Điều trị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực như nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em là nữ đang học lớp 8 ạ. Sau khi mất khá nhiều thời gian tìm hiểu một cách chi tiết thì em khá chắc là mình bị trầm cảm, thỉnh thoảng sẽ là đan xen với rối loạn lưỡng cực nữa. Lần đầu em nghi ngờ là vào khoảng gần cuối lớp 6, lúc đó có một vài chuyện xảy ra trên lớp, sau đó thì em bị tẩy chay, bị nói xấu khá nhiều trong vòng hơn 1 năm tiếp theo. Từ những lúc như vậy, tính cách và tâm lý của em thay đổi khá nhiều, còn bị sợ đám đông. Em bị trầm cảm và self-harm nặng nhất là vào lúc nghỉ hè năm lớp 7, lúc đó em chỉ có đóng cửa, tự nhốt mình trong phòng điều hòa trùm chăn, bật nhạc replay hơn chục lần rồi ngồi khóc thôi, đó là lúc em không có ai bên cạnh cả. Tình trạng đó kéo dài đến tận giờ, cũng có đỡ hơn vì đã làm lành được với mấy bạn trong lớp rồi nhưng mà lại thành rối loạn lưỡng cực đan xen với trầm cảm. Thỉnh thoảng có những hôm em đến lớp mà cảm giác thừa năng lượng, cực kì hoạt bát vui vẻ, tâm trạng hưng phấn tột độ suốt từ 6h sáng đến 6h chiều, từ 6h chiều đến 6h sáng hôm sau em thực sự rơi vào trạng thái trầm cảm nặng luôn. Lúc thì vậy, bây giờ thì em cả ngày bị trầm cảm, đi học em cảm thấy thực sự rất mệt mỏi, thân đã là cán bộ lớp, lại còn đang trong đợt thi giữa kì nữa, càng ngày càng có nhiều việc, rồi trách nhiệm đặt lên em, em sắp bị nó dìm đến chết luôn rồi. Bây giờ em cảm thấy thực sự rất, rất mệt mỏi, không muốn cố gắng thêm chút nào nữa, đến lớp thì không thể chú tâm nghe giảng nổi, riêng việc chép cho đủ bài thôi cũng đã khó, thi thì chỉ có mượn phao của bạn cùng bàn chép cùng, hành động cũng rất chậm chạp nữa, không có chút năng lượng hay động lực nào để sống cả. Em không muốn cố gắng làm bất cứ chuyện gì nữa. Bây giờ em chỉ muốn tắt đèn, ngồi ở chỗ nào tối, yên tĩnh chút, ở một mình, em còn thích vẽ nữa. Em bỏ bữa khá nhiều, trừ những lúc món đó phải thực sự, thực sự ngon thì em mới ăn, không thì em có bỏ cũng vẫn cảm thấy ổn, không sao cả. Đến cả kế hoạch để tự tử em cũng có rồi, đại loại là có 3 phương án là rạch tay, nhảy lầu hoặc uống thuốc ngủ, cứ lúc nào rảnh sẽ lại ngồi nghĩ ưu nhược điểm của từng cái, kiểu như chi phí như nào, nếu không thành thì hậu quả ra sao, ngoại hình sau khi chết có còn nguyên dạng không nên em mệt lắm. Mong bác sĩ giúp em, điều trị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực như nào ạ?

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Kỹ thuật viên tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Chào bạn,

Với câu hỏi “Điều trị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực như nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần. Theo ICD 10, trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới sự mệt mỏi và giảm hoạt động, tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần.

Trầm cảm do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng có 3 nguyên nhân chính: Trầm cảm nội sinh, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm thực tổn. Để chẩn đoán một người có mắc trầm cảm hay không cần dựa trên các chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ tâm thần mới có thể kết luận được người đó có bị trầm cảm hay không?

Các triệu chứng lâm sàng của giai đoạn trầm cảm:

  • Ba triệu chứng chính: Khí sắc trầm thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương xứng với hoàn cảnh được duy trì ít nhất trong 2 tuần; mất mọi quan tâm hứng thú trong các hoạt động; giảm năng lượng và tăng mệt mỏi.
  • Bảy triệu chứng phổ biến khác: Giảm tập trung chú ý; giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định; ý tưởng bị tội và không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; thay đổi cảm giác ngon miệng.
  • Các triệu chứng cơ thể: Mất quan tâm thích thú đến các hoạt động thường ngày; mất phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh; buổi sáng thức giấc sớm 2h trước thường ngày; trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng; có bằng chứng khách quan về sự chậm chạp tâm thần vận động; giảm cảm giác ăn ngon miệng; sụt cân trên 5%/1 tháng; mất hoặc giảm ham muốn tình dục.
  • Các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, áo giác có thể có xuất hiện hoặc không.

Các mức độ trầm cảm nhẹ, vừa, nặng không hoặc có các triệu chứng loạn thần là khác nhau đáp ứng số lượng các triệu chứng đặc trưng. Ngoài các xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh cần được làm các trắc nghiệm tâm lý:

  • Trắc nghiệm trầm cảm Beck, Hamilton, trầm cảm trẻ em, PHQ-9
  • Trắc nghiệm nhân cách
  • Trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ
  • Trắc nghiệm lo âu Zung
  • Trắc nghiệm lo âu- trầm cảm- stress (DASS 21)
  • Các chẩn đoán phân biệt bệnh lý nội khoa và các bệnh lý tâm thần

Phương pháp điều trị: Ngoài liệu pháp hoá dược, liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm. Các liệu pháp tâm lý như trị liệu nhận thức- hành vi, trị liệu nhóm- gia đình, trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm, liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý, trị liệu đa phương tiện....

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn khí sắc mạn tính được đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hay đi kèm với các giai đoạn trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay rối loạn phổ lưỡng cực. Nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực phải kể đến các yếu tố sinh học và yếu tố môi trường.

Để chẩn đoán một người có mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay không cần dựa trên các chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và các dấu hiệu lâm sàng. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại chia làm các giai đoạn khác nhau theo mức độ khác nhau là giai đoạn hưng cảm, giai đoạn hưng cảm không có triệu chứng loạn thần, giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần, giai đoạn trầm cảm nhẹ và vừa, giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, giai đoạn trầm cảm có triệu chứng loạn thần, giai đoạn hỗn hợp, giai đoạn thuyên giảm. Cần xác định để loại trừ các rối loạn tâm thần khác.

Các trắc nghiệm tâm lý dùng để đánh giá: Trắc nghiệm tâm lý trầm cảm Beck, Hamilton, trắc nghiệm trầm cảm trẻ em, người già, PHQ -9; trắc nghiệm tâm lý hưng cảm Young, trắc nghiệm tâm lý rối loạn giấc ngủ, trắc nghiệm nhân cách, bảng kiểm nhân cách EPI, trắc nghiệm tâm lý lo âu Zung, SAS.

Phương pháp điều trị: Người bệnh khi có một trong những dấu hiệu trên cần đi khám tại các cơ sở y tế. Ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ cần kết hợp với trị liệu tâm lý. Nhà tâm lý có thể sử dụng các liệu pháp nhận thức hành vi, trị liệu nhóm- gia đình, liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý, liệu pháp đa phương tiện....

Trong trường hợp của độc giả, em học sinh đã tìm hiểu khá kỹ các rối loạn tâm thần có thể mình mắc phải như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và có cả hội chứng tự làm đau bản thân thậm chí đã có kế hoạch tự tử (theo lời của bạn); Đây là trường hợp rất nghiêm trọng, bởi vậy, cha mẹ và người thân, thầy cô cần phải có những quan sát và có phương án hỗ trợ bạn kịp thời. Đưa bạn đi khám tại các cơ sở y tế kết hợp với trị liệu tâm lý để có kế hoạch phòng ngừa tự tự sớm, thiết lập danh sách người quen, nếu không sẽ có những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi cảm giác lo âu, buồn chán? Cần xây dựng chương trình và kế hoạch phòng ngừa. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số, tỷ lệ học sinh mắc các rối loạn tâm thần càng ngày càng gia tăng; chức năng của gia đình, nhà trường và xã hội cũng như các lực lượng hỗ trợ các đối tượng này cần được nâng cao hơn:

  • Với nhà trường: Cần xây dựng các phòng can thiệp tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, tổ chức các hoạt động văn thể mỹ cân bằng giữa học văn hoá và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi để có thể hỗ trợ học sinh.
  • Với gia đình: Cha mẹ cần có những quan tâm tích cực và phương pháp giáo dục con hợp lý với từng giai đoạn tuổi.
  • Với bản thân các bạn: Khi cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán hãy cứ tìm một kênh thông tin nào có thể hỗ trợ các bạn: tham gia vào các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, tìm đến các hình thức thư giãn như hít thở sâu, nghe nhạc, thiền- yoga, vẽ tranh,...; tìm sự trợ giúp khi thấy bản thân có vấn đề.

Nếu bạn còn thắc mắc về trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

708 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Rối loạn lưỡng cực
    Rối loạn lưỡng cực và tự tử

    Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần nghiêm trọng, được đặc trưng bởi những thay đổi cực độ trong tâm trạng của bệnh nhân từ hưng cảm đến trầm cảm. Giữa những giai đoạn tâm trạng này, bệnh ...

    Đọc thêm
  • thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực
    Điều trị chứng rối loạn lưỡng cực bằng thuốc

    Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một bệnh đặc trưng bởi sự thay đổi khí sắc đan xen giữa hưng cảm và trầm cảm. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện bệnh mạn tính và ...

    Đọc thêm
  • Bị rối loạn lưỡng cực phải làm sao?
    Quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc

    Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của một người. Nó gây ra những biến đổi bất thường trong tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm hoặc hưng cảm. ...

    Đọc thêm
  • thuc-pham-tranh-de-khong-viem-tui-thua
    Các thực phẩm có thể lựa chọn tùy ý

    Việc lựa chọn thực phẩm cần phải chú ý đến các yếu tố như: độ tươi ngon của thực phẩm, thành phần dinh dưỡng, tính an toàn, không nhiễm hoá chất và hạn chế sử dụng chất bảo quản. Tuy ...

    Đọc thêm
  • Kauskas-200
    Công dụng thuốc Kauskas-200

    Thuốc Kauskas 200 chứa thành phần hoạt chất là Lamotrigine 200mg. Thuốc Kauskas 200 được chỉ định trong đơn trị liệu hoặc phối hợp trong điều trị động kinh cục bộ hoặc toàn thể, bao gồm co cứng, co giật ...

    Đọc thêm