Mắc tiểu đường có ăn cơm được không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi bị tiểu đường. Bác sĩ cho tôi hỏi mắc tiểu đường có ăn cơm được không? Nếu được thì nên ăn bao nhiêu để không bị ảnh hưởng đến tiểu đường? Tôi cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thanh Dũng (1964)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mắc tiểu đường có ăn cơm được không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Cơm trắng là món ăn quen thuộc hàng ngày của người Việt Nam. Bữa ăn bình thường khó thiếu được món cơm. Một chén cơm trắng 100gr cho khoảng 130 calo. 28,2 gr carb. Cơm trắng thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng của người đái tháo đường thường hạn chế cơm trắng, nhưng không phải là kiêng tuyệt đối. Bạn vẫn có thể ăn cơm trắng hàng ngày với lượng cân đối, đảm bảo đường huyết của bạn nằm trong mục tiêu kiểm soát.

Để trả lời câu hỏi của bạn là ăn bao nhiêu cơm trắng thì vừa, bên cạnh việc bạn cần sự tư vấn, xây dựng chế độ dinh dưỡng với bác sĩ của mình, bác sĩ cung cấp thêm một số thông tin về nguyên tắc chung xây dựng chế độ ăn cho người mắc bệnh tiểu đường.

  • Đảm bảo đủ năng lượng để giữ cân nặng bình thường. Chế độ ăn phải cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng sinh năng lượng theo một tỷ lệ cân đối.
  • Chế độ ăn nên giàu chất xơ vì nó có tác dụng khống chế việc tăng glucose, cholesterol, triglycerid sau bữa ăn. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu, qua đó giữ cho mức đường trong máu không bị tăng đột ngột ngay sau bữa ăn, mà tiêu hóa hấp thu từ từ, giữ cho lượng đường trong máu không xuống quá thấp, có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Nên có chế độ ăn giàu chất xơ, khoảng 30-40g/ngày.
  • Các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B (B1, B2, PP) cũng cần có mặt trong khẩu phần ăn.
  • Khẩu phần ăn của người tiểu đường cần hạn chế muối (ít hơn 6g/ngày).
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày (5-6 bữa/ngày) để góp phần khống chế đường huyết, không để xảy ra tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là với người dùng thuốc hạ đường huyết. Với người bệnh điều trị bằng insulin có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.
  • Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá nhiều trong một bữa.
  • Chế biến thức ăn dạng luộc và nấu là chính, không rán, rang với mỡ.
  • Bỏ rượu, bia, thuốc lá,...
  • Quy tắc đĩa thức ăn để kiểm soát lượng đường trong máu: Chia đĩa làm 4 phần: 1/4: Tinh bột (carb): Nên ăn yến mạch, gạo lứt, nui, mì, bánh mì đen,...2/4: rau, củ: Phần lớn rau củ xanh, carot, bắp cải, ớt chuông, 1 ít trái cây ít ngọt,... 1/4: Protein (đạm): Cá, hạt đậu, hải sản, trứng, gà, heo, bò,... 1 muỗng nhỏ dầu tương đương 2ml. Không nên nhịn ăn nhưng hãy tránh những thực phẩm sau: Hạn chế ăn gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng. Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol gây nguy cơ tăng bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng. Không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, siro, các loại nước có ga,... Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả,... bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh.
  • Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bạn cần tuân thủ chế độ vận động hợp lý, khám bệnh và điều trị thuốc hàng ngày.

Một khi bạn tuân thủ đầy đủ các yếu tố trên, sẽ hạn chế tối đa các biến chứng do tiểu đường mạng lại. Bạn sẽ có cuộc sống vui khỏe mỗi ngày.

Nếu bạn còn thắc mắc về mắc tiểu đường có ăn cơm được không, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

973 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan