Điều trị các tổn thương xương dưới chụp số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Lợi ích của chụp số hóa xóa nền (DSA) trong hướng dẫn điều trị các tổn thương xương là cho phép các phẫu thuật viên theo dõi đường chọc của kim qua da vào vùng tổn thương một cách trực tiếp và liên tục đảm bảo chính xác và an toàn cho người bệnh và thủ thuật.

1. Viêm xương tủy xương

Là bệnh lý xương thường gặp hàng ngày. Với triệu chứng lâm sàng rõ rệt, hình ảnh phim X-quang thường quy điển hình thì không khó khăn gì trong chẩn đoán sớm và điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khó khăn, không điển hình đôi khi phải sử dụng các phương pháp chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp DSA và những xét nghiệm hiện đại mới xác định được

1.1. Đặc điểm của tổn thương xương

  • Thấy hình ảnh loãng xương và hủy xương;
  • Hoại tử khu trú của mô xương tạo thành những ổ áp xe và mảnh xương chết;
  • Bệnh thường xảy ra ở tuổi trẻ, tỷ lệ cao nhất ở tuổi 15, nam nhiều hơn nữ.

1.2. Vị trí tổn thương

Tổn thường gặp đầu tiên là đầu các xương dài, theo quy luật gần đầu gối, xa khớp khuỷu.

1.3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm tủy xương là do vi khuẩn

  • Vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng (khoảng 50% trường hợp)
  • Vi khuẩn thường gặp khác bao gồm: liên cầu trùng tan máu, phế cầu, E. Coli, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh.

1.4. Các thể viêm xương tủy không điển hình

  • Chín mé: viêm xương đầu ngón tay;
  • Viêm xương dẹt và ngắn;
  • Viêm xương thể giả u;
  • Viêm xương do giang mai.

1.5. Triệu chứng

Viêm tủy xương cấp cũng có thể thứ phát sau ổ viêm nhiễm của đường hô hấp trên như viêm tai - mũi - họng, phế quản phế viêm...Viêm xương tủy cấp ở trẻ em mang tính chất nhiễm trùng toàn thân. Tại chi viêm, giới hạn viêm không rõ ràng, vừa có tính phá hủy vừa có tính tái tạo xương mới.

Viêm tủy xương mãn tính: diễn tiến kéo dài, có những giai đoạn bệnh không hoạt động xen kẽ với những giai đoạn bùng phát trở lại. Hình thành lỗ rò từ xương ra ngoài da, chảy mủ, có khi lỗ rò thoát ra cả mảnh xương chết. Khi lỗ rò bị tắc có thể lại có một đợt bùng phát nhiễm khuẩn.

Viêm tủy xương gây ra những ổ áp xe
Viêm tủy xương gây ra những ổ áp xe

2. Viêm xương và khớp do lao

2.1. Đặc điểm của tổn thương

Viêm xương và khớp do lao có hình ảnh tiêu xương xảy ra là chính. Thường có tổn thương khớp đi kèm theo và hiếm có ổ abces.

Tỷ lệ mắc bệnh không ưu tiên cho một lứa tuổi nào, và giới tính không có sự khác biệt.

2.2. Vị trí tổn thương

Bệnh khu trú hầu hết là ở đầu xương gần sụn các khớp lớn, đảm nhận chức năng cơ học nặng nề: khớp háng, đầu gối, cổ chân, vai, cổ tay, cột sống.

Viêm khớp lao xảy ra hầu như chỉ ở một khớp. Bệnh thường được phát hiện khi có các dấu hiệu viêm khớp trung bình và mạn tính: đau, hạn chế cử động, đôi khi sưng, tăng nhiệt độ tại chỗ.

2.3. Nguyên nhân

Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân gây bệnh lao nói chung và lao xương nói riêng. Một người có thể nhiễm lao từ vi khuẩn lao trong môi trường hoặc lây từ bệnh nhân lao. Thông thường, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập đường hô hấp vào đến phổi và gây bệnh lao phổi nếu như miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh để đối phó lại vi khuẩn lao.

Từ tổn thương lao nguyên phát tại phổi, vi khuẩn lao có thể theo đường máu hay đường bạch huyết đến xương. Tại đây, chúng sinh sản và phát triển, hình thành nên củ lao (trung tâm củ lao là một vùng hoại tử, bên ngoài có các tế bào khổng lồ, tế bào đơn nhân, biểu mô). Các xương xốp, lớn, chịu trọng lượng của cơ thể là vị trí mà vi khuẩn lao thường tấn công đầu tiên. Sự phá hủy này có thể gây tổn thương khung nâng đỡ của cơ thể.

2.4. Các thể lâm sàng

  • Lao khớp háng;
  • Lao khớp gối;
  • Lao khớp cổ tay;
  • Lao khớp vai;
  • Lao khớp – cùng chậu;
  • Lao xương khớp trẻ em;
  • Viêm lao xương – khớp cột sống

2.5. Triệu chứng

  • Đau xương tại chỗ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lao xương. Tùy thuộc vào tổn thương lao ở xương nào mà bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau tại vị trí của xương đó. Lao cột sống sẽ có triệu chứng đau lưng nghiêm trọng ở phía sau cột sống, bệnh nhân đau liên tục, tăng lên về đêm.
  • Sưng, cứng tại vị trí bị lao xương, nhưng lại không viêm: Vị trí tổn thương lao xương sưng to nhưng lại không nóng, không đỏ như các bệnh viêm xương thông thường.
  • Áp xe lạnh: Đây là dấu hiệu gợi ý đến tổn thương do vi khuẩn lao gây ra. Bên trong ổ áp xe là mủ, tổ chức hoại tử bã đậu, đôi khi có cả mảnh xương chết. Khám lâm sàng thấy dấu hiệu bùng nhùng cạnh khớp. Ổ áp xe vỡ ra để lại lỗ dò.
Tổn thương xương do lao gây đau đớn cho bệnh nhân
Tổn thương xương do lao gây đau đớn cho bệnh nhân

3. Điều trị các tổn thương xương dưới chụp số hóa xóa nền

3.1. Phương pháp

  • Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%(2-10ml, tùy thuộc vị trí sinh thiết).
  • Thuốc giảm đau toàn thân được sử dụng khi người bệnh đau nhiều hoặc trên các người bệnh nhạy cảm.
  • Gây mê toàn thân đối với trẻ em không hợp tác được.

3.2. Kỹ thuật

  • Đặt người bệnh lên bàn tăng sáng;
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch;
  • Định vị tổn thương dưới màn tăng sáng;
  • Sát khuẩn vùng tổn thương;
  • Bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng, trải toan vô khuẩn có lỗ lên vị trí cần sinh thiết;
  • Gây tê tại chỗ theo từng lớp;
  • Chọc kim cắt xương theo đường chọc dự kiến, kiểm soát đường chọc dưới màn tăng sáng;
  • Khi kim chọc vào đúng vị trí tổn thương, tùy theo mục đích điều trị mà có thể bơm cồn, hóa chất, thuốc, hoặc đốt tổn thương song cao tần;
  • Rút kim;
  • Băng vị trí chọc.

4. Phòng bệnh

4.1. Phòng bệnh viêm xương tủy xương

Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn theo đơn của bác sĩ, tuân thủ điều trị.

  • Đối với các vết thương ngoài da cần đảm bảo vệ dinh, dẫn lưu tốt tránh nhiễm trùng.

4.2. Phòng bệnh viêm xương và khớp do lao

  • Lối sống, dinh dưỡng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, hạn chế đi đến những nơi đông đúc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê,...
  • Quản lý bệnh nhân mắc bệnh lao hợp lý để tránh lây lan ra cộng đồng.
  • Người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần được tầm soát lao phổi bằng cách xét nghiệm đờm và chụp X-Quang phổi.
  • Bệnh nhân lao xương phải tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

518 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan