Công dụng thuốc Prograf 1mg

Thuốc Prograf 1mg có thành phần chính là Tacrolimus. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tình trạng thải ghép ở những người bệnh ghép thận, ghép gan hoặc ghép tim,...Tìm hiểu những thông tin về thành phần và công dụng giúp người bệnh có thể sử dụng thuốc một cách hiệu quả.

1. Thuốc Prograf 1mg là thuốc gì?

Thuốc Prograf 1mg có thành phần chính là Tacrolimus. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tình trạng thải ghép ở những người bệnh ghép thận, ghép gan hoặc ghép tim,...

Thuốc Prograf được bào chế dưới dạng viên nang và đóng gói hộp 5 vỉ x 10 viên. Thuốc do Astellas Ireland Co.,Ltd., Ireland sản xuất.

Ngoài thành phần chính là Tacrolimus 1mg, trong thuốc còn chứa các loại tá dược vừa đủ 1 viên.

Tác dụng của hoạt chất Tacrolimus

  • Hoạt chất này có tác dụng ức chế Calcineurin và có hoạt tính ức chế hệ miễn dịch rất mạnh.
  • Cơ chế tác dụng: Thuốc có tác dụng ức chế sự hình thành của các tế bào lympho gây độc tế bào (là nguyên nhân chính gây ra sự thải ghép). Đồng thời, tác dụng ngăn chặn sự hoạt hóa của tế bào T, sự hoạt hóa tế bào B, cùng những tế bào lympho khác.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Prograf 1mg

2.1. Chỉ định

Thuốc Prograf 1mg có tác dụng gì? Prograf 1mg được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Chỉ định nhằm tác dụng ngăn ngừa thải ghép ở những người bệnh ghép thận, ghép gan hoặc ghép tim.
  • Kháng điều trị trong các thuốc ức chế miễn dịch khác.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Prograf 1mg không được khuyến cáo sử dụng cho những người bệnh có tiền sử dị ứng với một hoặc bất kỳ thành phần nào có trong thuốc, kể cả các thành phần tá dược.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Prograf 1mg

3.1. Cách dùng

Người bệnh cần sử dụng thuốc Prograf 1mg bằng đường uống. Theo đó, người bệnh nên uống thuốc với một ly nước đầy. Bạn có thể uống vào buổi sáng hay buổi tối đều được.

Người bệnh nên dùng thuốc khi bụng còn đói, ít nhất trong khoảng thời gian trước ăn khoảng 1 giờ hoặc từ 2-3 giờ sau khi ăn để thuốc Prograf 1mg được hấp thu tốt nhất.

3.2. Liều dùng

Theo Prograf 1mg được dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc người bệnh có thể tham khảo liều chia thành 2 lần mỗi ngày.

  • Người lớn: Liều lượng sử dụng là 0,1 - 0,2 mg/kg/ngày.
  • Trẻ em: Liều lượng sử dụng là 0,3/kg/ngày.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân giảm liều thuốc sau khi bệnh nhân cấy ghép.

4. Cách xử trí khi quên liều và quá liều Prograf 1mg

Quên liều: Nếu trong quá trình dùng thuốc, người bệnh quên sử dụng thì hãy dùng ngay liều thuốc đó khi đã nhớ ra. Nếu thời gian đã quá lâu và đã đến liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều quên và uống liều thuốc Prograf 1mg mới theo đúng lịch trình. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều thuốc Prograf 1mg so với chỉ định.

Quá liều: Khi sử dụng quá liều thuốc Prograf 1mg, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: buồn nôn, nôn,nhiễm trùng, run rẩy, nổi mày đay, mẩn ngứa, tăng Nito ure máu, hôn mê, tăng nồng độ Creatinin và Alanin aminotransferase huyết thanh.

Vì vậy, khi sử dụng quá liều thuốc và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng thì cần ngưng sử dụng ngay và thông báo cho bác sĩ được biết. Trong các trường hợp khẩn cấp cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Prograf 1mg

Trong quá trình sử dụng thuốc Prograf 1mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ với tần suất như sau:

  • Tác dụng phụ rất phổ biến: Tăng đường huyết, kali huyết đái tháo đường, nhức đầu, mất ngủ, run rẩy, tăng huyết áp, buồn nôn, suy thận, tiêu chảy.
  • Tác dụng phụ phổ biến: Tăng Phosphatase kiềm trong máu, tăng cân, gây bất thường men gan, suy nhược cơ thể, hoại tử ống thận, đau chân tay, co thắt cơ, đau khớp, rụng, tăng tiết mồ hôi,vàng da ứ mật, viêm đường mật, chướng bụng, táo bón, đau bụng,...
  • Tác dụng phụ không phổ biến: Đông máu, giảm bạch cầu, hạ đường huyết, rối loạn tâm thần, mất nước
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Làm giảm Prothrombin huyết, mù lòa, điếc thần kinh, tăng trương lực.
  • Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Khiếm thính, nhược cơ, hẹp ống mật, suy gan,...

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các tác dụng phụ như bệnh thần kinh thị giác, thiếu máu tan huyết,... Nếu trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh gặp bất kỳ tác dụng phụ nào thì cần ngưng sử dụng ngay và thông báo cho bác sĩ được biết để có hướng xử trí kịp thời.

6. Tương tác thuốc

Để tránh tương tác thuốc xảy ra, cần thận trọng khi phối hợp đồng thời với những loại thuốc sau đây:

Thuốc ức chế hoặc cảm ứng Cyp3A4: Vì có tác động làm ảnh hưởng đến chuyển hóa Tacrolimus.

Các chất làm tăng nồng độ Tacrolimus trong máu:

  • Thuốc chống nấm: Ketoconazole, Isavuconazole, Fluconazole,...
  • Nước ép bưởi.
  • Omeprazole, Nefazodone, Clarithromycin,...

Hoạt chất Tacrolimus có thể làm tăng nồng độ Phenytoin ở trong máu, đồng thời làm giảm độ thanh thải, tăng thời gian bán thải của Phenazone và Pentobarbital,...Vì vậy, để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng đang dùng và các bệnh khác đang mắc phải để bác sĩ cân nhắc và kê đơn thuốc phù hợp.

7. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Prograf 1mg

Trong quá trình sử dụng thuốc Prograf 1mg, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Phụ nữ mang thai: Nhiều trường hợp sảy thai, sinh non, tăng nguy cơ chảy máu ở trẻ sơ sinh đã được báo cáo khi người bệnh sử dụng thuốc Prograf 1mg. Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc này. Nếu trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hãy tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Bà mẹ cho con bú: Thuốc Prograf 1mg có thể bài tiết vào sữa mẹ. Vì vậy, để loại trừ những ảnh hưởng bất lợi đối với trẻ sơ sinh thì những bà mẹ đang cho con bú không nên sử dụng thuốc này.
  • Những người lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Prograf 1mg có thể gây ra tình trạng rối loạn thị giác, thần kinh,... từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe, cũng như vận hành máy móc. Do đó, cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho đối tượng này.

Bảo quản thuốc Prograf 1mg ở những nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi. Không sử dụng thuốc khi đã hết hạn.

Tóm lại, thuốc Prograf 1mg có thành phần chính là Tacrolimus. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tình trạng thải ghép ở những người bệnh ghép thận, ghép gan hoặc ghép tim. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao và tránh tối đa các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan