Công dụng thuốc Kitrampal

Thuốc Kitrampal thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm. Đây là thuốc phối hợp giữa 2 thành phần Tramadol hydrochloride và Paracetamol, thường được chỉ định trong các trường hợp đau từ trung bình đến nặng. Vậy thuốc Kitrampal có tác dụng gì?

1. Thuốc Kitrampal là thuốc gì?

Thuốc Kitrampal có thành phần chính gồm TramadolParacetamol có các tác dụng dược lực học như sau:

  • Tramadol là thuốc giảm đau trung ương với 2 cơ chế tác động, liên kết của chất gốc và chất chuyển hoá hoạt tính (M1) với thụ thể Mu-opioid receptor, ức chế nhẹ tái hấp thu của norepinephrine, serotonin.
  • Paracetamol cũng là một loại thuốc giảm đau trung ương với cơ chế tác động giảm đau chính xác chưa được xác định rõ ràng nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra có tác dụng hợp lực với Tramadol để gia tăng hoạt lực của thuốc.

Thuốc Kitrampal thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, ho, chảy nước mắt, đau nhức do bệnh cảm cúm.
  • Hỗ trợ điều trị đau vừa và nhẹ như đau đầu, đau bụng kinh, đau răng, đau nhức cơ, xương khớp do vận động, đau do chấn thương sau tai nạn hoặc chơi thể thao.

Thuốc Kitrampal chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc Kitrampal.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú vì chưa đủ nghiên cứu về độ an toàn của thuốc với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc sử dụng IMAO trong 2 tuần.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến tim, gan, phổi, thận, mắc chứng thiếu máu nhiều lần hoặc người bị thiếu hụt G6PD.
  • Không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Kitrampal với người già, người lái xe hoặc vận hành máy móc

2. Liều sử dụng của thuốc Kitrampal:

Thuốc Kitrampal được bào chế dưới dạng viên nang uống, có thể sử dụng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều sử dụng của Kitrampal sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống mỗi lần tối đa 1-2 viên cách nhau 4-6 giờ và tối đa 8 viên/ngày.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: chưa có nghiên cứu về độ an toàn và hiệu quả của Kitrampal với thuốc này.
  • Người già trên 65 tuổi: không có sự khác biệt về hiệu quả và độ an toàn giữa đối tượng này và người trẻ tuổi hơn.

Khi sử dụng quá liều Kitrampal người bệnh có thể có các triệu chứng của ngộ độc Tramadol hay Paracetamol như suy hô hấp, hôn mê, co giật và tử vong. Đặc biệt khi dùng liều rất cao Paracetamol có thể gây ra các triệu chứng nhiễm độc gan, xuất hiện sau 48-72 giờ dùng thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Kitrampal:

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Kitrampal có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương thường xuyên xảy ra với phổ biến là buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Đau đầu, rùng mình.
  • Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, khô miệng, nôn mửa.
  • Rối loạn tâm thần: chán ăn, lo lắng, nhầm lẫn, kích thích, mất ngủ, bồn chồn
  • Ngứa, phát ban, tăng tiết mồ hôi.
  • Rối loạn tim mạch: tụt hoặc tăng huyết áp.
  • Rối loạn tiền đình: ù tai.
  • Loạn nhịp tim, đánh trống ngực, mạch nhanh.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Kitrampal:

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Kitrampal gồm có:

  • Thận trọng khi sử dụng Kitrampal với các thuốc SSRI (ức chế tái hấp thu serotonin), TCA (các hợp chất 3 vòng) hay dùng trên các bệnh nhân có tiền sử co giật vì làm tăng nguy cơ gây co giật.
  • Thận trọng khi sử dụng liều cao Tramadol với thuốc tê, thuốc mê hay rượu vì có nguy cơ gây suy hô hấp.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Kitrampal với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như Opioid, thuốc tê, thuốc mê, thuốc ngủ và thuốc an thần.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Kitrampal cho các bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ, chấn thương đầu, bệnh nhân nghiện thuốc phiện (vì có nguy cơ tái nghiện).
  • Thận trọng khi sử dụng Kitrampal cho bệnh nhân nghiện rượu mạn tính vì có nguy cơ gây độc tính trên gan.
  • Việc sử dụng Naloxon trong xử trí quá liều Tramadol có thể gây tăng nguy cơ co giật.
  • Với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/ phút được khuyến cáo liều dùng không quá 2 viên cho mỗi 12 giờ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Kitrampal với bệnh nhân suy gan nặng. Không dùng chung với các dược chất khác có chứa Paracetamol hay Tramadol.

5. Các tương tác thuốc với Kitrampal

  • Sử dụng đồng thời Kitrampal với thuốc ức chế MAO hoặc ức chế tái hấp thu serotonin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ, bao gồm co giật và hội chứng serotonin.
  • Dùng chung Kitrampal với các Carbamazepine có thể làm tăng đáng kể chuyển hoá của thành phần Tramadol. Tác dụng giảm đau của Tramadol trong thuốc có thể bị giảm sút với các bệnh nhân uống Carbamazepine.
  • Uống Quinidine với tramadol có thể làm tăng hàm lượng Tramadol.
  • Dùng chung thuốc Kitrampal với các thuốc nhóm Warfarin có thể làm tăng thời gian đông máu ở một số bệnh nhân.
  • Sử dụng chung Kitrampal với các thuốc ức chế CYP2D6 có thể làm hạn chế chuyển hoá của Tramadol.

Trên đây là công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Kitrampal. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Kitrampal theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

87 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan