Viêm gân mãn tính có nguy hiểm?

Viêm gân mãn tính bị gây ra do sự thoái hóa trong gân và thiếu máu nuôi dưỡng gân. Thông thường, bệnh lý này xuất hiện ở những người trung tuổi hay ở những khớp phải hoạt động liên tục. Viêm gân mãn tính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau quanh khớp mãn tính và đôi khi là những dấu hiệu hạn chế vận động khớp.

1. Viêm gân mãn tính là gì?

Gân là một cấu trúc được tạo thành bởi collagen, có tác dụng kết nối giữa cơ và xương, có thể chịu được lực căng. Cũng như các phần khác của cơ thể, theo thời gian thì gân cũng xảy ra hiện tượng thoái hóa, tùy vào mức độ hoạt động nhiều hay ít của gân đó mà mức độ hay thời điểm xuất hiện thoái hóa sớm hay muộn.

Viêm gân mãn tính là tình trạng gây ra bởi thoái hóa do thiếu máu nuôi dưỡng. Bình thường, gân đã là phần được ít nuôi dưỡng hơn; sự ít được nuôi dưỡng này lại càng tăng khi con người già đi. Dần dần, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương và gây viêm do thiếu máu nuôi dưỡng.

Viêm gân mãn tính có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ở bất kỳ vị trí gân nào trên cơ thể. Tuy nhiên, do đặc điểm vận động và làm việc của người mà thường hay gặp nhất là viêm gân cơ chóp xoay, khớp khuỷu và viêm gân gan chân.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gân mãn tính gồm:

  • Người có tiền sử chấn thương gây tổn thương gân.
  • Người cao tuổi.
  • Người chơi thể thao cường độ cao.
  • Người thường xuyên tập thể dục quá sức kéo dài và thực hiện sai tư thế.
  • Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gân mãn tính như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp phản ứng,...
Viêm gân cơ
Viêm gân cơ có thể thường gặp ở người chơi thể thao cường độ cao.

2. Dấu hiệu nhận biết viêm gân mãn tính

Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm gân xảy ra tùy thuộc vào vị trí viêm. Thông thường, hay gặp nhất là vùng khớp vai, khớp khuỷu và gót chân.

  • Viêm gân cơ chóp xoay: Đây là gân cơ vùng vai, gồm 4 gân là gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, gân cơ tròn lớn và tròn bé. Viêm gân cơ chóp xoay hay gặp nhất là viêm cơ trên gai, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau khớp vai, hạn chế vận động khớp vai. Ban đầu, người bệnh xuất hiện đau khớp vai nhiều, nhất là khi vận động các động tác của khớp vai, tuy nhiên, không hạn chế tầm vận động thụ động. Nếu không điều trị, lâu dần có thể dẫn tới tình trạng cứng khớp và hạn chế vận động khớp vai.
  • Viêm gân cơ duỗi cổ tay quay ngắn: Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp khuỷu, đau tăng lên khi vận động, cầm đồ vật, ấn vào vị trí khớp khuỷu. Đặc biệt, loại đau này rất hay gặp ở những người chơi thể thao, chơi tennis. Tình trạng này có thể được chẩn đoán hoàn toàn dựa vào dấu hiệu lâm sàng và thăm khám, các xét nghiệm cận lâm sàng có ý nghĩa loại trừ.
  • Viêm gân gan chân: Biểu hiện lâm sàng của tình trạng này là xuất hiện dấu hiệu đau chói vùng gót chân khi đứng, giảm dần khi đi lại, dấu hiệu này lặp đi lặp lại. Sau đ, mức độ đau tăng dần, đi lại đau tăng và thời gian mất đi cơn đau kéo dài. Tình trạng này xảy ra do vi chấn thương liên tục tại vùng gót chân, làm tổn thương kéo dài, giảm máu nuôi dưỡng. Từ đó, gây ra biểu hiện bệnh.

Đây là những dấu hiệu tại những vị trí gân thường xảy ra viêm gân mãn tính. Tuy nhiên, viêm gân cũng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác.

3. Viêm gân mãn tính có nguy hiểm không?

Bệnh viêm gân mãn tình mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ra những dấu hiệu khó chịu làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và khả năng sinh hoạt lao động. Một số tác động của bệnh viêm gân mãn tính có thể xảy ra như:

  • Tình trạng viêm làm cho người bệnh đau đớn, ảnh hưởng tới sinh hoạt và thậm chí giấc ngủ của người bị bệnh. Tình trạng này xảy ra lâu sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, cơ thể suy nhược, lo lắng cho bệnh tật.
  • Nếu bệnh để lâu, có thể tiến triển đến rách gân làm mất chức năng của khớp.
  • Do bị đau nên người bệnh có xu hướng hạn chế các vận động gây ra đau. Vì vậy mà lâu dần, những động tác mà người bệnh không thực hiện sẽ mất dần khả năng thực hiện. Điều này có thể dẫn tới tình trạng cứng khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chính vì những tác động như vậy mà bệnh nên được điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Viêm gân
Viêm gân ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của người bệnh.

4. Viêm gân mãn tính cần điều trị như thế nào?

Nguyên tắc điều trị viêm gân mãn tính:

  • Cần phối hợp giữa phương pháp dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn sớm của bệnh.
  • Hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp cho từng trường hợp.

Điều trị cụ thể:

  • Thuốc: Dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid từ 7 đến 10 ngày. Nếu tình trạng không cải thiện, có thể tiến hành tiêm corticoid tại chỗ nhằm chống viêm, giảm đau trong thời gian dài.
  • Vật lý trị liệu: Một số biện pháp được sử dụng như nhiệt trị liệu (chườm ấm hoặc chườm mát), siêu âm trị liệu, sóng ngắn, xoa bóp trị liệu,... kết hợp với tập vận động tăng tầm vận động của khớp.
  • Đông y: Đông y có thể được áp dụng điều trị bằng châm cứu các huyệt tại chỗ hay toàn thân và kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
  • Phẫu thuật: Được thực hiện khi các biện pháp nội khoa thất bại. Có thể phải phẫu thuật loại bỏ canxi lắng đọng tại gân và sửa chữa gân, sau đó, kết hợp vật lý trị liệu.

Bệnh viêm gân mãn tính không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nhưng lại là yếu tố làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nên được điều trị sớm khi phát hiện, điều trị sớm sẽ mang lại giá trị cao hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: hoanmysaigon.com, suckhoedoisong.com, wikipedia

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan