Teo cơ sau chấn thương

Teo cơ hậu chấn thương là tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp, yếu cơ sau khi trải qua thời gian hạn chế vận động do bó bột. Với trường hợp teo nhẹ người bệnh có thể can thiệp bằng tập vật lý trị liệu, phẫu thuật và kết hợp với các biện pháp chăm sóc phục hồi sau chấn thương khác. Trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành tàn phế.

1. Teo cơ sau chấn thương là gì?

Sau khi xảy ra chấn thương và phải hạn chế vận động một thời gian dài, một số bệnh nhân thấy có dấu hiệu suy giảm cơ bắp, yếu cơ và giảm vận động ở chi bị ảnh hưởng. Đối với teo cơ hậu chấn thương, các dấu hiệu nhận biết thường xuất hiện trong giai đoạn phục hồi, tức khoảng 10-42 ngày kể từ khi các chi không được sử dụng. Các triệu chứng teo cơ phổ biến có thể kể đến:

  • Mất khối lượng cơ bắp khiến kích cỡ bắp chân hoặc bắp tay giảm dần (teo cơ hoặc teo lõi);
  • Các chi bị ảnh hưởng tuy nhỏ hơn bình thường nhưng không ngắn hơn;
  • Yếu cơ;
  • Suy giảm khả năng vận động;
  • Khó khăn khi thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày như ngồi xuống, đứng lên, giơ cao tay, nhấc cao chân, đi bộ, leo cầu thang, đứng một chỗ lâu hoặc hoạt động thể chất;
  • Dáng đi thay đổi;
  • Hai chân dễ bị va vào nhau dẫn đến vấp ngã.

2. Nguyên nhân và cách thức chẩn đoán

Teo cơ sau chấn thương thường xuất phát bởi những nguyên nhân sau:

  • Bó bột bị teo cơ do bất động trên 10 ngày;
  • Lười vận động;
  • Tổn thương hệ thần kinh ngoại vi;
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian hạn chế vận động mà các triệu chứng sẽ trở nên rõ nét hơn.

Quá trình chẩn đoán teo cơ thường nhanh và dễ hơn so với thông thường. Đa phần các trường hợp bệnh nhân sẽ được yêu cầu mô tả triệu chứng và liệt kê các chấn thương trước đó. Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá mức độ teo cơ, tổn thương đi kèm (nếu có) như: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), điện cơ (EMG), xét nghiệm máu, nước tiểu, sinh thiết...

bó bột bị teo cơ
Bó bột bị teo cơ do bất động trên 10 ngày

3. Teo cơ hậu chấn thương có phục hồi được không?

Teo cơ là hiện tượng cơ bắp bị nhỏ đi, chất lượng sợi cơ giảm nhưng số lượng cơ không đổi nên tình trạng này có thể phục hồi nếu được phát hiện sớm và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào mức độ teo cơ, các yếu tố ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị, thời gian hồi phục và mức độ hồi phục khác nhau. Phương pháp chính là bệnh nhân thường xuyên xoa bóp cho máu về cơ nhiều hơn, ngâm nước nóng, chườm ấm để giãn mạch máu trong cơ, giúp cơ mềm ra và dễ tập vật lý trị liệu hơn.

Đối với trường hợp nặng do không điều trị, việc phục hồi teo cơ càng về sau sẽ càng khó khăn và kéo dài hơn thông thường. Ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị bại liệt vĩnh viễn.

4. Biện pháp phòng ngừa teo cơ sau bó bột

Để hạn chế nguy cơ bó bột bị teo cơ, người bệnh nên áp dụng các phương pháp thích hợp trong giai đoạn phục tổn thương như:

  • Duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng để giảm nguy cơ teo cơ. Hoạt động này giúp duy trì khối lượng cơ, hạn chế cứng cơ, giảm tổn thương thần kinh, tăng lưu thông máu và ngăn ngừa hình thành huyết khối;
  • Thực hiện chương trình tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ để duy trì chức năng vận động và hạn chế hao hụt khối lượng cơ;
  • Chườm lạnh: Người bệnh nên thực hiện chườm lạnh trong 3 ngày (3 lần/ngày) sau chấn thương để co mạch, cải thiện vết sưng, tăng phạm vi chuyển động khớp và khả năng vận động, từ đó giúp phòng ngừa teo cơ hiệu quả;
  • Chườm nóng: Sau 3 ngày chườm lạnh nên chườm nóng (chườm ấm) khoảng 3-4 lần/ngày để giãn mạch, tăng lưu thông máu, hạn chế cứng khớp, giảm đau và tăng khả năng hồi phục cơ sau chấn thương;
  • Ăn uống đủ chất, đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân nên sử dụng các loại thực phẩm đa dạng và chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp phục hồi xương như: canxi, vitamin, kẽm, protein, chất chống oxy hóa... để rút ngắn thời gian hồi phục.

Những trường hợp bị giãn dây chằng, bong gân, gãy xương... bệnh nhân được khuyến nghị nên vận động sớm khi có thể. Đồng thời phải kiên trì, chịu đựng cơn khó chịu để tập cử động khớp, duy trì sức cơ thì mới hạn chế được teo cơ, khôi phục lại khả năng vận động. Ngoài ra, việc vận động phù hợp ở chỗ bị thương còn giảm nguy cơ bị loét, tắc mạch chi... do tỳ đè lâu ngày. Tuy nhiên, việc vận động thế nào, thời gian bắt đầu vận động nhất thiết phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia phục hồi chức năng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan