Công dụng thuốc Emingaton

Thuốc Emingaton có thành phần chính là các vitamin A, E, B2, PP, D3, B1, B6, C. Emingaton thường được sử dụng khi cần bổ sung vitamin cho các trường hợp mới ốm dậy, bệnh nhân sau phẫu thuật, ...

1. Emingaton có tác dụng gì?

Mỗi thành phần trong Emingaton đều có những công dụng nhất định như:

  • Tác dụng của vitamin A: Vitamin A giữ vai trò quan trọng trong tạo ra sắc tố võng mạc giúp mắt điều tiết tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Trên da và niêm mạc, vitamin A biệt hóa tế bào biểu mô, tăng bài tiết chất nhầy, do đó làm da mềm mại, không bị nứt nẻ, sần sùi.
  • Tác dụng của vitamin E: Vitamin E hay còn được gọi là Tocoferol, là một vitamin tan trong dầu có khả năng chống oxy hóa mạnh. Vitamin E được tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại đậu, hạt, rau xanh. Vitamin E thường được sử dụng trong dự phòng và điều trị các rối loạn thiếu vitamin E.
  • Tác dụng của vitamin B2: Vitamin B2 hay còn được gọi là Riboflavin, là một vitamin nhóm B tan trong nước. Vitamin B2 giúp tăng tạo hồng cầu và hỗ trợ tế bào chuyển hóa năng lượng. Vitamin B2 thường được dùng trong các trường hợp ngộ độc rượu, bỏng, ung thư, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, nhiễm trùng, ...

2. Chỉ định và chống chỉ định của Emingaton

Thuốc Emingaton thường được sử dụng với mục đích bổ sung vitamin cho cơ thể trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mới ốm dậy
  • Bệnh mạn tính
  • Người bệnh sau phẫu thuật
  • Mệt mỏi, suy nhược, chán ăn
  • Phụ nữ có thai
  • Phụ nữ cho con bú.

Tuyệt đối không sử dụng Emingaton trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc emingaton
  • Thừa vitamin A
  • Tăng calci máu, nhiễm độc vitamin D
  • Bệnh gan nặng
  • Loét dạ dày tiến triển
  • Xuất huyết động mạch
  • Hạ huyết áp nặng
  • Sỏi thận
  • Đang dùng liều cao vitamin C do thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase

3. Liều lượng và cách dùng Emingaton

Để Emingaton phát huy tốt hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa các tác dụng bất lợi, bạn cần đảm bảo tuân thủ theo đúng lời dặn của bác sĩ về thời gian điều trị, liều lượng, đường dùng thuốc. Không được tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Ngoài ra, bạn không được đưa thuốc Emingaton cho người khác sử dụng khi thấy họ có tình trạng giống bạn.

Liều lượng:

  • Người lớn: 1 viên/lần, uống 2 lần/ngày.
  • Trẻ em: 1 viên/lần/ngày.

Trường hợp, quên liều, bạn hãy uống một liều thuốc khác khi nhớ ra, có thể cách 1 – 2 giờ so với giờ so với giờ thông thường. Nếu thời điểm đó gần với thời điểm sử dụng thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua và uống liều tiếp theo như hướng dẫn. Không uống gấp đôi lượng thuốc để bù lại liều đã quên.

Quá liều thuốc Emingaton được ghi nhận do quá liều vitamin E có thể gây rối loạn tiêu hóa; quá liều vitamin A gây khô tóc, buồn nôn, chán ăn; dùng liều cao vitamin C gây sỏi thận... Khi có biểu hiện quá liều, cần dừng uống thuốc và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

4. Tác dụng không mong muốn

Ngoài các tác dụng điều trị mà thuốc đem lại, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc Emingaton như:

  • Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A với các triệu chứng đặc trưng là mệt mỏi, kích thích, chán ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, gan lách to, sốt, rụng tóc, khô tóc, môi nứt nẻ, chảy máu, thiếu máu, tăng calci máu, phù dưới da, nhức đầu, đau xương khớp, ... Ở trẻ em, các triệu chứng ngộ độc vitamin A như tăng áp lực nội sọ, ù tai, phù gai thị, rối loạn thị giác. Hầu hết các triệu chứng này sẽ mất đi khi ngưng sử dụng thuốc. Phụ nữ mang thai sử dụng vitamin A với liều trên 8000 UI/ngày có thể gây quái thai.
  • Triệu chứng ngộ độc vitamin D: mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, ù tai, giảm trương lực cơ, đau cơ xương, kích thích, loãng xương, rối loạn chức năng thận, sút cân, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, ...
  • Ngộ độc vitamin PP: buồn nôn, đỏ mặt, cảm giác rát bỏng, đau buốt ở da, loét dạ dày, chán ăn, nôn mửa, đầy hơi, tiêu chảy, khô da, tăng sắc tố, vàng da, suy gan, tăng tiết bã nhờn, tăng glucose máu, tăng uric máu, đau đầu, nhìn mờ, chóng mặt, hạ huyết áp, ...
  • Ngộ độc vitamin B6: bệnh thần kinh ngoại vi, buồn nôn, nôn mửa, ...

Hãy thông báo với bác sĩ khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng thuốc Emingaton.

5. Tương tác thuốc

Hiện tượng tương tác thuốc có thể dẫn đến thay đổi khả năng hấp thu, tác dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, nếu bạn đang điều trị với một hoặc nhiều loại thuốc khác, cần thông báo với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng Emingaton để đảm bảo an toàn. Các thuốc có thể tương tác với các thành phần trong thuốc Emingaton như:

  • Vitamin D3: không dùng chung vitamin D3 với các thuốc cholestyramin, thuốc lợi niệu thiazid, phenobarbital, phenytoin, corticosteroid, các glycosid trợ tim.
  • Vitamin A: không dùng chung vitamin A với các thuốc Neomycin, Cholestyramin, parafin lỏng, thuốc tránh thai, Isotretinoin.
  • Không dùng chung vitamin B2 và rượu.
  • Vitamin B6 làm giảm tác dụng của thuốc Levodopa dùng trong điều trị bệnh Parkinson.
  • Vitamin PP không sử dụng chung với các thuốc chẹn alpha adrenergic, carbamazepin, các thuốc có độc tính với gan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

201 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan