Công dụng thuốc Palibone

Thuốc Palibone 70mg thường được sử dụng để dự phòng và điều trị bệnh loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh hoặc người cao tuổi. Để đạt được hiệu quả tối ưu khi sử dụng Palibone, bệnh nhân cần tham khảo kỹ lời khuyên của bác sĩ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn.

1. Thuốc Palibone 70mg là thuốc gì?

Palibone 70mg thuộc nhóm thuốc cơ xương khớp, được sản xuất bởi Atlantic Pharma- Producoes Farmaceuticas S.A – Bồ Đào Nha. Thuốc được dùng trong các tình trạng loãng xương ở người cao tuổi / phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Thuốc Palibone được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, với quy cách đóng gói hộp 1 vỉ x 4 viên.

Trong mỗi viên nén Palibone 70mg có chứa các hoạt chất sau đây:

  • Hoạt chất chính: Natri alendronat trihydrat hàm lượng 70mg (Acid Alendronic).
  • Các tá dược vừa đủ: Croscarmellose natri, Microcrystalline cellulose, Natri stearyl fumarate, Colloidal anhydrous silica và Opadry 20A28569.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Palibone 70mg

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Palibone 70mg

Thuốc Palibone 70mg thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Điều trị và dự phòng bệnh loãng xương ở nam giới, phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
  • Điều trị tình trạng loãng xương xảy ra do Glucocorticoid.
  • Điều trị loãng xương do bệnh Paget xương.
  • Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D.
  • Dùng để làm giảm nguy cơ gãy xương hông và đốt sống.
  • Ức chế tiêu xương, ngừa loãng xương.

2.2. Công dụng của thuốc Palibone 70mg

*Dược lực học:

Hoạt chất Alendronat acid là một Bisphosphonate, có khả năng ức chế tiêu xương đặc hiệu. Một số nghiên cứu tiền lâm sàng đã cho thấy, hoạt chất chính trong thuốc Palibone có khuynh hướng tích tụ chọn lọc tại các vị trí tiêu xương – nơi Alendronat acid ức chế sự hoạt động của huỷ cốt bào, nhờ đó làm giảm tỷ lệ rủi ro gãy xương, giúp xương chắc khoẻ hơn.

*Dược động học:

Khi uống một liều trong phạm vi từ 5 – 70mg Alnedronat ở phụ nữ, mức độ khả dụng sinh học của thuốc trung bình 0,64% (uống sau một đêm nhịn ăn và khoảng 2 tiếng trước bữa ăn chính). Sau khi tiêm tĩnh mạch Alendronat liều 1mg / kg, hoạt chất phân bổ nhất thời tại các mô mềm, sau đó phân bổ lại trong xương hoặc được bài xuất ra ngoài qua đường nước tiểu.

Ước tình, khoảng 78% Alendronat liên kết với protein trong huyết tương người và không có bằng chứng cho thấy dấu hiệu chuyển hoá của hoạt chất này trong cơ thể. Sau khi tiêm IV liều duy nhất 10mg Alendronat, độ thanh thải của thuốc ở thận đạt 71 ml / phút. Trong vòng 6 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch, nồng độ Aendronat trong huyết tương giảm > 95%. Theo ước tính, nửa đời kết thúc của Alendronat vượt trên 10 năm, điều này phản ánh sự giải phóng của hoạt chất từ bộ xương.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Palibone 70mg

3.1. Liều dùng thuốc Palibone 70mg

Liều dùng thuốc Palibone theo khuyến nghị chung của bác sĩ là 70mg / lần / tuần (tương đương 1 viên). Thời gian sử dụng thuốc sẽ được xác định cụ thể thông qua đánh giá về lợi ích và rủi ro của thuốc đối với từng cá nhân, đặc biệt là sau 5 năm sử dụng. Đối với người bị suy gan, suy thận mức độ nhẹ / vừa phải (có độ thanh thải creatinin từ 35 – 60ml / phút) và người cao tuổi không cần phải điều chỉnh liều.

3.2. Cách sử dụng thuốc Palibone 70mg

Theo khuyến cáo của chuyên gia, bệnh nhân nên uống Palibone cùng với cốc nước lớn ít nhất 30 phút trước khi ăn. Thời điểm thích hợp nhất để đưa thuốc xuống dạ dày dễ dàng hơn là khi mới ngủ dậy trong ngày.

Khi uống, bệnh nhân cần nuốt nguyên viên, tránh nhai hay để thuốc tan dần trong miệng, bởi điều này có thể gây ra tình trạng loét vùng miệng. Ngoài ra, ban cũng cần tránh nằm ngay sau khi uống (tối thiểu 30 phút). Không uống Palibone trước khi đi ngủ hay khi vẫn nằm trên giường lúc mới ngủ dậy.

Thuốc Palibone chỉ nên uống với nước lọc, tránh uống cùng với các đồ uống có gas, nước ngọt hoặc thức ăn vì chúng có thể làm giảm khả năng hấp thu của hoạt chất Alendronat. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên bổ sung thêm vitamin D và canxi nếu chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ các chất này.

3.3. Cần làm gì khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Palibone 70mg

Trường hợp quên liều Palibone 70mg:

  • Khi trót bỏ lỡ một liều thuốc Palibone, bệnh nhân cần uống 1 viên vào buổi sáng sớm ngay sau khi nhớ ra. Tuyệt đối không được uống gấp đôi liều (2 viên / ngày), thay vào đó tiếp tục dùng liều tiếp theo vào đúng ngày đã được bác sĩ chỉ định.

Trường hợp quá liều Palibone 70mg:

  • Khi uống quá 70mg Palibone / lần / tuần, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ của tình trạng quá liều, chẳng hạn như rối loạn tiêu hoá, giảm canxi / phosphat máu, viêm loét dạ dày, viêm loét thực quản và chứng ợ nóng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ quá liều sau khi uống Palibone, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời.
  • Để giải quyết tình trạng quá liều thuốc Palibone, người bệnh có thể được cho uống sữa hoặc uống thuốc kháng acid, đồng thời giữ cơ thể trong tư thế thẳng đứng hoàn toàn. Tránh áp dụng phương pháp gây nôn cho bệnh nhân dùng quá liều Palibone, vì điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ làm kích ứng thực quản, khiến tình trạng viêm loét tại cơ quan này trở nên nghiêm trọng hơn.

4. Một số tác dụng phụ của thuốc Palibone 70mg

Thuốc Palibone rất hiếm khi gây ra các phản ứng phụ ngoại ý, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp xảy ra sau khi dùng thuốc. Nhìn chung, các tác dụng phụ của Palibone thường nhẹ, vì vậy bệnh nhân không cần phải ngừng sử dụng thuốc hoàn toàn. Dưới đây là một số tác dụng phụ do thuốc Palibone 70mg gây ra, bao gồm:

  • Nhức hoặc đau đầu.
  • Chướng bụng.
  • Đầy hơi.
  • Khó nuốt.
  • Viêm loét thực quản.
  • Trào ngược acid dạ dày.
  • Nổi mề đay hoặc có dấu hiệu phát ban đỏ trên da.
  • Viêm dạ dày.
  • Phù mạch (hiếm gặp).
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Thủng thực quản.
  • Viêm họng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Viêm màng bồ đào.
  • Viêm mắt.
  • Rụng tóc.

Khi nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên trong quá trình điều trị bằng Palibone, bệnh nhân cần ngưng uống thuốc tạm thời và trao đổi với bác sĩ để có hướng xử lý đúng.

5. Một số điều cần lưu ý trong quá trình điều trị bằng Palibone 70mg

5.1. Các trường hợp chống chỉ định sử dụng Palibone

Thuốc Palibone cần tránh sử dụng cho những trường hợp dưới đây:

  • Người quá mẫn hoặc nhạy cảm với hoạt chất Alendronat hay bất cứ thành phần nào trong thuốc.
  • Người có các dị thường thực quản khiến quá trình làm rộng thực quản bị chậm lại, chẳng hạn như co thắt hoặc hẹp cơ vòng thực quản.
  • Người không có khả năng ngồi hay đứng thẳng trong vòng 30 phút.
  • Người bị hạ canxi huyết.

5.2. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Palibone 70mg

Trước và trong quá trình điều trị loãng xương bằng thuốc Palibone, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo những chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý dùng thuốc theo ý muốn cá nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thận trọng một số điều sau khi sử dụng Palibone:

  • Hoạt chất Alendronat trong thuốc có khả năng gây ức chế tại chỗ phía trên của dạ dày ruột, do đó những người mắc bệnh về dạ dày ruột (như viêm tá tràng, viêm dạ dày, bệnh thực quản hoặc chứng khó nuốt) cần hết sức cẩn trọng khi dùng thuốc.
  • Những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh dạ dày ruột, chẳng hạn như chảy máu dạ dày ruột, loét hệ thống tiêu hoá hoặc trải qua phẫu thuật ống dạ dày ruột cần cẩn trọng khi điều trị loãng xương bằng Palibone.
  • Những bệnh nhân mắc bệnh thực quản Barnet cần trao đổi với bác sĩ về những loại ích và nguy cơ trước khi quyết định dùng thuốc Palibone.
  • Khi sử dụng thuốc Palibone, bệnh nhân có thể gặp các phản ứng xảy ra ở thực quản, chẳng hạn như loét thực quản do hẹp thực quản hoặc viêm thực quản.
  • Nguy cơ gặp phải phản ứng gây tác hại nghiêm trọng cho thực quản sẽ càng tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng Palibone sai cách, hoặc vẫn tiếp tục sử dụng thuốc ngay cả khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ kích ứng thực quản.
  • Trước khi dùng Palibone cần đánh giá cả những nguyên nhân gây loãng xương khác bên cạnh tình trạng lão hoá và thiếu hụt estrogen.
  • Cần điều chỉnh hiện tượng giảm canxi huyết trước khi bệnh nhân bắt đầu điều trị loãng xương bằng Palibone. Ngoài ra, các tình trạng rối loạn chuyển hoá khoáng chất khác như thiếu vitamin D cũng cần được điều trị trước khi dùng Palibone.
  • Do thuốc Palibone có thể làm giảm lượng canxi trong máu, do đó bệnh nhân nên bổ sung thêm các nguồn cung cấp canxi qua chế độ ăn uống thường ngày, đồng thời theo dõi mức độ canxi huyết thông qua xét nghiệm máu thường xuyên.
  • Khi sử dụng Palibone, bệnh nhân cũng cần ưu tiên việc chăm sóc và kiểm tra răng miệng thường xuyên để kịp thời báo cho bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Tuyệt đối không sử dụng Palibone khi đã hết thời hạn sử dụng in trên bao bì, hoặc xảy ra bất kỳ thay đổi nào về kết cấu và màu sắc của viên thuốc.

5.3. Lưu ý sử dụng thuốc Palibone 70mg cho đối tượng đặc biệt

*Sử dụng thuốc Palibone cho thai phụ và người mẹ nuôi con bú

Một số thử nghiệm trên động vật đã cho thấy, hoạt chất Alendronat trong thuốc Palibone có thể gây khó sinh, tạo xương không hoàn chỉnh và gây ảnh hưởng tiêu cực cho thai nhi cũng như trẻ sơ sinh. Vì vậy, thuốc Palibone 70mg không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.

Hiện nay chưa có bất kỳ thông tin chính xác nào về thuốc Palibone thải trừ qua sữa mẹ, vì vậy phụ nữ đang nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng và chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết.

*Sử dụng thuốc Palibone cho người vận hành máy móc, xe cộ

Do thuốc có thể gây ra tác dụng phụ đau nhức đầu, vì vậy những bệnh nhân có đặc thù công việc cần đến sự tập trung cao độ, ví dụ như lái xe hoặc vận hành máy móc cần hết sức thận trọng khi sử dụng Palibone nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc.

5.4. Tương tác của Palibone 70mg với các thuốc khác

Khi kết hợp Palibone với các thuốc hay chất dưới đây có thể dẫn đến phản ứng tương tác làm ảnh hưởng đến công hiệu của thuốc, bao gồm:

  • Đồ uống và thực phẩm: Làm giảm hấp thu thuốc Palibone.
  • Aspirin: Dẫn đến các phản ứng ngoại ý ở đường tiêu hoá.
  • Thuốc NSAID: Gây kích ứng đường tiêu hoá.

Để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tương tác giữa các thuốc, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ về toàn bộ loại thuốc, vitamin cũng như thực phẩm chức năng đang sử dụng để có chiến lược điều chỉnh phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan