Levosum là thuốc gì?

Thuốc Levosum được chỉ định sử dụng chủ yếu để điều trị dự phòng tái phát sau khi phẫu thuật bướu giáp đơn thuần. Để hiểu rõ hơn về thuốc Levosum cũng như cách sử dụng thuốc sao cho đạt hiệu quả cao nhất, hãy cùng theo dõi ngay nội dung dưới đây!

1. Levosum là thuốc gì?

Levosum là thuốc giúp bổ sung hormone tuyến giáp, được sử dụng để điều trị thay thế cho các trường hợp mắc chứng suy giáp (trừ tình trạng suy giáp nhất thời trong thời gian hồi phục viêm giáp bán cấp). Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để ức chế quá trình tiết thyrotropin (TSH) của cơ thể. Thuốc Levosum là một dược phẩm của Công ty Samnam Pharmaceutical Co., Ltd, Hàn Quốc, được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là natri levothyroxine có hàm lượng 0,1mg.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Levosum

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Levosum

Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc Levosum thường được chỉ định sử dụng cho một số trường hợp dưới đây:

  • Hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc chứng nhược giáp.
  • Dự phòng và hạn chế nguy cơ tái phát bướu giáp lành.
  • Giúp hỗ trợ cân bằng lại hormone tuyến giáp.
  • Hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân mắc chứng cường giáp.
  • Được sử dụng cho bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật bướu ác tính.

2.2. Công dụng của thuốc Levosum

Thông thường, cơ quan tuyến giáp sẽ sản sinh ra 2 loại hormone chính, bao gồm triiodothyronine T3 và thyroxin T4. Hoạt chất chính levothyroxin trong thuốc Levosum đóng vai trò là một loại đồng phân tả tuyền của hormone tuyến giáp T4, giúp làm tăng tốc độ chuyển hoá của các mô trong cơ thể và điều hoà hiệu quả sự phát triển cũng như biệt hoá tế bào. Nếu cơ thể trẻ bị thiếu hụt hormone thyroxin T4 sẽ dẫn đến các tình trạng như chậm lớn, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển não bộ hoặc chậm cốt hoá tại các đầu xương dài.

Hoạt chất natri levothyroxin trong thuốc Levosum có khả năng tăng cường mức tiêu thụ oxy ở các mô, nhờ đó hỗ trợ cải thiện hiệu quả tốc độ chuyển hoá cơ bản trong cơ thể, chuyển hoá lipid, protein và đường. Không những vậy, hoạt chất levothyroxin còn có tác dụng dự phòng và điều trị một số khối u tại tuyến giáp, đồng thời hỗ trợ đẩy lùi tình trạng suy giảm hormone tuyến giáp. Ngoài ra, thuốc Levosum còn giúp tăng khả năng co bóp cơ tim, giúp cải thiện đáng kể chức năng hoạt động của cơ tim.

Xét về dược động học, hoạt chất levothyroxin trong thuốc Levosum có các đặc điểm sau đây:

  • Hấp thu: Hoạt chất levothyroxin được hấp thu chủ yếu ở hồng tràng, hồi tràng và một lượng nhỏ ở tá tràng. Tỷ lệ hấp thu của levothyroxin dao động từ 48 – 79% lệ thuộc vào một số yếu tố khác nhau.
  • Phân bố: Khoảng 99% levothyroxin liên kết với protein huyết tương.
  • Chuyển hoá: Hormone T3 và T4 sẽ liên kết với sulfuric và acid glucuronic trong gan.
  • Thải trừ: Thời gian bán thải trong huyết tương của homrone T3 là một ngày, còn T4 là từ 6 – 7 ngày. Hai hormone được bài tiết chủ yếu vào mật.

2.3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Levosum

Dưới đây là một số trường hợp không nên sử dụng thuốc Levosum theo khuyến cáo của bác sĩ, bao gồm:

  • Tránh dùng thuốc Levosum cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với hoạt chất levothyroxin hoặc quá mẫn với bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
  • Không dùng thuốc Levosum cho người bị nhiễm độc do tuyến giáp chưa được điều trị, suy thượng thận hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
  • Chống chỉ định dùng Levosum cho bệnh nhân có triệu chứng cường giáp, bị đau thắt ngực, viêm cơ tim, suy vỏ tuyến thượng thận hoặc người cao tuổi bị nhồi máu cơ tim có tuyến giáp.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Levosum

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Levosum

Liều dùng thuốc Levosum sẽ được xác định dựa trên tình trạng bệnh cũng như độ tuổi của bệnh nhân, cụ thể:

Điều trị cho người bị nhược giáp:

  • Liều dành cho người lớn: Uống từ 0,5 – 1 viên / ngày, từ tuần thứ 2 – 4 có thể tăng dần liều lên tối đa 1,5 – 2 viên / ngày.
  • Liều dành cho trẻ em: Uống 0,5 viên / ngày.

Liều hỗ trợ phòng ngừa và hạn chế nguy cơ tái phát bướu giáp lành: Uống từ 1 – 2 viên / ngày.

Liều điều trị trường hợp cường giáp đã được đưa về bình giáp: Uống từ 0,5 – 1 viên / ngày.

Liều dùng cho người vừa trải qua phẫu thuật bướu ác tính: Uống từ 1,5 – 3 viên / ngày.

Lưu ý rằng những liều khuyến cáo trên thường được dùng trong điều trị các bệnh lý về tuyến giáp, do đó chỉ mang tính chất tham khảo. Liều Levosum cụ thể còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và đối tượng bệnh nhân khác nhau. Để quả trình điều trị mang lại kết quả cao nhất, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

3.2. Cách sử dụng thuốc Levosum

Do thuốc Levosum được bào chế dưới dạng viên nén, do đó người bệnh cần phải sử dụng thuốc bằng đường uống. Levosum nên được uống lúc đói, tốt nhất là khoảng 30 phút trước khi ăn sáng. Bạn có thể uống viên Levosum cùng với nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội với lượng vừa đủ. Tránh uống thuốc chung với sữa, nước có ga, nước ngọt, bia, rượu hoặc các chất kích thích khác. Đối với trẻ nhỏ có thể hoà tan viên thuốc để tạo thành hỗn dịch, giúp trẻ dễ uống hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về cách sử dụng thuốc Levosum, bạn nên đọc kỹ giấy hướng dẫn sử dụng đi kèm trong hộp thuốc hoặc tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.

3.3. Cần làm gì khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Levosum?

Cách xử lý trường hợp uống quá liều thuốc Levosum

Khi uống quá liều thuốc Levosum, người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng sau đây:

  • Bồn chồn, buồn nôn, đánh trống ngực hoặc sốt.
  • Người vã nhiều mồ hôi, có dấu hiệu sụt cân hoặc tăng cảm giác thèm ăn.
  • Các triệu chứng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, co cứng bụng.
  • Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim hoặc tăng nhịp tim.
  • Mất ngủ, sợ nóng, rung giật hoặc rối loạn kinh nguyệt (ở nữ giới).

Khi xuất hiện các dấu hiệu trên, người bệnh cần giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc Levosum tạm thời. Đối với tình trạng quá liều cấp cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và xử lý nhanh các triệu chứng. Việc điều trị quá liều Levosum chủ yếu tập trung vào mục tiêu chống lại tác dụng của thuốc lên hệ thần kinh ngoại vi và trung ương (nhất là những tác dụng có thể làm tăng hoạt động giao cảm), đồng thời làm giảm hấp thu hoạt chất levothyroxin ở đường tiêu hoá.

Trong trường hợp người bệnh dùng quá liều Levosum nhưng không xuất hiện các triệu chứng như mất phản xạ nôn, hôn mê hoặc co giật, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp rửa dạ dày hoặc gây nôn để làm giảm thiểu các triệu chứng quá liều. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể cho người bệnh thở oxy hoặc duy trì thông khí. Đôi khi, tình trạng quá liều Levosum cũng được xử lý bằng cách sử dụng Cholestyramin hoặc than hoạt tính nhằm làm giảm sự hấp thu levothyroxin.

Đối với những trường hợp quá liều Levosum có triệu chứng tăng hoạt động giao cảm, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng nhóm thuốc chẹn beta – adrenergic, chẳng hạn như tiêm tĩnh mạch propranolol từ 1 – 3mg trong vòng 10 phút, hoặc uống khoảng 80 – 160mg thuốc propranolol mỗi ngày. Ở những bệnh nhân có dấu hiệu suy tim sung huyết, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng glycosid trợ tim.

*Cách xử lý trường hợp quên uống một liều thuốc Levosum

Khi trót quên uống một liều thuốc Levosum, người bệnh hãy dùng ngay liều đó vào thời điểm nhớ ra càng sớm càng tốt. Nếu thời gian uống liều kế tiếp đã đến gần, bạn nên bỏ qua liều đã lỡ và tiếp tục uống thuốc theo đúng liệu trình. Bạn cần tránh uống cùng lúc 2 liều Levosum, vì điều này có thể dẫn đến tình trạng quá liều và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe.

4. Một số tác dụng phụ của thuốc Levosum

Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc Levosum mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình sử dụng, bao gồm:

  • Tác dụng phụ phổ biến: Bồn chồn, sốt, vã mồ hôi, đánh trống ngực, tăng cảm giác thèm ăn, sụt cân, co cứng bụng, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, sợ nóng hoặc rung giật.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Người bệnh có thể bị rụng tóc khi dùng Levosum.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Nổi mề đay, suy tim, dị ứng, loãng xương, u giả ở não trẻ em, tăng chuyển hoá, thúc đẩy liền sớm đường khớp sọ ở trẻ nhỏ.

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế nguy cơ để lại các di chứng nguy hiểm về sau.

5. Thuốc Levosum tương tác với các thuốc nào khác?

Trong một số trường hợp nhất định, thuốc Levosum có thể xảy ra phản ứng tương tác với các hoạt chất hoặc thuốc dưới đây:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Khi dùng chung với Levosum có thể làm tăng tác dụng cũng như độc tính của cả hai loại thuốc do cơ thể người bệnh bị tăng nhạy cảm với catecholamin.
  • Thuốc chữa đái tháo đường insulin: Có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao khi dùng kết hợp với Levosum. Do đó, người bệnh khi sử dụng thuốc cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết.
  • Thuốc corticoid và thuốc chống đông máu: Khi dùng chung với Levosum có thể gây thay đổi sự chuyển hoá của cả 2 loại thuốc này, do đó bác sĩ cần phải điều chỉnh các liều thuốc sao cho phù hợp với bệnh nhân.
  • Thuốc chẹn beta – adrenergic và thuốc glycosid trợ tim: Có thể làm giảm công hiệu của 2 loại thuốc này khi dùng chung với Levosum.
  • Thuốc amiodarone hoặc cytokine: Dùng với Levosum gây chứng suy giáp hoặc cường giáp.
  • Thuốc ức chế thần kinh giao cảm: Dẫn đến nguy cơ suy mạch vành ở bệnh nhân mắc chứng mạch vành khi dùng chung với thuốc Levosum.
  • Thuốc maprotiline hoặc ketamin: Dùng chung với Levosum có thể gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc theophylline: Gây suy giảm thanh thải của thuốc nếu phối hợp với Levosum.
  • Thuốc somatrem, somatropin hoặc natri iodid:Gây cốt hoá nhanh các đầu xương dài và làm giảm hấp thụ ion đánh dấu phóng xạ.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Levosum

6.1. Cẩn thận trọng gì khi dùng thuốc Levosum?

Trước và trong quá trình sử dụng thuốc Levosum, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Những người có tính chất công việc cần sự tập trung cao độ như vận hành máy móc hoặc điều khiển phương tiện nên thận trọng khi dùng Levosum.
  • Thận trọng dùng Levosum cho người bị tăng huyết áp hoặc mắc các bệnh về tim mạch.
  • Thận trọng dùng Levosum cho người bị đái tháo nhạt, tiểu đường hoặc mắc bệnh suy tuyến thượng thận
  • Thời gian điều trị bệnh với thuốc Levosum có thể kéo dài đến suốt đời.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai cần thận trọng khi dùng Levosum do chưa có bất kỳ cảnh báo nào về tác động của thuốc lên thai nhi. Mặt khác, lượng hormone tuyến giáp trong thai kỳ có thể tăng cao, bởi vậy chị em nên kiểm tra định kỳ nồng độ TSH huyết thanh để bác sĩ có thông tin điều chỉnh liều thuốc Levosum cho phù hợp.
  • Đối với phụ nữ đang nuôi con bú cũng cần thận trọng khi uống Levosum. Theo nghiên cứu, hormone levothyroxin có thể bài tiết một lượng nhỏ qua tuyến sữa, mặc dù chúng không có khả năng gây hại cho trẻ nhỏ và không làm hình thành khối u cho người mẹ, tuy nhiên bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro mà thuốc Levosum mang lại trong giai đoạn này.

6.2. Hướng dẫn bảo quản thuốc Levosum đúng cách

Thuốc Levosum cần được bảo quản nguyên vỉ trong hộp kín, để ở nhiệt độ phòng (dưới 30 độ C). Thuốc cần được đặt ở vị trí khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời và những nơi có nền nhiệt độ cao.

Ngoài ra, bạn tuyệt đối không cất thuốc tại các nơi ẩm thấp như phòng tắm hoặc tủ lạnh, vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc. Trong trường hợp thuốc có dấu hiệu ướt, mốc hoặc thay đổi hình dạng, bạn cần bỏ thuốc và tránh sử dụng tiếp.

Thuốc Levosum được chỉ định sử dụng chủ yếu để điều trị dự phòng tái phát sau khi phẫu thuật bướu giáp đơn thuần. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan