°.
  • Ép lực xuống vùng gối đang gấp để nắn chỉnh dễ dàng hơn và xoay khớp háng 1 cách nhẹ nhàng.

Phẫu thuật mổ khớp háng:

  • Mổ khớp háng là phương pháp áp dụng cho các bệnh nhân khi mà sử dụng biện pháp nắn chỉnh nhưng không mang lại hiệu quả, người bệnh bị mất vững khớp háng, người bệnh bị trật khớp háng kèm gãy mảnh phía sau lớn, người bị tổn thương thần kinh tọa.
  • Phương pháp phẫu thuật nhằm mục đích ổn định xương bằng cách dùng ghim hoặc đinh vít, ngăn chặn khớp hông bị trượt hoặc di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu của nó.

6. Biến chứng của trật khớp háng

Trật khớp háng khi không điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Tổn thương dây thần kinh tọa dẫn đến ảnh hưởng các chức năng vận động của chân, cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân.
  • Gây ra hoại tử xương nguyên nhân do mạch máu bị rách và không đủ máu cung cấp cho xương dẫn đến chết xương, phá hủy khớp háng gây viêm khớp.
  • Trật khớp háng tái hồi: Bị trật khớp háng sẽ dẫn đến tình trạng các cấu trúc cố định khớp háng bị tổn thương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh tái phát.

7. Bị trật khớp háng bao lâu thì khỏi?

Thời gian phục hồi khớp háng của mỗi người bệnh là khác nhau, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng bệnh.... Thông thường, trong những ngày đầu tiên sau khi điều trị, bệnh nhân đã có thể đi lại được với sự trợ giúp của khung tập đi. Nhưng để người bệnh có thể hoàn toàn quay lại hoạt động bình thường thì cần thời gian từ 4 - 6 tháng. Một số trường hợp nặng cần thời gian lâu hơn là 1 năm để vết thương phục hồi hoàn toàn

8. Phòng ngừa trật khớp háng tái phát

Để phòng tránh tình trạng bị trật khớp háng nặng hơn chúng ta cần:

  • Đảm bảo người bệnh đã sử dụng nạng một cách chính xác;
  • Theo dõi các triệu chứng của bệnh;
  • Liên hệ với bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế nếu cảm thấy đau ở hông hoặc đầu gối;
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học để duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt là trẻ em bị thừa cân có nguy cơ bị trật khớp háng cao hơn.

Tóm lại, bị trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi của 1 hoặc cả 2 bên khớp háng lệch ra khỏi vị trí vốn có của nó. Thời gian phục hồi khớp háng của mỗi người bệnh là khác nhau, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng bệnh.... Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị để nhanh chóng phục hồi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan