Công dụng thuốc Vancomycin 1g

Thuốc Vancomycin 1g là một kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng như viêm xương tủy, viêm màng não, viêm đại tràng giả mạc, viêm nội tâm mạc...

1. Tác dụng của thuốc Vancomycin là gì?

Vancomycin là một thuốc kháng sinh được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Vancomycin 1g thuốc biệt dược hoạt động bằng cách ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn.

Thuốc Vancomycin 1g thường được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, dạng thuốc trong lọ cũng có thể được dùng ở dạng thuốc uống để điều trị bệnh đường ruột nghiêm trọng như tiêu chảy do nhiễm khuẩn Clostridium difficile. Khi uống Vancomycin 1g, cơ thể bạn không hấp thụ thuốc mà sẽ giữ lại trong ruột, vì vậy thuốc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.

2. Cách sử dụng thuốc Vancomycin 1g

Dùng thuốc Vancomycin 1g bằng đường tiêm tĩnh mạch, thường 1 hoặc 2 lần trong ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc Vancomycin 1g nên được tiêm chậm trong 1-2 giờ. Liều dùng Vancomycin 1g dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng cũng như chức năng thận và đáp ứng với điều trị của bạn.

Nếu bạn tự dùng thuốc Vancomycin 1g tại nhà, hãy tìm hiểu tất cả các bước chuẩn bị và hướng dẫn dùng thuốc từ chuyên viên y tế. Trước khi dùng thuốc Vancomycin 1g, hãy kiểm tra xem có cặn hoặc đổi màu hay không. Nếu có, bạn không sử dụng thuốc đó. Ngoài ra, hãy tìm hiểu cách bảo quản thuốc Vancomycin 1g và loại bỏ vật dụng y tế an toàn.

Khi uống thuốc Vancomycin 1g, hãy trộn mỗi liều dùng với ít nhất 30 ml nước trước khi uống.

3. Bạn nên bảo quản thuốc vancomycin như thế nào?

Bạn nên bảo quản Vancomycin 1g ở nhiệt độ -20°C trở xuống. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc ngăn đá tủ lạnh. Mỗi loại thuốc sẽ có các phương pháp bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi bác sĩ/dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc Vancomycin 1g vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt bỏ đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng.

4. Vancomycin 1g liều dùng như thế nào?

4.1. Liều dùng thuốc Vancomycin 1g cho người lớn

Liều dùng Vancomycin 1g thông thường cho người lớn bị nhiễm khuẩn:

  • Sử dụng 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8-12 giờ (dùng 2-3g/ngày);
  • Liều 25-30 mg/kg có thể được xem xét chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.
  • Khuyến cáo liều tiêm tĩnh mạch Vancomycin 500mg cách mỗi 6 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch Vancomycin 1g cách mỗi 12 giờ.

Liều dùng Vancomycin 1g cho người lớn bị nhiễm khuẩn huyết:

  • Dùng liều 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8-12 giờ;
  • Thời gian điều trị với Vancomycin là kéo dài 2-6 tuần, tuỳ theo nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Liều dùng Vancomycin 1g cho người lớn dự phòng viêm nội tâm mạc:

  • Đối với bệnh nhân dị ứng với Penicillin, nên sử dụng Vancomycin 1g tiêm tĩnh mạch 1 lần. Quá trình tiêm thuốc Vancomycin phải được hoàn tất trong 30 phút kể từ khi bắt đầu tiêm.
  • Gentamicin có thể sẽ được thêm vào để điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ cao.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm nội tâm mạc:

  • Sử dụng liều 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8- 12 giờ, cùng hoặc không cùng với kháng sinh khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng.
  • Thời gian điều trị cho người sử dụng van nguyên gốc là 6 tuần, van nhân tạo ít nhất 6 tuần.
  • Liều Vancomycin tối đa là 2g/ngày, trừ khi nồng độ trong huyết thanh thấp .

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm đại tràng giả mạc:

  • Trường hợp bị tiêu chảy có liên quan đến vi khuẩn Clostridium difficile, sử dụng liều 125mg uống 4 lần/ngày trong vòng 10 ngày;
  • Điều trị viêm ruột do nhiễm tụ cầu, sử dụng liều 500-2000mg/ngày, chia làm 3 hoặc 4 liều, uống trong 7 đến 10 ngày.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm ruột:

  • Điều trị tiêu chảy có liên quan đến khuẩn Clostridium difficile, sử dụng Vancomycin liều 125mg uống 4 lần/ngày trong 10 ngày.
  • Điều trị viêm ruột do nhiễm tụ cầu, liều Vancomycin là 500-2000 mg/ngày chia làm 3 hoặc 4 liều, uống trong vòng 7 đến 10 ngày.

Liều dùng Vancomycin 1g cho người lớn bị viêm màng não:

  • Sử dụng liều Vancomycin 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch, cách mỗi 8-12 giờ.
  • Thời gian điều trị viêm màng não kéo dài từ 10-14 ngày hoặc ít nhất 1 tuần sau khi bệnh nhân hết cơn sốt, xét nghiệm dịch não tủy bình thường.
  • Đối với viêm trong não thất, vỏ, liều điều trị thường là 5-20 mg công thức không chứa chất bảo quản trong mỗi 24 giờ.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm phổi bệnh viện:

  • Điều trị viêm phổi mắc phải tại bệnh viện, sử dụng Vancomycin 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8 đến 12 giờ.
  • Nồng độ đáy thường được khuyến cáo là 15-20 mcg/ml.
  • Thời gian điều trị lâm sàng nên càng ngắn sẽ càng tốt để giảm nguy cơ bội nhiễm với vi khuẩn kháng thuốc.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm phổi nguyên nhân do tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA)

  • Liều dùng là 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8 đến 12 giờ.
  • Thời gian điều trị khoảng 7-21 ngày tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị viêm xương tủy:

  • Sử dụng Vancomycin 15-20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8 đến 12 giờ.
  • Thời gian điều trị từ 3-6 tuần hoặc ít nhất 8 tuần nếu nhiễm trùng nguyên nhân là MRSA.

Liều dùng Vancomycin cho người lớn bị sốt giảm bạch cầu:

  • Sử dụng 15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 12 giờ.
  • Tiếp tục điều trị sau khi bệnh nhân ổn định, hết sốt trong vòng ít nhất 24 giờ và bạch cầu trung tính lớn hơn 500/mm3.

4.2. Liều dùng Vancomycin cho trẻ em

Liều dùng Vancomycin cho trẻ em bị nhiễm khuẩn:

  • Trẻ nhỏ hơn 7 ngày tuổi và nhẹ hơn 1200g: Liều Vancomycin là 15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 24 giờ.
  • Trẻ nhỏ hơn 7 ngày tuổi, nặng từ 1200-2000g: Liều Vancomycin là 10-15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 12-18 giờ.
  • Trẻ nhỏ hơn 7 ngày tuổi và nặng trên 2000g: Liều Vancomycin là 10-15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8-12 giờ.
  • Trẻ từ 7 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi và nhẹ hơn 1200g: Liều 15 mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 24 giờ.
  • Trẻ từ 7 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi và nặng từ 1200-2000g: Liều Vancomycin là 10-15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 8-12 giờ.
  • Trẻ từ 7 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi và nặng hơn 2000 g: Liều Vancomycin là 10-15 mg/kg tiêm tĩnh mạch cho trẻ cách mỗi 6-8 giờ.
  • Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi: Liều Vancomycin là 10 đến 20 mg/kg tiêm tĩnh mạch cách mỗi 6-8 giờ (tổng cộng 40- 60 mg/kg/ngày)
  • Khuyến dùng liều khởi đầu cho trẻ sơ sinh là 15 mg/kg, tiếp tục dùng liều 10 mg/kg cách mỗi 12 giờ trong tuần đầu tiên sau khi sinh và cách mỗi 8 giờ sau đó cho đến khi trẻ được 1 tháng tuổi.

Liều dùng Vancomycin cho trẻ em dự phòng viêm nội tâm mạc:

  • Trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên bị bị dị ứng với Penicillin sử dụng liều 20 mg/kg (tối đa 1 g) một lần tiêm tĩnh mạch. Có thể thêm liều Gentamicin 1,5 mg/kg (tối đa 120 mg) tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Liều Vancomycin cho trẻ em bị viêm phúc mạc:

  • Sử dụng liều 30 mg/kg hoặc 30 mg/l tiêm vào màng bụng cách mỗi 5-7 ngày.

Liều Vancomycin cho trẻ em bị viêm đại tràng giả mạc:

  • Trẻ từ 1-18 tuổi sử dụng liều 40 mg/kg/ngày chia làm 3 hoặc 4 liều uống.
  • Liều Vancomycin tối đa là 2 g/ngày.
  • Thời gian điều trị với Vancomycin từ 7-10 ngày.

Liều Vancomycin cho trẻ em bị viêm ruột:

  • Trẻ từ 1-18 tuổi sử dụng liều Vancomycin 40 mg/kg/ngày chia làm 3 hoặc 4 liều uống.
  • Liều Vancomycin tối đa là 2 g/ngày.
  • Thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

Liều Vancomycin cho trẻ em dự phòng phẫu thuật:

  • Liều Vancomycin là 15 mg/kg một lần tiêm tĩnh mạch. Việc tiêm thuốc cần hoàn tất trong vòng 30 phút sau khi tiêm.

5. Tác dụng phụ của thuốc Vancomycin

  • Nếu tiêm thuốc Vancomycin quá nhanh, có thể xảy ra tình trạng “hội chứng người đỏ” với các triệu chứng như đỏ bừng phần thân trên, hạ huyết áp, chóng mặt hoặc đau cơ/co cứng vùng ngực - lưng.
  • Đau, đỏ và nhức tại vị trí tiêm
  • Ù tai;
  • Thay đổi lượng nước tiểu;
  • Dễ chảy máu và bầm tím;
  • Sốt, đau họng;
  • Tiêu chảy kéo dài;
  • Sử dụng trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại có thể bị nấm miệng hoặc nhiễm nấm âm đạo;
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là ở mặt/lưỡi/họng); chóng mặt, khó thở.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên củ thuốc Vancomycin. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

Trên đây là thông tin về thuốc Vancomycin 1g, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn thông tin bảo quản và hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng thuốc. Khi không còn sử dụng thuốc, bạn cần thu gom và xử lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan