Chấn thương cột sống nguy hiểm thế nào?

Chấn thương cột sống có thể do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra. Nó có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí tính mạng của người bệnh tùy thuộc vào mức độ, vị trí tổn thương và một điều hay bị bỏ qua đó là sơ cứu đúng cách.

1. Những nguyên nhân gây ra chấn thương cột sống

Cột sống là hệ xương quan trọng nâng đỡ, giúp cơ thể có thể giữ tư thế đứng thẳng và vận động gập duỗi, xoay theo tầm vận động của từng đoạn cột sống. Nhưng cũng vì chức năng đó mà cột sống chịu áp lực lớn, dễ bị chấn thương do các nguyên nhân như:

  • Tai nạn giao thông: Đây là nguyên nhân rất thường gặp nhất và tỉ lệ ngày càng tăng;
  • Tai nạn lao động: Khi ngã từ trên cao xuống, va đập trực tiếp mạnh vào cột sống;
  • Tai nạn sinh hoạt: Điều này hay gặp nhất ở người cao tuổi, đi đứng không được chắc chắn dễ bị ngã ngồi gây tổn thương cột sống. Người cao tuổi nguy cơ loãng xương cao nên khi bị tai nạn dù nhẹ thì cột sống dễ bị tổn thương hơn người trẻ tuổi.
  • Tai nạn thể thao: Tai nạn xảy ra trong các môn thể thao như đua ngựa, đạp xe, đá bóng, làm xiếc,...
  • Nguyên nhân khác ít gặp hơn: Do đạn bắn, vật nhọn xuyên qua cột sống,...

Những nguyên nhân này có thể gây ra thương tổn cột sống ở những vị trí và mức độ khác nhau. Chấn thương cột sống nhẹ có thể gặp là di lệch, lún, gây chèn ép cột sống; chấn thương cột sống nặng hơn là vỡ, thậm chí đứt ngang cột sống, tổn thương tủy.

Khi chấn thương cột sống xảy ra nó có thể tác động đến cột sống theo 2 cơ chế sau:

  • Chấn thương trực tiếp: Như bị vật cứng đập trực tiếp vào cột sống hoặc ngã ngửa làm ưỡn hay gập quá mức cột sống.
  • Chấn thương gián tiếp: Có thể gây ra gập hay duỗi cột sống quá mức hoặc kết hợp cả 2 loại, tổn thương có thể gây nép ép theo chiều dọc nếu ngã ngồi, tác động trật xoay cột sống theo chiều ngang.

Tác động của chấn thương cột sống đối với cơ thể còn tùy thuộc nhiều yếu tố như mức độ chấn thương, vị trí chấn thương và một điều khá quan trọng mà nhiều người không chú ý đó là cách sơ cứu khi gặp người bệnh chấn thương. Bởi việc sơ cứu hay động tác để giúp người bệnh di chuyển tới cơ sở y tế không đúng có thể làm nặng lên tình trạng tổn thương.

Chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống nhẹ có thể gặp là di lệch, lún, gây chèn ép cột sống

2. Chấn thương cột sống nguy hiểm thế nào?

Như chúng ta đã biết cột sống được tạo thành bởi nhiều đốt sống liên kết với nhau bằng một thành phần gọi là đĩa đệm và bên trong chứa tủy sống. Cột sống có chức năng cơ học còn phần tủy sống bên trong là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương tiếp nối hành tủy để chi phối toàn bộ các chức năng vận động, cảm giác, thực vật... từ cổ trở xuống theo từng phân vùng của khoanh tủy. Những chức năng này rất quan trọng, cho nên chấn thương cột sống rất nguy hiểm, bởi nó có thể gây ra:

  • Chấn thương cột sống nhẹ: Là những chấn thương chỉ gây ra tổn thương ở cột sống, phần mềm quanh cột sống và thường không kèm theo chèn ép hay tổn thương tủy. Trường hợp này có thể gây ra đau dữ dội tại vị trí tổn thương, hạn chế vận động...
  • Chấn thương cột sống nặng là những trường hợp có sự chèn ép và tổn thương tủy. Với những trường hợp này rất nguy hiểm, mức độ và triệu chứng cũng tùy thuộc vào vị trí của tổn thương như:
    • Nếu tổn thương đốt sống từ cột sống cổ 4 trở lên: Đây là vùng nguy hiểm nhất vì nó có vùng chi phối thần kinh tự động như chức năng hô hấp, điều tiết mồ hôi, chức năng của cơ tròn, huyết áp... Khi tổn thương vùng này người bệnh có thể bị liệt hô hấp, nếu không được thở máy can thiệp kịp thì nguy hiểm tới tính mạng; người bệnh có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ; chấn thương cột sống liệt hoàn toàn tứ chi... với phần này người bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng rất cao và cũng có biến chứng gây tàn phế.
    • Chấn thương đoạn tủy cổ còn lại: Vùng này người bệnh có thể mất vận động tứ chi, rối loạn cảm giác, tăng hoặc giảm trương lực cơ và có thể có dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ hoặc bí.
    • Chấn thương vùng cột sống ngực hay thắt lưng: Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như liệt hoàn toàn 2 chân, rối loạn chức năng cảm giác, tăng hoặc giảm trương lực cơ và rối loạn đại tiểu tiện.
    • Trường hợp người bệnh bị tổn thương đoạn cột sống thắt lưng từ l2 trở xuống thì đoạn này không còn tủy sống nhưng là vùng có nhiều rễ thần kinh hay còn gọi là vùng đuôi ngựa. Khi tổn thương gây đau dữ dội, mất cảm giác theo vùng mông và đùi tương ứng với vùng tiếp xúc với yên ngựa khi ngồi trên ngựa, kèm theo rối loạn cơ tròn, nam có thể rối loạn cương dương, nữ ảnh hưởng tới ham muốn tình dục.
  • Không chỉ có thể gây ra những triệu chứng nặng mà khi tổn thương cột sống người bệnh có thể cần phải nằm điều trị lâu ngày gây các biện chứng như loét tỳ đè, nhiễm khuẩn, teo cơ, cứng khớp...

Như vậy, tổn thương cột sống rất nguy hiểm nên cần cố gắng sử dụng các biện pháp an toàn để phòng ngừa chấn thương cột sống có thể xảy ra.

Làm thế nào để đi lại bình thường sau chấn thương cột sống?
Chấn thương cột sống nặng là những trường hợp có sự chèn ép và tổn thương tủy

3. Những lưu xử trí khi bị chấn thương cột sống

Việc sơ cứu khi bị chấn thương cột sống nhẹ hay nặng đúng cách rất quan trọng, nó giúp giảm thiểu tối đa những tổn thương khác làm nặng thêm tình trạng của người bệnh. Việc sơ cứu sai cách không cứu được người bệnh mà còn khiến tổn thương nặng nề hơn. Do đó, trong các trường hợp chấn thương dù có hay không các triệu chứng của tổn thương cột sống thì cũng cần lưu ý sau:

  • Đầu tiên là bất động người bệnh, tránh di chuyển vì nó làm di lệch cột sống gây thêm tổn thương cho họ và thậm chí đứt ngang tủy sống gây tử vong.
  • Khi cần di chuyển người bệnh tới cơ sở y tế cần đúng cách và có sự trợ giúp của nhiều người, nhất là nhân viên y tế:
    • Với bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ, đặt đầu nằm thẳng trục và ở tư thế trung gian không được cúi gập, ngửa hay xoay cổ trên nền cứng như miếng ván gỗ, chèn một vật đỡ 2 bên đầu để chống xoay cổ hoặc tốt nhất khi sơ cứu là có bộ cố định cột sống cổ chuyên dụng.
    • Đối với cột sống ngực và cột lưng, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nếu không có cáng cứng, áo cố định chuyên dụng thì đặt người bệnh nằm sấp, sau đó cố định bệnh nhân vào cáng ở 3 điểm gồm đầu, vai và ngang khung chậu.
  • Tuyệt đối không được lôi, kéo, lật trở bệnh nhân nếu không có nhiều người phối hợp hoặc khi làm không đúng phương pháp. Khi vận chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế, nếu không có cáng cứng phải có nhiều người cùng đứng một bên đỡ bệnh nhân để đảm bảo cho cột sống để bệnh nhân vẫn được cố định.
  • Tránh việc lắc đầu người bệnh, khiêng, xốc, vác nạn nhân trên vai, cõng trên lưng, khiêng bằng cáng mềm, võng, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, bẻ gập lưng trong xe taxi... Vì điều đó dễ làm tăng tổn thương cột sống của bệnh nhân.
  • Nói chung cần lưu ý cố định đến khi tới các cơ sở y tế và được chẩn đoán xác định có hay không tổn thương cột sống.

Chấn thương cột sống có thể nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh nếu mức độ nặng và với một số trường hợp gây tàn phế suốt đời. Cho nên, cần lưu ý các biện pháp phòng tránh và quan trọng là sơ cứu đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

866 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan