Nghén kéo dài khi mang thai khắc phục thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em mang thai được 19 tuần, em bị nghén từ 9 tuần đến bây giờ, không ăn uống được gì cả rất mệt mỏi. Ngoài nghén, em không có biểu hiện gì khác. Bác sĩ cho em hỏi nghén kéo dài khi mang thai khắc phục thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nghén kéo dài khi mang thai khắc phục thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Ốm nghén là dấu hiệu phổ biến của thai kỳ, được biểu hiện bằng cảm giác buồn nôn và đôi khi là nôn thật sự. Nghén khi mang thai có tên tiếng Anh là “morning sickness”, dấu hiệu này có thể gây khó chịu cho thai phụ vào bất cứ lúc nào trong ngày, chứ không chỉ riêng buổi sáng. Có đến 90% phụ nữ trải qua cảm giác buồn nôn hoặc nôn ở nhiều mức độ khác nhau khi mang thai.

Ốm nghén thường xuất hiện trong 14 tuần của thai kỳ và đây hầu như dấu hiệu đầu tiên cho biết một người phụ nữ đã mang thai. Một số phụ nữ cũng có thể bị ốm nghén kéo dài trong suốt thai kỳ. Không có nguyên nhân chính xác của tình trạng ốm nghén khi mang thai, và mức độ nghiêm trọng ốm nghén cũng khác nhau ở từng phụ nữ. Nồng độ hormone tăng trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ là nguyên nhân phổ biến nhất. Giảm lượng đường trong máu cũng là một lý do khác gây ốm nghén. Buồn nôn và ói mửa cũng thường được kích hoạt bởi một số mùi nồng, thức ăn cay nóng, nước bọt... hoặc thậm chí là không có tác nhân nào.

Người thường bị buồn nôn hoặc nôn do say tàu xe, đau nửa đầu, dị ứng với mùi hoặc vị nhất định cũng dễ bị nghén khi mang bầu hơn. Như vậy ốm nghén là tình trạng sinh lý khi mang thai và cũng có trường hợp bà mẹ nghén suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên nếu mức độ nghén quá nhiều có thể gây sụt cân ảnh hưởng đến cả mẹ và con và gây mất điện giải. Tuy tình trạng có thể phải nhập viện điều trị bằng bù điện giải hay dùng 1 số thuốc kháng Histamin, kháng acid dạ dày, hay kiểm soát cơ buồn nôn.

Một số lời khuyên sau đây có thể giúp thai phụ ngăn ngừa hoặc giảm thiểu buồn nôn:

  • Uống nhiều nước, trước và sau bữa ăn;
  • Nghỉ ngơi;
  • Để nhà cửa và nơi làm việc thông thoáng;
  • Loại bỏ mùi hương khiến bạn buồn nôn;
  • Tránh khói thuốc lá, thức ăn cay và béo;
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày;
  • Ăn vặt trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và trong suốt cả ngày;
  • Uống thêm vitamin bổ sung vào ban đêm.

Nếu bạn còn thắc mắc về nghén kéo dài khi mang thai, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

206 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan