Hội chứng mông chết - "kẻ quen mặt" với giới công sở

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng mông chết hay viêm cơ mông là tình trạng bệnh lý gây ra khi nhóm cơ vùng mông bị suy yếu, giảm chức năng do cơ mông không được hoạt động hoặc vận động quá ít trong ngày.

1. Hội chứng mông chết là gì?

Hội chứng mông chết là tên thường gọi của bệnh viêm gân cơ mông, một tình trạng thường gặp ở những người ngồi nhiều, lười vận động. Hội chứng mông chết xuất hiện khi một trong ba khối cơ lớn ở vùng mông bị suy giảm chức năng, phổ biến nhất là cơ mông lớn. Bệnh viêm gân cơ mông cũng có thể xuất hiện ở những người vận động nhiều nhưng không sử dụng đến các cơ vùng mông, thậm chí một vận động viên chạy marathon cũng không thể hoàn toàn chắc chắn sẽ tránh được hội chứng mông chết. “Chết” trong hội chứng mông chết có nghĩa là sự mất hoặc suy giảm chức năng của các cơ vùng mông do không được sử dụng đến.

Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông là bằng chứng rõ của sự lười vận động và ngồi nhiều một chỗ. Theo nhiều nghiên cứu và ý nghĩa của các chuyên gia, việc ngồi lâu tại một vị trí được xem như một yếu tố nguy cơ của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý ác tính, ... vì thế, khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gân cơ mông, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám toàn diện và đưa ra các biện pháp điều trị hợp lý.

Hội chứng mông chết
Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông là bằng chứng rõ của sự lười vận động

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng mông chết

Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông xảy ra khi các nhóm cơ ở vùng mông không được sử dụng trong một khoảng thời gian dài, thường liên quan đến cơ mông lớn. Nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng mông chết phổ biến nhất là thói quen lười vận động và ngồi quá lâu một vị trí. Nhân viên văn phòng là đối tượng nguy cơ hàng đầu của bệnh lý này.

Khi ngồi nhiều tại một vị trí liên tục trong nhiều giờ, các cơ vùng hông hoạt động nhiều bằng cách co lại để duy trì tư thế ngồi. Ngược lại, nhóm các cơ mông hay cơ mông lớn sẽ được nghỉ ngơi, không hoạt động. Bỏ quên cơ mông trong một thời gian dài sẽ làm chúng ngày càng yếu đi, thậm chí có thể mất chức năng.

Tuy nhiên, viêm gân cơ mông cũng có thể xuất hiện do sự mất cân bằng hoạt động của hai nhóm cơ ở hai bên khớp. Nghĩa là, khi một cơ hoạt động quá nhiều thì cơ phía bên còn lại sẽ thư giãn để tạo ra thế cân bằng. Điều này được xem là cơ chế lý giải cho sự xuất hiện hội chứng mông chết ở những đối tượng hoạt động thể lực nhiều như các vận động viên chạy marathon hoặc những người tích cực tập luyện các bài tập cơ vùng đùi như squat.

3. Cách nhận biết hội chứng mông chết

Hội chứng mông chết thường được chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu trên lâm sàng. Điều đầu tiên cần khảo sát người bệnh là yếu tố nguy cơ liên quan đến dân văn phòng có thời gian ngồi nhiều, hoặc những người hoạt động cơ vùng đùi quá nhiều và lãng quên cơ vùng mông như vận động viên chạy marathon, những người tập các động tác cho vùng đùi trước và sau với cường độ cao như squat, ...

Nhiệm vụ chính của các nhóm cơ vùng mông là ổn định tư thế của xương chậu. Khi gặp phải hội chứng mông chết, nghĩa là cơ mông đang bị suy giảm chức năng, người bệnh thường phải đối diện với các triệu chứng như đau hông và đau lưng dữ dội. Cơ thể con người có tính bù trừ, khi cơ mông suy yếu, các cơ vùng hông và cơ vùng lưng tăng hoạt động hơn so với mức bình thường, dẫn đến tình trạng tăng co thắt nên gây đau. Tương tự, bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng đau nhức khớp gối và mắt cá chân hai bên.

Mông chết
Nhiệm vụ chính của các nhóm cơ vùng mông là ổn định tư thế của xương chậu

Khi tìm đến các cơ sở y tế, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm một vài động tác để xác định tình trạng suy yếu chức năng của cơ mông. Bệnh nhân nhấc một chân lên hẳn khỏi nền ở tư thế gối gấp khi đang đứng, bác sĩ quan sát thấy nếp lằn mông cùng phía với chân co thấp hơn nếp lằn mông ở phía đối diện cho phép khẳng định cơ mông phía bên chân đang co yếu hơn.

Quan sát đường cong sinh lý của bệnh nhân đưa ra những thông tin giúp gợi ý đến chẩn đoán hội chứng mông chết. Ở bệnh nhân viêm gân cơ mông, đường cong sinh lý của cột sống không được duy trì tự nhiên nữa, mà thay vào đó là sự cong quá mức bình thường. Đây là hậu quả của việc hoạt động bù trừ của các cơ vùng hông làm tăng co kéo cột sống.

4. Dự phòng hội chứng mông chết

Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông là hội chứng có thể phòng tránh nếu tuân thủ theo các biện pháp sau:

  • Tạo các khoảng nghỉ giữa giờ trong lúc làm việc
  • Đi lại vòng quanh hoặc đứng lên trong phòng làm việc
  • Không ngồi nhiều tại một vị trí quá 45 phút. Nên đặt đồng hồ nhắc nhở thời điểm cần thư giãn và nghỉ ngơi
  • Thực hiện các động tác kéo giãn cơ đơn giản ngay tại nơi làm việc, rủ đồng nghiệp cùng tham gia để tạo thêm nhiều hứng thú và niềm vui khi luyện tập
  • Lựa chọn leo cầu thang thay vì đi thang máy khi di chuyển giữa các tầng trong mức giới hạn sức khỏe cho phép
  • Lựa chọn để được đứng trong những tình huống hằng ngày như xếp hàng đợi mua đồ ăn, thay cho ngồi ghế để đợi.

>>>Lời khuyên từ ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng: Hội chứng mông chết hay viêm cơ mông thường phát hiện muộn, tức khi có đau lưng, khớp nên chú trọng việc phòng tránh tốt hơn vì đây bệnh do thói quen xấu và công việc gây ra không phải do bệnh lý thực thể. Chú ý tập thể dục toàn diện như đi bơi, đi bộ nếu có dáng đi bất thường hoặc đau lưng nên khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Bệnh viện Vinmec có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa về cơ xương khớp nhiều kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại nhất thế giới, kèm chế độ chăm sóc khách hàng ưu việt nên Vinmec là sự lựa chọn hợp lý nhất hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan