Công dụng thuốc Fefurate

Fefurate là thuốc dùng để điều trị hoặc dự phòng bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt và thiếu acid folic, đặc biệt ở phụ nữ có thai, đang cho con bú và bệnh nhân thiếu dinh dưỡng. Vậy Fefurate tác dụng như thế nào và cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

1. Fefurate là thuốc gì?

Fefurate có thành phần chính là ion Sắt 2+ và Acid folic. Công dụng của các thành phần như sau:

Thành phần Sắt: Ion Sắt 2+ là một nguyên tố vi lượng tuy ít nhưng cần thiết cho cơ thể. Đây là nguyên liệu cần thiết cho sự tổng hợp hemoglobin của hồng cầu, myoglobin và enzyme hô hấp cytochrome C. Ion Sắt được hấp thu nhanh ở tá tràng và đầu gần hỗng tràng. Sau khi vào cơ thể sắt được dự trữ dưới dạng: Ferritin và hemosiderin, phần còn lại được thải trừ qua phân.

Thành phần Acid folic: Acid folic là vitamin nhóm B (vitamin B9). Acid folic trong tự nhiên tồn tại dưới dạng một polyglutamate. Sau khi vào cơ thể acid folic được khử thành tetrahydrofolate là coenzym của nhiều quá trình chuyển hoá, tổng hợp nhân của nucleotid. Nó cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa các acid amin. Thuốc phân bố vào các mô trong cơ thể nhanh chóng sau uống, đi vào dịch não tuỷ, nhau thai và sữa mẹ. Thuốc được tích trữ chủ yếu ở gan và thải trừ qua nước tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Fefurate

Thuốc Fefurate được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Thiếu máu do thiếu sắt.
  • Thiếu acid folic gây bệnh lý hồng cầu to.
  • Phụ nữ mang thai thiếu máu cần bổ sung sắt, đang cho con bú thiếu dinh dưỡng.
  • Thiếu dinh dưỡng cho chế độ ăn.
  • Suy nhược cơ thể
  • Bệnh nhân phục hồi sau các cuộc phẫu thuật lớn: Cắt dạ dày, gãy xương đùi,..
  • Thiếu acid folic ở bệnh nhân đang điều trị Methotrexate, thuốc chống động kinh.

3. Chống chỉ định của thuốc Fefurate

Các trường hợp bệnh nhân không được dùng thuốc Fefurate:

  • Dị ứng với thành phần sắt, acid folic hay bất cứ thành phần nào của thuốc Fefurate;
  • Bệnh gan, mô nhiễm sắt, nhiễm hemosiderin;
  • Bệnh nhân đang điều trị thiếu máu tán huyết;
  • Bệnh lý đa hồng cầu;
  • Bệnh lý túi cùng đường tiêu hóa, hẹp thực quản;

Lưu ý khi sử dụng thuốc Fefurate: Không dùng thuốc kéo dài ở bệnh nhân có lượng Sắt trong máu bình thường. Ngưng dùng thuốc khi có các phản ứng không dung nạp.

4. Tương tác của Fefurate với các thuốc khác

Tương tác của Fefurate với các thuốc khác như sau:

  • Các thuốc chống co giật sẽ bị giảm tác dụng do thành phần Acid folic trong Fefurate.
  • Thuốc tránh thai và Sulfasalazin khi dùng chung với Fefurate làm giảm khả năng của thuốc.
  • Các thuốc kháng acid làm giảm sự hấp thu của sắt.

5. Cách dùng và liều dùng của thuốc Fefurate

Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén nên người bệnh cần uống thuốc nguyên viên với nước. Nên uống sau bữa ăn để tránh các tác dụng trên đường tiêu hóa.

Liều dùng:

  • Liều dự phòng: 1 viên/ngày.
  • Liều điều trị thiếu máu do thiếu sắt: 1 viên x2 lần/ ngày.

6. Tác dụng phụ của thuốc Fefurate

Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Fefurate được ghi nhận như sau:

  • Ngứa, phát ban, phản ứng dị ứng.
  • Nổi mày đay.
  • Rối loạn tiêu hóa: đau âm ỉ thượng vị , buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Đi cầu phân đen.

Tóm lại, Fefurate là thuốc điều trị và dự phòng các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, thiếu dinh dưỡng. Thuốc tương đối lành tính, dễ sử dụng và cho hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng và tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

306 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan