Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mũi có chứa Xylometazoline

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Quang Ánh Nguyệt - Dược sĩ phụ trách nhà thuốc -
Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Trong giai đoạn giao mùa, với sự thay đổi về thời điểm những bệnh lý về tai- mũi- họng không ngừng gia tăng. Trong đó, triệu chứng nghẹt mũi là triệu chứng thường mắc phải ở nhiều người. Nhiều người lựa chọn thuốc nhỏ mũi có chứa Xylometazoline là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trị nghẹt mũi cần cẩn trọng.

1. Tác dụng của thuốc có chứa Xylometazoline

Xylometazoline hydrochloride là chất kích thích thần kinh giao cảm có tác động trực tiếp. Thuốc có chứa Xylometazoline có tác dụng co mạch bằng cách làm giảm sưng và tắc nghẽn khi tác động lên màng nhầy.

Thuốc có chứa Xylometazoline là dạng thuốc nhỏ mũi được dùng để điều trị triệu chứng nghẹt mũi do dị ứng, kích ứng xoang, hoặc cảm lạnh thông thường.

Xylometazoline hydrochloride
Xylometazoline hydrochloride

2. Liều dùng của thuốc xylometazoline hydrochloride

2.1. Đối với người lớn

2.1.1. Đối với người lớn bị nghẹt mũi:

  • Dạng thuốc: Thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi
  • Người lớn: Dung dịch 0,1%: nhỏ 2-3 giọt hoặc xịt 1 nhát vào mỗi bên mũi từ 2-3 lần/ngày.
  • Liều tối đa : 7 ngày.

2.1.2. Đối với người lớn bị nghẽn kết mạc:

Dạng thuốc: Thuốc nhỏ mắt (ít dùng)

Người lớn: dung dịch 0,05-0,1%: nhỏ vào mắt bị bệnh.

2.2. Đối với trẻ em

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị nghẹt mũi

  • Dạng thuốc: Thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi
  • Trẻ em: dung dịch 0,05%: 3 tháng tuổi – 12 tuổi: nhỏ 1-2 giọt hoặc xịt 1 nhát vào mỗi bên mũi 1-2 lần/ngày.
  • Liều tối đa : 7 ngày.
  • Cách sử dụng bình xịt khí dung: Đặt bình khí dung ở vị trí thẳng đứng, nắp ở phía trên. Lắc nhẹ lọ thuốc vài lần. Cho ống tra mũi vào mũi đồng thời bấm bình khí dung nhanh, mạnh vào nút bấm ở phía trên; rút ống tra mũi ra trước khi thả tay bấm. Hít nhẹ qua mũi trong lúc bơm thuốc sẽ tạo điều kiện để thuốc được phân tán tối ưu. Ðậy nút bảo vệ lại sau mỗi lần dùng thuốc.
Thuốc nhỏ mũi co mạch
Sử dụng thuốc nhỏ mũi đối với trẻ em cần thận trọng liều lượng

3. Tác dụng không mong muốn của xylometazoline hydrochloride

Một số tác dụng không mong muốn sau khi dùng xylometazoline hydrochloride bao gồm:

  • Đau đầu;
  • Tình trạng mất ngủ;
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh, loạn nhịp tim;
  • Tăng huyết áp;
  • Tình trạng căng thẳng;
  • Nôn, buồn nôn;
  • Chóng mặt;
  • Đau nhức hoặc nóng rát nơi nhỏ thuốc, hắt hơi, khô miệng và cổ họng, buồn nôn – khi sử dụng thuốc nhỏ mũi;
  • Khô mắt – đối với dùng thuốc nhỏ mắt.
Trẻ đau đầu
Đau đầu sau khi sử dụng thuốc có chứa xylometazoline hydrochloride

4. Thận trọng khi sử dụng xylometazoline hydrochloride

  • Thuốc có chứa Xylometazoline có tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch cần hết sức thận trọng đối với đối tượng đang bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hoặc với phụ nữ đang có thai và cho con bú, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng.
  • Bên cạnh đó, thuốc có chứa Xylometazoline có tác dụng chống sung huyết nếu sử dụng trong thời gian lâu dài có thể gây ra hiện tượng “bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó tình trạng nghẹt mũi trở lại, từ đó làm bệnh viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Vì vậy, có khuyến cáo người lớn bình thường không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết trong thời gian quá 7 ngày.
  • Thuốc có chứa Xylometazoline là loại thuốc co mạch tại chỗ. Khi tiếp xúc với niêm mạc mũi thuốc sẽ lập tức gây phản ứng co mạch, làm mũi thông thoáng nhưng sau đó lại có hiện tượng dồn máu trở lại, làm tắc mũi, đòi hỏi phải nhỏ tiếp. Hơn nữa, niêm mạc mũi sau nhiều lần nhỏ thuốc nhỏ mũi sẽ bị phù nề, kém nhạy cảm với thuốc nên phải nhỏ nhiều lần hơn, gây ra vòng luẩn quẩn khiến tình trạng bệnh của bạn ngày càng phải tăng liều và trở nên phụ thuộc vào thuốc.
Otrivin
Thuốc nhỏ mũi otrivin có chứa xylometazoline hydrochloride

Thuốc chỉ chữa triệu chứng chứ không chữa nguyên nhân gây bệnh. Trong chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ dùng thuốc này để điều trị triệu chứng trong các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi họng, ngạt mũi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan