Thiếu máu khi mang thai có kết quả xét nghiệm máu như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em đang mang thai ở tuần thứ 13 và suốt từ tuần 11 trở về em nghén nặng. Tuần thứ 7 đi khám bác sĩ có kê cho em Legend mana và IQ Imax. Đến tuần 12 em đi khám lại, làm xét nghiệm máu thì phát hiện thấy các chỉ số HGB (104), HCT (31,4), RBC(3,56) bị thấp, các chỉ số khác MCV(88,3) MCH(29,4) MCHC(333) bình thường . Xin hỏi bác sĩ thiếu máu khi mang thai có kết quả xét nghiệm máu như thế nào? Bác sĩ chỗ em nghi ngờ em bị bệnh Thalassemia tan máu bẩm sinh và nói có thể phải chọc ối. Em không có tiền sử ngất, hoa mắt, chóng mặt, trước đây từng đi hiến máu rất nhiều lần. Mong bác sĩ giải đáp giúp em, em xin cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Thiếu máu khi mang thai có kết quả xét nghiệm máu như thế nào?”, bác sĩ xin được giải đáp như sau:

Thiếu máu ở bà bầu là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Thiếu máu ở bà bầu gây hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ và ảnh hưởng đến thai nhi. Thiếu máu ở bà bầu thường có biểu hiện mệt mỏi yếu sức, niêm mạc miệng môi mắt nhợt nhạt, chóng mặt,... Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin( Hb) trong máu thấp > 11 g/dl và gồm nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào lượng Hb trong máu. Thiếu máu gồm: Thiếu máu hồng cầu nhỏ ( MCV < 80 fl), thiếu máu hồng cầu bình(80 fl<MCV< 105 fl) và thiếu máu hồng cầu đại ( MCV>105fl). Phụ nữ có thai thường bị thiếu máu hồng cầu nhỏ, nguyên nhân thường do thiếu sắt, ngoài ra còn gặp trong bệnh Thalassemia.

Thalassemia (còn được gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là một bệnh lý huyết học di truyền liên quan đến sự bất thường của hemoglobin (một cấu trúc protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy). Ở bệnh nhân Thalassemia, các hồng cầu bị phá hủy quá mức dẫn đến tình trạng thiếu máu.Thalassemia là một bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường. Do đó, Thalassemia gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và cả cộng đồng.

Theo quy trình sàng lọc bệnh Thalassemia của bộ Y tế: Phụ nữ mang thai sẽ được làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cho lần khám thai đầu tiên.

  • Nếu MCV >/= 85 fl, MCH >/= 28pg sẽ có nguy cơ thấp với bệnh Thalassemia.
  • Nếu MCV < 85fl và/hoặc MCH < 28pg sẽ có nguy cơ cao với bệnh Thalassemia.

Khi đó, chồng của thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm máu ngoại vi. Tùy theo kết quả của người chồng nguy cơ thấp hay nguy cơ cao với bệnh thì sẽ có những hướng sàng lọc và chẩn đoán tiếp theo như: xét nghiệm thành phần huyết sắc tố 2 vợ chồng, xét nghiệm gen globin 2 vợ chồng, chọc ối xét nghiệm gen cho thai nhi,...

Như công thức máu của bạn thì bạn bị thiếu máu nhược sắc mức độ nhẹ và chưa nghĩ tới bạn bị Thalassemia. Bạn có thể cải thiện tình trạng thiếu máu này bằng chế độ ăn giàu sắt như: Đùi gà, thịt bò, tôm, các loại đậu đỗ, tránh dùng các thực phẩm làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể như: trà, cà phê... Bạn nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn và dùng các thuốc bổ sung cho thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa.

Nếu bạn còn thắc mắc về thiếu máu khi mang thai, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn bởi các bác sĩ Sản phụ khoa giàu kinh nghiệm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: