Công dụng thuốc Cytomib

Thuốc Cytomib là thuốc có tác dụng diệt nhiều loại tế bào ung thư và trì hoãn sự phát triển khối u được sử dụng đơn độc hay kết hợp trong điều trị một số bệnh ung thư và bệnh đa u tủy xương.

1. Thuốc Cytomib có tác dụng gì?

Thuốc Cytomib có thành phần chính là Bortezomib 3,5 mg, bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Bortezomib là một chất có tác dụng ức chế proteasome. Nó được thiết kế đặc biệt để ức chế hoạt động giống chymotrypsin của proteasome 26S trong tế bào động vật có vú. Proteasome 26S là một phức hợp protein lớn có chức năng phân hủy các protein được ubiquitin hóa. Con đường ubiquitin-proteasome đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều hòa số lượng các protein cụ thể, duy trì cân bằng nội môi trong tế bào. Sự ức chế proteasome 26S có tác dụng ngăn chặn quá trình ly giải các protein này và từ đó ảnh hưởng đến nhiều dòng tín hiệu bên trong tế bào, cuối cùng dẫn đến sự chết của tế bào ung thư.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cytomib

Chỉ định

Thuốc Cytomib được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Thuốc Cytomib được chỉ định dưới dạng đơn trị liệu hoặc kết hợp với dexamethasone hoặc thuốc khác để điều trị cho bệnh nhân người lớn bị đa u tủy đang tiến triển đã được điều trị ít nhất 1 lần hoặc không thích hợp để ghép tế bào gốc tạo máu.
  • Bortezomib kết hợp với melphalan và prednisone để điều trị cho người lớn mắc bệnh đa u tủy chưa được điều trị trước đó do không đủ điều kiện để điều trị với hóa chất liều cao với ghép tế bào gốc tạo máu.
  • Bortezomib kết hợp với thuốc khác để điều trị tấn công cho người lớn mắc bệnh đa u tủy chưa được điều trị trước đó đủ điều kiện điều trị hóa trị liều cao với ghép tế bào gốc tạo máu.
  • Bortezomib kết hợp với thuốc rituximab, cyclophosphamide, doxorubicin và prednisone để điều trị cho người lớn mắc bệnh u lympho tế bào vỏ chưa được điều trị trước đó, nhưng không thích hợp để cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

Chống chỉ định của Cytomi

Thuốc Cytomib không được dùng trong những trường hợp sau:

  • Quá mẫn với hoạt chất hay với boron hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thuốc
  • Bệnh lý ở phổi và màng ngoài tim thâm nhiễm lan tỏa cấp tính.
  • Dùng thuốc này để tiêm trong da.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cytomib

Cách dùng: Thuốc được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc được nhân viên y tế có kinh nghiệm sử dụng cho người bệnh.

Người lớn:

  • Liều dùng để điều trị cho người bệnh đa u tủy tiến triển (bệnh nhân đã được điều trị ít nhất một lần trước đó): Liều khuyến cáo là 1,3 mg/m2 diện tích bề mặt cơ thể hai lần mỗi tuần trong vòng hai tuần vào các ngày 1, 4, 8 và 11, trong một chu kỳ điều trị 21 ngày. Khoảng thời gian 3 tuần này được coi như là một chu kỳ điều trị. Các liều thuốc liên tiếp cách nhau ít nhất 72 giờ.
  • Liều dùng cho bệnh nhân đa u tủy mà chưa được điều trị trước đây hoặc không đủ điều kiện để ghép tế bào gốc tạo máu: Khoảng thời gian 6 tuần được coi như là một chu kỳ điều trị. Trong chu kỳ 1-4, Cytomib được dùng hai lần mỗi tuần vào các ngày 1, 4, 8, 11, 22, 25, 29 và 32. Trong chu kỳ 5-9, thuốc được dùng một lần mỗi tuần vào các ngày 1, 8, 22 và 29. Các liều thuốc liên tiếp cách nhau ít nhất 72 giờ.
  • Liều dùng cho người bệnh đa u tủy chưa được điều trị trước đó, đủ điều kiện để ghép tế bào gốc tạo máu (điều trị tấn công): Liều khuyến cáo là 1,3 mg/m2 diện tích bề mặt cơ thể hai lần mỗi tuần trong hai tuần vào các ngày 1, 4, 8 và 11, trong một chu kỳ điều trị 21 ngày. Các liều thuốc liên tiếp cũng cần cách nhau ít nhất 72 giờ.
  • Liều dùng cho những bệnh nhân đang bị u lympho tế bào vỏ chưa được điều trị trước đó: Liều khuyến cáo là 1,3 mg/m2 diện tích bề mặt cơ thể hai lần mỗi tuần trong hai tuần vào các ngày 1, 4, 8 và 11, sau đó là thời gian nghỉ 10 ngày vào các ngày 12-21. Khoảng thời gian 3 tuần này được coi là một chu kỳ điều trị. Các liều thuốc liên tiếp cũng cần cách nhau ít nhất 72 giờ.

Trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Cytomib ở trẻ em dưới 18 tuổi.

Đối tượng khác:

  • Người lớn tuổi: Không có hướng dẫn điều chỉnh liều ở người lớn tuổi.
  • Suy gan: Bệnh nhân nếu suy gan nhẹ không cần phải điều chỉnh liều. Bệnh nhân suy gan trung bình hoặc nặng nên bắt đầu dùng liều thấp hơn 0,7 mg/m2 mỗi lần tiêm trong chu kỳ điều trị đầu tiên và tăng liều sau đó lên đến 1,0 mg/m2.
  • Suy thận: Không cần thiết phải chỉnh liều cho những bệnh nhân suy thận nhẹ và trung bình. Chưa rõ dược động học của thuốc này có bị ảnh hưởng ở bệnh nhân suy thận nặng hoặc đang thẩm phân hay không?

4. Tác dụng phụ của thuốc Cytomib

Một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:

  • Thường gặp: Nhiễm Herpes zoster, viêm phổi, nhiễm nấm; giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, gây thiếu máu; giảm sự thèm ăn; nguy cơ mất nước, hạ kali huyết, hạ natri huyết, đường huyết bất thường, hạ canxi huyết, bất thường về enzyme; rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, đau dây thần kinh, bệnh thần kinh vận động, ngất, chóng mặt, rối loạn thần kinh tọa, hôn mê, nhức đầu.
  • Ít gặp: Nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phế quản phổi, viêm não màng não, viêm mô tế bào; rối loạn đông máu, nổi hạch, thiếu máu tán huyết; phù mạch, quá mẫn; hội chứng Cushing, cường chức năng tuyến giáp; hội chứng ly giải khối u; hạ phospho huyết, tăng kali huyết, tăng canxi huyết, tăng natri huyết, acid uric bất thường, nguy cơ bệnh đái tháo đường, giữ nước, rối loạn tâm thần, ảo giác, lú lẫn, bồn chồn.
  • Hiếm gặp: viêm cơ ức đòn chũm, hội chứng mệt mỏi sau nhiễm vi rút; ung thư tế bào ác tính, bệnh bạch cầu đa nhân, ung thư biểu mô tế bào thận; đông máu nội mạch lan tỏa, tăng tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, xuất huyết tạng, thâm nhiễm tế bào bạch huyết; sốc phản vệ; suy giáp; tăng magnesi huyết, nhiễm toan, mất cân bằng điện giải, giảm hay tăng clo huyết, giảm tổng thể tích máu, tăng phospho huyết, rối loạn chuyển hóa, thiếu vitamin B phức hợp, thiếu vitamin B12, bệnh gút, tăng cảm giác thèm ăn; ý tưởng tự sát, mê sảng, giảm ham muốn tình dục.

Trong quá trình dùng thuốc, nếu bạn nhận thấy các tác dụng phụ của thuốc thì hãy nói với bác sĩ điều trị để được tư vấn và điều trị bằng thuốc phù hợp nếu cần.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng Cytomib

Những điều cần lưu ý khi sử dụng Cytomib như sau:

  • Khi dùng thuốc bạn cần theo dõi chặt các triệu chứng như tê, đau hoặc cảm giác bỏng rát ở bàn chân hoặc bàn tay hay các dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại vi.
  • Thận trọng sử dụng bortezomib ở những bệnh nhân có tiền sử bị ngất, bệnh nhân đang dùng thuốc hạ huyết áp và bệnh nhân bị mất nước có thể gây tăng nguy cơ hạ huyết áp.
  • Thận trọng hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và bệnh phổi thâm nhiễm lan tỏa cấp tính chưa rõ nguyên nhân cũng đã xảy ra ở những bệnh nhân dùng bortezomib. Cho nên, cần theo dõi những dấu hiệu bất thường ở đường hô hấp.
  • Lưu ý khi dùng với phụ nữ có thai: Không có dữ liệu lâm sàng về bortezomib liên quan đến việc phơi nhiễm khi mang thai. Khả năng gây quái thai của bortezomib vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì thế, thuốc không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai, trừ khi tình trạng lâm sàng của người phụ nữ yêu cầu điều trị bằng bortezomib. Nếu bệnh nhân có thai khi đang dùng thuốc này, bác sĩ cần thông báo về khả năng gây nguy hiểm cho thai nhi.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Không biết thuốc này có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do thuốc có khả năng xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ, nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị.
  • Bortezomib có thể gây ảnh hưởng ở mức độ vừa phải đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Một số tác dụng phụ của bortezomib gây mệt mỏi, chóng mặt, ngất và hạ huyết áp tư thế hoặc nhìn mờ. Do đó, bệnh nhân cần phải thận trọng khi lái xe hoặc sử dụng máy móc nếu gặp các triệu chứng này.

6. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tương tác với thuốc này gồm:

  • Các chất ức chế CYP3A4 mạnh (ví dụ như thuốc ketoconazole, ritonavir) làm tăng nồng độ của bortezomib, do đó làm tăng hiệu quả bortezomib.
  • Các chất cảm ứng CYP3A4 mạnh (Rifampicin, carbamazepine, phenytoin, phenobarbital) làm giảm nồng độ của bortezomib, do đó hiệu quả của bortezomib có thể bị giảm.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc tiểu đường được điều trị bằng thuốc Cytomib cần theo dõi chặt chẽ mức đường huyết và điều chỉnh liều lượng thuốc tiểu đường khi cần.
  • Tương tác với thực phẩm: Thận trọng với các sản phẩm từ bưởi chùm. Bưởi chùm có tác dụng ức chế chuyển hóa CYP3A4, có thể làm tăng nồng độ bortezomib trong huyết thanh. Hạn chế thức ăn và thực phẩm bổ sung có nhiều flavonoid, vì có thể cản trở hoạt động điều trị của thuốc này. Thực phẩm giàu flavonoid bao gồm rau xanh, trái cây và trà xanh.
  • Hạn chế thực phẩm và chất bổ sung có nhiều vitamin C: Vì khi dùng nhiều Vitamin C có thể cản trở hoạt động điều trị của thuốc Cytomib.

Thuốc Cytomib được dùng trong bệnh u lympho và đa u tủy. Thuốc được sử dụng và theo dõi bởi bác sĩ và các nhân viên y tế có kinh nghiệm. Trong quá trình điều trị nếu có bất thường xảy ra, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan