Các vấn đề thường gặp về gân gót

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Các vấn đề về gân gót có vẻ xảy ra đột ngột nhưng thường chúng là hệ quả của nhiều vết rách nhỏ đã xuất hiện trong gân trong thời gian dài. Hai vấn đề chính thường gặp ở gân gót là: viêm và rách gân gót.

1. Bệnh gân gót

Gân gót chân (Gân Achille) là gân lớn nhất trong cơ thể giúp cơ thể kết nối cơ bắp chân với xương gót chân, giúp bạn đứng vững trên các ngón chân và đẩy cơ thể về phía trước khi đi bộ, chạy nhảy. Khi bị viêm gân gót, bệnh nhân thường cảm giác đau ở phía sau gót chân, ở vùng gân gót. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy mức độ, có thể kèm sưng tấy.

1.1 Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm gân gót thường do vận động quá mức hoặc thực hiện các động tác lặp đi lặp lại trong thể thao, làm việc hoặc sinh hoạt. Viêm gân gót thường xảy ra phổ biến ở nam giới trên 30 tuổi, những vận động viên thể thao hoặc người lớn tuổi..

1.2 Dấu hiệu và triệu chứng

  • Cảm giác đau ở phía sau gót chân, ở vùng gân gót. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy mức độ, có thể kèm sưng tấy.
  • Người bệnh nhạy cảm với cơn đau ở vùng gân gót, nhất là vào buổi sáng.
  • Khả năng chuyển động bàn chân giảm, hoặc chân có cảm giác chậm chạp, cử động thiếu linh hoạt.

Bạn có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề về gân gót nếu bạn:

  • Hoạt động thể dục thể thao mạnh, lặp đi lặp lại: có thể gây thương tích và làm yếu gân gót. Chơi thể thao có tính đối kháng, mạnh (bóng đá, bóng chuyền, chạy...) có thể làm tăng nguy cơ thương tích. Các hoạt động tại nơi làm việc (xây dựng, bưng vác hàng hóa) và ở nhà (làm vườn) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về gân gót.
Tôi đã có thể đá bóng sau chấn thương với chỉ một mũi tiêm PRP
Chơi thể thao có tính đối kháng mạnh như bóng đá có thể gây ra các vấn đề về gân gót
  • Tập luyện thể thao sai cách (không làm nóng trước khi chạy, đột ngột thay đổi hướng chuyển động) có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này.
  • Thoái hóa cơ, gân: Đối với những người trên 30 tuổi, lượng máu đến cung cấp cho vùng gân gót sẽ giảm. Hầu hết các trường hợp viêm gân gót, đau gót chân hoặc rách gân gót xảy ra phổ biến ở những người trên 30 tuổi.
  • Nam giới có khả năng bị chấn thương gân gót hơn phụ nữ.
  • Người có cân nặng của bạn lớn, áp lực cơ thể dồn lên gót chân cũng có thể có nguy cơ cao mắc vấn đề này.

2. Rách gân gót

Vùng gân gót cũng có thể bị tổn thương rách một phần hoặc rách hoàn toàn:

  • Gân gót rách một phần có thể gây ra các triệu chứng sưng, đau nhẹ.
  • Gân gót rách hoàn toàn gây đau gót chân, mất lực và khó khăn trong di chuyển. Nếu rách, đứt gân gót mà không được điều trị thì sẽ không thể đi lại được.

2.1 Nguyên nhân

Rách gân gót thường xảy ra do chuyển động đột ngột và mạnh, gây ảnh hưởng đến cơ bắp và gót chân. Điều này có thể xảy ra trong hoạt động thể thao với cường độ cao hoặc thậm chí chỉ chạy nhảy đơn thuần.

2.2 Dấu hiệu và triệu chứng

  • Cảm giác đau nhói đột ngột ở vùng gân gót chân. Có thể kèm theo một tiếng bốp khi gân rách và gây sưng, bầm tím.
  • Đau gót chân (tình trạng đau nhẹ hoặc nghiêm trọng).
  • Không thể đi trên đầu ngón chân ở bên chân bị thương.
Đau gót chân
Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau gót chân tùy theo mức độ


Để chẩn đoán kỹ hơn, các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định để làm rõ hoặc chuẩn bị cho phẫu thuật như:

  • Siêu âm: giúp kiểm tra xem có vết nứt hay có các dấu hiệu của viêm gân gót chân hay không.
  • Chụp X-quang: giúp chụp kiểm tra tình trạng xương gót chân.
  • Chụp MRI: kiểm tra gân để tìm các dấu hiệu của bệnh gân gót hoặc đánh giá mức độ rách gân gót. MRI cũng được sử dụng để quan sát tình trạng xương gót chân.

3. Các biện pháp điều trị

Để điều trị các vấn đề gân gót nhẹ, người ta thường hướng đến các biện pháp như:

  • Dành vài tuần nghỉ ngơi để gân hồi phục.
  • Sử dụng thuốc giảm đau.
  • Tránh không tập thể thao hoặc các hoạt động làm căng gân quá sớm, thay vào đó tập thể dục nhẹ nhàng, vật lý trị liệu.
  • Mang giày dép có đệm tốt để ngăn ngừa thương tích.
  • Dụng cụ chỉnh hình giày cũng có thể làm giảm áp lực lên gân.

Đối với các vấn đề gân gót nghiêm trọng như rách hoặc đứt gân thì có thể áp dụng biện pháp phẫu thuật, bó bột, đeo nẹp, bốt y tế hoặc các thiết bị khác để cố định vùng chân và mắt cá chân. Sau khi chân ổn định thì tập thể dục nhẹ nhàng để giúp phần chân dưới và mắt cá chân trở nên khỏe hơn và linh hoạt trở lại. Phần gân dự kiến sẽ lành trong khoảng vài tuần đến vài tháng.

Mặc dù điều trị các vấn đề về gân gót đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn nhưng việc điều trị thường có kết quả. Sau điều trị hầu hết các bệnh nhân có thể chơi thể thao trở lại và tham gia vào các hoạt động khác.

đệm gót chân
Sử dụng đệm gót chân khi chơi thể thao giúp ngăn ngừa và phòng tránh các vấn đề về gân gót

Để ngăn ngừa và phòng tránh các vấn đề về gân gót, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Khởi động và kéo căng cơ: trước khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động mạnh, hãy làm nóng cơ thể bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp từ 5 - 10 phút, sau đó tập thể dục kéo căng.
  • Tránh các môn thể thao hoặc hoạt động mạnh nếu vượt quá khả năng.
  • Mang giày dép có đệm gót chân trong khi chơi thể thao hoặc các hoạt động dùng sức nào khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan