Lưu ý khi dùng thuốc Domperidone

Thuốc Domperidone thường được sử dụng trong điều trị các triệu chứng về rối loạn đường tiêu hóa. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Domperidone.

1. Thuốc Domperidone là thuốc gì?

Thuốc Domperidone có thành phần chính là Domperidone, thuốc có tác dụng trong việc điều trị hiệu quả triệu chứng buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp làm tăng cường các cơn co thắt dạ dày và ruột; giảm các triệu chứng khó tiêu như ợ hơi, đầy hơi, đầy bụng và đau vùng bụng trên; giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và viêm thực quản. Không nên lạm dụng sử dụng thuốc Domperidone, đặc biệt đối với trẻ em bởi có thể dẫn đến ngộ độc và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Các dạng bào chế của Domperidone:

  • Viên nén: Domperidone Stada 10mg
  • Hỗn dịch uống: Domperidone 30mg hoặc 30ml;
  • Thuốc đạn: Domperidone 30mg;
  • Ống tiêm: Domperidone 10mg hoặc 2ml;
  • Cốm sủi: Domperidone 10mg/ gói.

Chỉ định:

  • Domperidone được chỉ định điều trị ngắn hạn các triệu chứng buồn nôn và nôn nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau như sau khi dùng hóa trị liệu điều trị ung thư, nguyên nhân do levodopa hoặc bromocriptin trong điều trị bệnh Parkinson. Thuốc ít khi được chỉ định sử dụng với tác dụng chống nôn kéo dài hoặc phòng ngừa nôn hậu phẫu;
  • Điều trị các triệu chứng chứng khó tiêu không liên quan đến loét
  • Điều trị triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản;
  • Giúp thúc đẩy nhu động dạ dày trong chứng liệt ruột nhẹ ở bệnh nhân tiểu đường, sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột.

Chống chỉ định:

Domperidone sẽ không được chỉ định trong một số trường hợp như:

  • Bệnh nhân quá mẫn với domperidone
  • Bệnh nhân mắc rối loạn dẫn truyền tim hoặc bệnh tim
  • Bệnh nhân mắc suy gan vừa và nặng
  • Bệnh nhân đang dùng phối hợp với thuốc kéo dài khoảng cách QT, hoặc với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 (như cimetidin, ketoconazol, erythromycin);
  • Bệnh nhân đang dùng phối hợp với các chất chống nôn ức chế thụ thể nenrokinin-1 ở não
  • Bệnh nhân đang bị chảy máu đường tiêu hóa hoặc thủng đường tiêu hóa
  • Bệnh nhân mắc chứng tắc ruột cơ học;
  • Bệnh nhân mắc u tuyến yên tiết prolactin (prolactinome)
  • Phụ nữ đang mang thai.

2. Liều dùng và cách dùng của Domperidone

2.1 Liều dùng đối với từng nhóm đối tượng

Liều dùng đối với người lớn:

Tiến hành uống 10 - 20 mg/lần, chia 3 - 4 lần/ngày nhưng tối đa 80 mg/ngày. Hoặc có thể đặt thuốc vào trực tràng với 30 - 60 mg/lần, 2 lần/ngày.

Liều dùng đối với trẻ em:

Với trẻ em cân nặng trên 35kg thì dùng liều như người lớn.

Điều trị nôn và buồn nôn:

  • Cho trẻ có cân nặng đến 35kg dùng đường uống: Uống khoảng 250 - 500 microgram/kg cân nặng/lần, chia 3 - 4 lần/ngày, tối đa 2,4 mg/kg/ngày;
  • Cho trẻ có cân nặng từ 15 - 35 kg dùng đường đặt trực tràng: Dùng 30 mg/lần, chia 2 lần/ngày (hoặc mỗi ngày cho trẻ đặt vào trực tràng 4 mg/kg, chia làm nhiều lần). Lưu ý không dùng đường đặt trực tràng cho trẻ có cân nặng dưới 15 kg.

Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa:

  • Với nhóm trẻ sơ sinh: Uống 100 - 300 microgam/kg/lần, chia 4 - 6 lần/ngày.
  • Với nhóm trẻ từ 1 tháng - 12 tuổi: Uống 200 - 400 microgam/kg/lần (tối đa 20 mg/lần), chia 3 - 4 lần/ngày;
  • Với nhóm trẻ từ 12 - 18 tuổi: Uống 10 - 20 mg/lần, chia 3 - 4 lần/ngày.

2.2 Liều dùng đối với đối tượng khác

Bệnh nhân mắc suy gan: Domperidone không được chỉ định sử dụng điều trị ở người suy gan vừa hoặc nặng, không cần điều chỉnh liều ở người suy gan nhẹ.

Bệnh nhân mắc suy thận: Ở bệnh nhân suy thận nặng, thời gian bán thải của domperidone sẽ bị kéo dài, khi dùng lặp lại thì tần suất dùng thuốc dạng bào chế viên nén domperidone nên giảm xuống một hoặc hai lần mỗi ngày tùy theo mức độ suy thận và có thể cần giảm liều. Những bệnh nhân điều trị kéo dài cần tham vấn với bác sĩ về liều dùng thường xuyên.

Cách dùng thuốc:

  • Thuốc Domperidone được dùng chủ yếu theo đường uống, rất hiếm khi dùng đường tiêm. Bệnh nhân được khuyên dùng thuốc trước bữa ăn khoảng 15 - 30 phút;
  • Đường tiêm: Khuyến cáo không sử dụng thuốc qua đường tiêm cho bệnh nhân vì hiện nay nhiều nước đã cấm không tiêm tĩnh mạch domperidone.
  • Sử dụng Domperidone nên dùng với liều thấp nhất và có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất, thường thời gian điều trị không quá một tuần.

2.3 Tác dụng phụ của thuốc

  • Tác dụng phụ ít gặp

Ở bệnh nhân là nữ giới có thể thấy hiện tượng núm vú chảy sữa hoặc sưng vú ở bệnh nhân là nam giới, cảm thấy đau vú, miệng bị khô, bị đau đầu, da phát ban, nóng bừng, bị ngứa da, mắt có hiện tượng ngứa đỏ và sưng đau, kinh nguyệt không đều ở nữ giới.

  • Tác dụng phụ hiếm gặp

Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân bị tăng hoặc giảm nhu cầu tiểu tiện, bí tiểu, tiểu rát hoặc thấy đau khi đi tiểu; cảm giác thèm ăn bị thay đổi, khát nước, đại tiện khó khăn, bị tiêu chảy, ợ nóng, dạ dày co thắt; gặp khó khăn về ngôn ngữ; cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ, dễ cáu gắt, tinh thần uể oải, dễ rơi vào trạng thái lo lắng; mệt mỏi, yếu cơ, hoạt động chậm chạp, bị chuột rút ở chân; đánh trống ngực.

Những tác dụng phụ này sẽ mất đi khi cơ thể dần quen và đáp ứng với thuốc. Trường hợp các phản ứng phụ kéo dài hoặc gây ra những khó chịu cho người bệnh thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Domperidone

Người mắc bệnh Parkinson được chỉ định kê đơn dùng domperidone không quá 12 tuần. Trong quá trình sử dụng thuốc có thể xuất hiện các tác dụng có hại ở thần kinh trung ương. Nếu các biện pháp chống nôn khác dùng cho người bệnh Parkinson không có tác dụng, lúc này mới dùng domperidone.

Người mắc rối loạn điện giải rõ rệt (hạ kali huyết, hạ magnesi huyết) cần thật thận trọng khi dùng. Cần giảm khoảng 30 - 50% liều ở người bệnh suy thận và chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày.

Domperidone rất hiếm được dùng theo đường tiêm. Trường hợp cần dùng domperidone theo đường tiêm tĩnh mạch thì hết sức thận trọng, đặc biệt trên bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp tim hoặc hạ kali huyết.

Tiêm tĩnh mạch domperidone có thể dẫn đến co giật, rối loạn vận động cấp, làm loạn nhịp tâm thất, thậm chí ngừng tim và tử vong. Trên thế giới nhiều nước đã cấm sử dụng domperidone đường tiêm.

Trên đây là những thông tin về thuốc Domperidone. Việc nắm rõ cách sử dụng, liều dùng sẽ giúp quá trình điều trị bệnh được hiệu quả và tối ưu cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan