Điều trị dự phòng bệnh loãng xương

Điều trị dự phòng loãng xương giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương và các biến chứng của bệnh như gãy xương, tàn phế,... Việc điều trị dự phòng bao gồm cả thay đổi chế độ ăn uống và thói quen luyện tập.

1. Hậu quả nghiêm trọng khi bị loãng xương

Loãng xương là bệnh lý mãn tính, biểu hiện bởi tình trạng xương bị xốp và giảm khối lượng xương (mật độ xương), khiến xương mỏng, giòn, dễ tổn thương, lún xẹp và gãy dù chỉ chịu tác động nhẹ. Nguyên nhân gây loãng xương chủ yếu là do các tế bào sinh xương bị lão hóa do tuổi già, sự hấp thu canxi ở ruột bị suy giảm do mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa và do sự suy giảm hormone sinh dục nữ và nam,...

Bệnh loãng xương diễn tiến chậm rãi, không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu. Chỉ tới khi loãng xương trở nặng, xương bị gãy hoặc xẹp mới có biểu hiện rõ ràng như: đau nhức các đầu xương, đau cột sống, gù cột sống, giảm chiều cao so với lúc trẻ, có cảm giác ớn lạnh toàn thân, hay bị chuột rút, ra mồ hôi,...

Loãng xương là bệnh khó điều trị, để lại hậu quả xấu như gãy xương, lún xương, vẹo cột sống,... làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, việc phải nằm lâu một chỗ khi bị gãy xương còn làm loãng xương nặng thêm và dẫn đến các biến chứng như bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, loét, nhiễm trùng đường tiểu,... Gãy xương do loãng xương rất khó hồi phục, không chỉ gây đau đớn cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ tàn phế suốt đời, dẫn tới tử vong sớm.

Xương khớp
Loãng xương là bệnh khó điều trị, để lại hậu quả xấu như gãy xương, lún xương, vẹo cột sống

2. Tại sao nên điều trị dự phòng loãng xương sớm?

  • Bệnh diễn biến âm thầm: Từ sau tuổi 30, quá trình mất xương sinh lý bắt đầu xảy ra, mật độ xương giảm khoảng 0,1 - 0,5%/năm. Quá trình mất xương do loãng xương diễn ra âm thầm, ít có biểu hiện lâm sàng, lâu ngày các khoáng chất trong xương bị mất dần, khi có dấu hiệu lâm sàng là lúc bệnh trở nặng;
  • Điều trị khó khăn: Khi bị loãng xương, việc điều trị rất khó khăn, mất nhiều thời gian, tốn kém và gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Thời gian điều trị bệnh có thể kéo dài 4 - 5 năm nhưng vẫn không thu được hiệu quả như ý.

Chính vì vậy, cần điều trị dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt.

3. Phương pháp điều trị dự phòng loãng xương

Dự phòng loãng xương sớm có ý nghĩa quan trọng trong điều trị loãng xương. Các biện pháp được khuyên dùng gồm:

3.1 Đầu tư cho xương ngay từ khi ở giai đoạn bào thai

Việc đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng ngừa loãng xương chính là đầu tư cho xương ngay từ khi còn nhỏ (tốt nhất là khi thai nhi còn trong bụng mẹ) và trong suốt quá trình phát triển. Việc này giúp trẻ có thể đạt được khối lượng xương đỉnh cao nhất khi đến tuổi trưởng thành, tức là đạt chiều cao tối đa với sức khỏe xương tốt nhất. Nhờ vậy, nguy cơ loãng xương trong tương lai sẽ giảm đi đáng kể.

3.2 Tăng quá trình tạo xương và giảm quá trình hủy xương ở tuổi trưởng thành

Thực hiện phương pháp dự phòng này bằng cách tuân thủ tuân thủ các hướng dẫn về:

  • Chế độ dinh dưỡng:

Trong suốt cuộc đời, mỗi người cần duy trì một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để giữ xương khớp luôn chắc khỏe, dẻo dai. Việc này sẽ làm tăng cường quá trình tạo xương.

Các dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe của xương gồm: canxi, vitamin D, MK7, kẽm, magie, silic, mangan, DHA, đồng,... Canxi có nhiều trong chế phẩm từ sữa, đậu nành, hải sản, trái cây sấy khô, cam quýt,... Vitamin D có thể được cơ thể tổng hợp sau tắm nắng 15 - 20 phút hoặc tiêu thụ các thực phẩm như sữa, trứng, gan, nấm, cá hồi,... Nếu thực phẩm không cung cấp đủ và cân đối các thành phần dưỡng chất trên, chúng ta có thể dùng thêm viên uống bổ sung để xương luôn được chăm sóc tốt nhất;

  • Tập luyện:

Cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn (30 phút mỗi ngày, tối thiểu 3 lần/tuần), tránh thói quen xấu làm giảm hấp thu canxi và tăng hủy xương như dùng rượu bia, hút thuốc lá, ăn kiêng quá mức hoặc lười vận động,...

Tập thể dục
Nên duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày

  • Chú ý tư thế:

Tư thế nằm, ngồi không khoa học của cơ thể có thể dẫn tới loãng xương. Cụ thể, nếu duy trì tư thế không đúng quá lâu, xương sẽ bị tổn thương, tăng nguy cơ mất xương, loãng xương. Vì vậy, mỗi người cần chú ý tới dáng đi, tư thế ngồi, nằm của mình. Có thể sử dụng các loại dụng cụ hoặc nẹp chỉnh hình như đeo đai cột sống, đai gối,... để làm giảm sự tỳ đè, giảm sức nặng và hạn chế sai tư thế cho các vùng cột sống, gối, đầu xương;...;

  • Kiểm tra sức khỏe:

Cần sớm phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây mất xương, loãng xương qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện nguy cơ loãng xương hoặc mắc các bệnh xương khớp mãn tính khác (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp), bệnh nhân cần bổ sung canxi và các khoáng chất cần thiết khác cho xương theo đúng chỉ định của bác sĩ để bù đắp cho quá trình hủy xương;

  • Cân bằng nội tiết:

Những phụ nữ trên 40 tuổi (bắt đầu độ tuổi tiền mãn kinh) cần bổ sung canxi hằng ngày kết hợp với bổ sung nội tiết tố nữ estrogen bị suy giảm do tiền mãn kinh và mãn kinh.

Bệnh loãng xương gây ra nhiều hậu quả nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Vì vậy, tốt nhất mỗi người nên áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng loãng xương kể trên để có một bộ xương chắc khỏe - nền tảng cho khả năng vận động dẻo dai, sức khỏe tốt và tuổi thọ cao.

Bệnh nhân bị loãng xương có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cơ xương khớp được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan