3 loại tương tác thuốc thường gặp là gì?

Quá trình sử dụng thuốc điều trị cần lưu ý đến rất nhiều vấn đề khác nhau, một trong số đó là các tương tác thuốc. Các loại tương tác thuốc khác nhau sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị theo những cách khác nhau. Vậy các tương tác thuốc thường gặp là gì và cần quản lý chúng như thế nào?

1. Tương tác thuốc là gì?

Tương tác thuốc là hiện tượng một chất tác dụng qua lại với một số chất hay điều kiện khác khi sử dụng đồng thời và từ đó ảnh hưởng đến tác dụng của chất đó đến cơ thể, có thể tăng/giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Các triệu chứng của tương tác thuốc rất khác nhau và mức độ thay đổi từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến bao gồm: cảm thấy mệt mỏi sau khi dùng thuốc hay hiệu quả điều trị thay đổi so với bình thường.

Tương tác thuốc không chỉ xảy ra giữa các loại thuốc theo toa. Theo đó, các thuốc không kê đơn, thức ăn, các chất bổ sung và rượu đều có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể. Người bệnh cần tìm hiểu về các loại tương tác thuốc khác nhau cũng như những yếu tố nguy cơ và cách ngăn ngừa thông qua việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm.

Nếu đang sử dụng nhiều loại thuốc, có nhiều bệnh lý đồng mắc hoặc phải khám với nhiều chuyên khoa khác nhau, bệnh nhân cần lưu ý đến các loại thuốc bản thân đang dùng. Đồng thời, bệnh nhân cần đảm bảo rằng, các bác sĩ điều trị đã biết về tất cả các loại thuốc, các loại thảo dược, sản phẩm bổ sung và vitamin... bản thân đang sử dụng.

Ngay cả khi chỉ sử dụng một loại thuốc, bệnh nhân vẫn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc đó để xác định các loại tương tác thuốc có thể xảy ra.

2. 3 tương tác thuốc thường gặp

2.1. Tương tác thuốc với thuốc

Tương tác giữa thuốc với thuốc là một trong các tương tác thuốc thường gặp, xảy ra giữa 2 hoặc nhiều loại thuốc theo toa của bác sĩ.

Một ví dụ điển hình là sự tương tác giữa Warfarin (Coumadin), một loại thuốc chống đông máu và Fluconazole (Diflucan), một thuốc chống nấm. Việc sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Tương tác thuốc với thuốc còn bao gồm những phản ứng giữa 1 loại thuốc kê đơn và một phương pháp điều trị không kê đơn hoặc giữa 2 phương pháp điều trị không kê đơn với nhau. Điều trị không kê đơn bao gồm thuốc không theo toa của bác sĩ (OTC), các loại thảo dược, vitamin hoặc sản phẩm bổ sung.

Một ví dụ về loại tương tác này xảy ra giữa thuốc lợi tiểu (loại thuốc có tác dụng đào thải muối và nước dư thừa trong cơ thể) và Ibuprofen. Trong đó, Ibuprofen có thể làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu, vì hoạt chất này thường khiến cơ thể tăng giữ muối nước. Thuốc lợi tiểu trong tương tác này có thể là loại kê đơn và không kê đơn.

2.2. Tương tác thuốc với thức ăn

Tương tác thuốc với thức ăn xảy ra khi thực phẩm, bao gồm cả thức ăn hoặc đồ uống, ảnh hưởng và làm thay đổi tác dụng của thuốc.

Ví dụ, một số statin (điều trị tăng cholesterol máu) có thể tương tác với nước ép bưởi. Nếu bệnh nhân đang sử dụng một loại statin và đồng thời uống nhiều nước ép bưởi sẽ dẫn đến tăng nồng độ statin trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương gan hoặc suy thận.

Một hậu quả tiềm ẩn khác của tương tác giữa statin với nước ép bưởi là tình trạng tiêu cơ vân, xảy ra là khi tế bào cơ bị phá vỡ và giải phóng Myoglobin vào máu. Sau đó, chính các Myoglobin sẽ trực tiếp gây tổn thương đến chức năng thận.

2.3. Tương tác giữa thuốc với một số tình trạng bệnh

Đây là một trong các tương tác thuốc thường gặp, xảy ra khi một hay nhiều loại thuốc làm thay đổi hoặc làm trầm trọng thêm một số tình trạng bệnh lý. Ngược lại, một số điều kiện y tế có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của các loại thuốc.

Ví dụ, một số thuốc thông mũi dùng điều trị cảm lạnh có thể làm tăng huyết áp và do đó không phù hợp với người bệnh tăng huyết áp.

Một ví dụ khác là Metformin (một thuốc điều trị đái tháo đường) và bệnh lý thận. Theo đó, những người mắc bệnh thận nên sử dụng Metformin ở liều thấp hơn bình thường hoặc không sử dụng. Tương tác này xảy ra do Metformin có thể tích tụ trong cơ thể ở bệnh nhân suy thận, qua đó tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.

3. Các loại tương tác thuốc khác

3.1. Tương tác thuốc với rượu bia

Một số loại thuốc được đánh giá là không phù hợp khi sử dụng đồng thời với rượu bia hay thức uống có cồn. Thông thường, sự kết hợp giữa các loại thuốc này với rượu có thể dẫn đến mệt mỏi và giảm hiệu quả điều trị, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nguy hiểm.

Ví dụ, sử dụng đồng thời rượu hoặc các thuốc có chứa cồn với Metronidazol có thể gây đỏ bừng mặt, nôn ói và đau bụng. Metronidazole là một trong các loại kháng sinh được sử dụng rất phổ biến.

3. 2. Tương tác thuốc với xét nghiệm

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm ba vòng đã được chứng minh là ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm lẩy da để xác định xem bệnh nhân có bị dị ứng hay không.

4. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tương tác thuốc

Theo các chuyên gia, một số yếu tố sau đây có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tương tác thuốc có thể xảy ra hay không và nếu nó xảy ra thì có gây hại hay không.

4.1. Yếu tố di truyền

Sự khác nhau trong cấu trúc di truyền có thể làm cho cùng một loại thuốc nhưng lại hoạt động khác nhau giữa các cá thể khác nhau.

Một số bệnh nhân do có gen di truyền cụ thể sẽ chuyển hóa một số loại thuốc nhanh hơn hoặc chậm hơn những người khác, từ đó có thể làm cho nồng độ thuốc trong cơ thể giảm hoặc tăng cao hơn so với dự kiến. Bác sĩ điều trị sẽ có những biện pháp để xác định liều lượng phù hợp cho những đối tượng đặc biệt này.

4.2. Cân nặng

Một số loại thuốc có liều dùng phụ thuộc vào cân nặng. Việc thay đổi cân nặng có thể ảnh hưởng đến liều dùng và đồng thời cũng làm tăng hoặc giảm nguy cơ xảy ra các loại tương tác thuốc. Vì vậy, nếu có sự thay đổi đáng kể về cân nặng, bệnh nhân cần được điều chỉnh liều dùng của một số loại thuốc cho phù hợp.

Ví dụ, Heparin trọng lượng thấp (như Enoxaparin) và kháng sinh (như Vancomycin) là những thuốc có liều dùng tính theo cân nặng của bệnh nhân.

4.3. Tuổi tác

Khi già đi, cơ thể chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi và một trong số đó là khả năng chuyển hóa thuốc. Lý do là vì chức năng thận, gan và hệ tuần hoàn đều giảm đi theo tuổi tác. Hệ quả là làm chậm đi quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc khỏi cơ thể.

4.4. Giới tính

Sự khác biệt giữa nam nữ chẳng hạn như giải phẫu học và nội tiết tố, có thể đóng một vai trò trong các tương tác thuốc thường gặp.

Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy nam giới chuyển hóa Zolpidem mạnh gấp đôi so với phụ nữ.

4.5. Lối sống (chế độ ăn uống và tập thể lực)

Một số chế độ ăn kiêng có thể có vấn đề khi kết hợp với thuốc. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàm lượng chất béo cao có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc giãn phế quản mà những bệnh nhân hen phế quản hay sử dụng.

Bên cạnh đó, luyện tập thể dục cũng có thể thay đổi cách thức hoạt động của thuốc. Ví dụ, những người dùng Insulin điều trị bệnh đái tháo đường có thể bị hạ đường huyết trong khi tập thể dục cường độ cao. Vì vậy, bệnh nhân có thể cần phải điều chỉnh các bữa ăn và liều dùng Insulin để hạn chế hạ đường huyết.

Hút thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của một số loại thuốc. Bệnh nhân cần khai báo với bác sĩ về thói quen hút thuốc khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới.

4.6. Thời gian thuốc tồn tại trong cơ thể

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ cơ thể hấp thụ và chuyển hóa thuốc. Liều dùng cho mỗi bệnh nhân có thể cần phải điều chỉnh theo các yếu tố này, do đó có thể cao hơn hoặc thấp hơn liều thông thường. Đây là lý do tại sao bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang dùng khi bác sĩ đang cân nhắc kê đơn một loại thuốc mới.

4.7. Thời gian sử dụng thuốc

Cơ thể có thể dung nạp tốt hơn với một số loại thuốc hoặc bản thân thuốc có thể giúp cơ thể chuyển hóa chúng nhanh hơn theo thời gian. Vì vậy, liều dùng có thể cần phải điều chỉnh nếu bệnh nhân đã sử dụng trong một thời gian dài, trong đó điển hình là các thuốc giảm đau và thuốc chống động kinh.

4.8. Đường dùng

Các loại thuốc có nhiều đường dùng khác nhau, bao gồm đường uống, đường tiêm và bôi tại chỗ. Tương ứng với mỗi đường dùng sẽ có những hiệu ứng và hiệu quả điều trị khác nhau.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ về các loại tương tác thuốc thường gặp để có cách dùng thuốc hiệu quả nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, hivinfo.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

194 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan