Công dụng thuốc mỡ tra mắt Cloramphenicol

Cloramphenicol thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn và khử trùng mắt. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm trùng ở mắt do nhiều nguyên nhân. Việc tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Cloramphenicol sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Chloramphenicol là thuốc gì?

Cloramphenicol chứa thành phần chính Cloramphenicol hàm lượng 32mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Dạng bào chế của thuốc là mỡ tra mắt, cách thức đóng gói tuýp 8ml.

Thuốc Cloramphenicol là kháng sinh có trọng lượng phân tử thấp, chủ yếu tan trong mỡ, tác dụng trên vi khuẩn gram dương, gram âm, xoắn khuẩn, Salmonella, Rickettsiae và Chlamydiae (mắt hột).

Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế tổng hợp protein ở những vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn vào tiểu thể 50S của Ribosom.

Thuốc được dùng tại chỗ ở mắt. Sau khi bôi, thuốc được hấp thu vào vùng thủy dịch của mắt. Ở người có bệnh lý đục thủy tinh thể, nếu được chỉ định dùng thuốc thì mức độ hấp thu thay đổi theo dạng thuốc và số lần dùng thuốc. Nồng độ thuốc trong thủy dịch cao nhất khi dùng thuốc mỡ tra mắt nhiều lần trong ngày.

2. Thuốc Cloramphenicol có công dụng gì?

Thuốc Cloramphenicol được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị viêm mí, viêm kết mạc/ củng mạc, viêm màng bồ đào, viêm mắt đồng cảm, viêm nội nhãn, viêm thần kinh thị giác, viêm sau chấn thương và phẫu thuật.

Thuốc Cloramphenicol chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Chloramphenicol hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Viêm giác mạc do herpes zoster, viêm gai giác mạc, viêm giác mạc có mủ tiền phòng, viêm mống mắt có mủ tiền phòng.
  • Bệnh mắt hột.
  • Lao mắt.
  • Loét giác mạc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cloramphenicol

3.1. Cách dùng thuốc Cloramphenico

Khi sử dụng thuốc mỡ tra mắt Cloramphenicol, người bệnh cần:

  • Rửa tay trước khi sử dụng thuốc mỡ.
  • Tháo nắp ra khỏi tuýp.
  • Nghiêng đầu xuống một chút và kéo nhẹ mi dưới của mắt xuống để tạo thành hình túi.
  • Đưa ngược tuýp thuốc đến gần mắt.
  • Bóp nhẹ tuýp thuốc để có một đường thuốc mỡ mỏng dọc theo phía trong mí mắt dưới. Tránh không để thuốc dính vào trong mắt.
  • Hãy nhắm mắt lại trong giây lát, rồi nháy mắt vài lần để thuốc mỡ lan ra và tác dụng nhanh hơn.
  • Bôi thuốc bằng cách tương tự như trên ở mắt còn lại.
  • Bạn nhớ đóng nắp trên tuýp để tránh thuốc bị nhiễm khuẩn.

3.2. Liều dùng thuốc Cloramphenico

  • Mỗi ngày tra từ 3 đến 4 lần vào mắt, mỗi lần tra với lượng thuốc khoảng bằng hạt đậu (0,5cm).

Lưu ý: Trên đây chỉ là liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất. Tùy vào tình trạng bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chỉ định liều lượng và nồng độ thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Cloramphenicol

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Cloramphenicol đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp.

Thuốc Cloramphenicol có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó phải tránh việc điều trị kéo dài hoặc nhắc lại.

Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận bao gồm:

  • Thuốc Cloramphenicol ít hấp thu vào máu nhưng có thể gây ra độc tính như suy tủy xương, thiếu máu bất sản, kể cả tử vong đã được báo cáo. Vì vậy, những bệnh nhân có tiền sử bản thân hay gia đình suy tủy thì không nên dùng.
  • Thuốc có thể gây ra trạng thái dạng Cushing và chứng loãng xương ở một mức độ nào đó.
  • Cảm giác hơi rát, châm chích, ngứa tại vùng bôi thuốc, viêm da.
  • Một số người bệnh có thể xảy ra phản ứng quá mẫn, phù nề tại chỗ, nổi mề đay toàn thân, sốc phản vệ, sốt và mụn nước, viêm da dát sần,...

Lưu ý: Thông thường các tác dụng phụ thường biến mất khi ngưng dùng thuốc. Ngoài những tác dụng phụ được liệt kê ở trên đây, thuốc Cloramphenicol có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác mà chưa được xác định đầy đủ. Vì thế, bất kỳ thời điểm nào khi người bệnh dùng thuốc nếu có xảy ra các tác dụng không mong muốn thì báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Tương tác thuốc Cloramphenicol

Trong quá trình dùng Cloramphenicol có thể xảy ra những tương tác khi phối hợp với các thuốc khác hoặc thức ăn mà chưa được xác định rõ ràng. Nhằm tránh những tương tác có hại có thể xảy ra, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc nam,...

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Cloramphenicol

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Cloramphenicol như sau:

  • Thuốc Cloramphenicol được chỉ định dùng tại chỗ với corticosteroid trong một số trường hợp nhiễm khuẩn mắt. Tuy nhiên, khi phối hợp có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn, nấm hoặc virus, cũng như làm mờ đi những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn.
  • Tránh lạm dụng thuốc và dùng dài ngày do thuốc này có nguy cơ gây ra những phản ứng có hại nghiêm trọng.
  • Trong trường hợp nhiễm khuẩn đang tiến triển thì không nên dùng thuốc, trừ trường hợp đã dùng thuốc chống nhiễm khuẩn trước đó. Mặc khác, vẫn có nguy cơ làm tăng nhiễm khuẩn do bị ức chế miễn dịch khi dùng thuốc Cloramphenicol.
  • Người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn trên đơn thuốc của bác sĩ. Không nên ngưng dùng thuốc đột ngột khi thấy các triệu chứng lâm sàng đã được cải thiện...
  • Trước khi dùng thuốc phải kiểm tra hạn sử dụng ghi sẵn bên ngoài bao bì đựng, nếu đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng.
  • Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến tầm nhìn trong quá trình lái xe và vận hành máy móc. Có thể tạm ngưng công việc cho đến khi xác định mức độ ảnh hưởng của thuốc trên người bệnh.
  • Thuốc nên được cất giữ ở nơi khô ráo, mát mẻ, tránh xa nhiệt và ánh sáng trực tiếp.
  • Khi sử dụng hết, người bệnh nên vứt tuýp thuốc sau quá trình điều trị trong vòng 5 ngày, ngay cả khi thuốc vẫn còn lại một ít.
  • Những loại thuốc dùng một lần nên sử dụng ngay khi thuốc mở tuýp. Người bệnh không nên lưu giữ hoặc tái sử dụng các ống đã mở cho liều tiếp theo vì các ống này không chứa chất bảo quản. Khi tra thuốc, không để đầu tuýp chạm vào mí mắt.
  • Phụ nữ có thai: Thuốc Cloramphenicol có thể qua được hàng rào nhau thai, nên xảy ra nguy cơ như sảy thai, dị tật,... Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc này cho phụ nữ mang thai khi có chỉ định của bác sĩ và thực sự cần thiết trong quá trình điều trị, đã cân nhắc giữa lợi ích điều trị của người mẹ và nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú: Theo nghiên cứu lâm sàng, thuốc Cloramphenicol có bài tiết qua sữa mẹ, ảnh hưởng đến trẻ trong thời gian người mẹ cho con bú. Trường hợp người bệnh đang cho con bú phải dùng thuốc Cloramphenicol có thể ngưng cho con bú trước khi bắt đầu liệu trình điều trị.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Cloramphenicol?

  • Khi người bệnh quên dùng Cloramphenicol, hãy dùng ngay liều thuốc đó khi nhớ ra. Có thể dùng thuốc cách 1 - 2 giờ theo thời gian chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối tránh bù với liều gấp đôi khi đã quên thuốc. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo như chỉ định.
  • Nếu lỡ dùng Cloramphenicol quá liều theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, người bệnh cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức, tự theo dõi những tác dụng phụ khác có thể xảy ra. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh khi đi cũng nên nhớ mang theo các thuốc đã sử dụng để bác sĩ nắm thông tin, xử trí nhanh chóng và kịp thời.

Bài viết trên đây đã đưa ra những thông tin liên quan về cách sử dụng, công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cloramphenicol. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Cloramphenicol là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc này khi có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan