Lưu ý khi dùng thuốc Nitrofurantoin

Nitrofurantoin là thuốc có chứa dẫn chất nitrofuran, được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu và chỉ dùng trong thời gian từ 5 - 7 ngày. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin cần lưu ý khi sử dụng thuốc Nitrofurantoin.

1. Nitrofurantoin là thuốc gì?

Hoạt chất chính có trong thuốc là Nitrofurantoin, được sử dụng để kháng khuẩn đường tiết niệu. Thuốc được bào chế dưới các dạng như sau:

  • Viên nén: Nitrofurantoin 50mg, Nitrofurantoin 100mg;
  • Viên nang: Nitrofurantoin 25mg, Nitrofurantoin 50mg hoặc thuốc Nitrofurantoin 100mg;
  • Hỗn dịch: Nitrofurantoin 25mg/ml.

Chỉ định sử dụng Nitrofurantoin:

  • Đây là thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị viêm bàng quang gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm gặp ở nữ giới (lớn hơn 6 tuổi). Những bệnh nhân này không thể dùng các loại kháng sinh khác.
  • Thuốc Nitrofurantoin đường uống có thể sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp ở bệnh nhân có tiền sử viêm bàng quang.

Chống chỉ định sử dụng Nitrofurantoin:

  • Các trường hợp quá mẫn với Nitrofurantoin;
  • Người mắc suy thận nặng hoặc vô niệu hoặc thiểu niệu hoặc suy giảm chức năng hoạt động của thận;
  • Người đang thiếu hụt glucose 6 phosphate dehydrogenase;
  • Người bị loạn chuyển hóa porphyrin;
  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi;
  • Phụ nữ mang thai ở tuần 38 - 42 tuần, mới sinh con;
  • Thuốc không được sử dụng điều trị bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu ở nam giới.

2. Liều dùng và cách dùng Nitrofurantoin thuốc

Đối với người lớn:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp không biến chứng sẽ dùng Nitrofurantoin 100mg, mỗi lần dùng cách nhau 12 giờ hoặc 6 giờ với Nitrofurantoin 50mg.
  • Trường hợp điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu nặng tái phát sẽ dùng Nitrofurantoin 100mg, mỗi lần cách nhau 6 giờ trong 7 ngày.
  • Đối với người dùng để dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát sẽ dùng Nitrofurantoin 50 - 100mg/ lần/ ngày trước khi đi ngủ;

Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp không biến chứng sẽ dùng Nitrofurantoin 3mg/ kg/ ngày chia làm 4 lần. Nếu dùng để dự phòng tái phát thì sẽ uống Nitrofurantoin 1mg/ kg trước khi đi ngủ;

Đối với bệnh nhân mắc suy thận:

  • Độ thanh thải creatinine > 60 mL/phút thì được chỉ định dùng như liều của người bình thường;
  • Nếu độ thanh thải creatinine < 60 mL/phút, có thẩm tách máu hoặc thẩm phân màng bụng thì tuyệt đối không được sử dụng Nitrofurantoin.

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Nitrofurantoin

Trong quá trình sử dụng thuốc Nitrofurantoin, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ do thuốc gây ra như:

  • Bị sốt; cảm giác đau cơ; miệng khô;
  • Cảm thấy đau đầu hoặc chóng mặt;
  • Bạch cầu đa nhân tăng, bạch cầu ưa axit tăng;
  • Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy);
  • Trên da xuất hiện ban hoặc mày đay hoặc ngứa;
  • Có những triệu chứng giống với triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc vàng da, ứ mật
  • Transaminase tăng;
  • X-Quang phổi cho thấy dải xơ tăng, bị thâm nhiễm phổi, tràn dịch màng phổi, bệnh nhân thấy khó thở, ran ẩm, hen;
  • Mắc chứng dây thần kinh ngoại vi.

Một số tác dụng phụ khác được ghi nhận khi bệnh nhân dùng thuốc Nitrofurantoin nhưng ít gặp bao gồm:

  • Đi đại tiện phân đen; tiểu có máu;
  • Cảm giác bỏng rát, tê, đau họng;
  • Bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại;
  • Có chảy máu hoặc bầm tím bất thường trên cơ thể;
  • Cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược.

Các tác dụng phụ hiếm gặp được ghi nhận:

  • Bạch cầu đa nhân giảm, tiểu cầu giảm, thiếu máu hoặc tan máu đối với người bị thiếu hụt glucose 6 phosphate dehydrogenase di truyền, áp lực nội sọ tăng,
  • Viêm tuyến mang tai;
  • Mắc xơ phổi, tóc rụng, nhãn cầu rung giật, lupus ban đỏ hệ thống.

4. Một số thông tin cần lưu ý khi sử dụng Nitrofurantoin

Lưu ý chung khi sử dụng Nitrofurantoin:

  • Trường hợp phải điều trị Nitrofurantoin cần theo dõi chức năng của phổi, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường ở phổi cần ngừng sử dụng thuốc ngay;
  • Với những người có tiền sử bệnh phổi, gan, thần kinh hoặc rối loạn dị ứng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc;
  • Những người dễ mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên là những bệnh nhân đang điều trị hen suyễn, tiểu đường, mất cân bằng điện giải, cơ thể thiếu vitamin nhóm B. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh lý thần kinh ngoại biên tiến triển thì cũng cần ngừng dùng thuốc ngay.
  • Theo dõi chặt chẽ và ngưng thuốc ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh viêm gan;
  • Đối với bệnh nhân dùng Nitrofurantoin điều trị dài ngày cần theo dõi thêm chức năng thận. Nếu độ thanh thải creatinine nhỏ hơn 60 mL/phút thì ngưng dùng thuốc ngay;
  • Bệnh nhân nghi ngờ thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) nếu có dấu hiệu của bệnh tan huyết cũng ngừng dùng Nitrofurantoin;
  • Trong thời gian điều trị với Nitrofurantoin, một số bệnh nhân bị tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc do Clostridioides difficile. Nếu ở mức độ trung bình thì cần bổ sung dịch, chất điện giải và protein. Nếu ở mức độ nặng cần sử dụng thêm kháng sinh (Metronidazole hoặc Vancomycin);
  • Với người cao tuổi, để tránh tai biến cấp đường hô hấp do nguy cơ ngộ độc cao cần đặc biệt thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ liều lượng thích hợp khi sử dụng Nitrofurantoin.

Lưu ý khi sử dụng Nitrofurantoin với phụ nữ đang mang thai:

  • Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn tiết niệu thì thuốc Nitrofurantoin là loại thuốc thích hợp nhất để điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuyệt đối không sử dụng Nitrofurantoin với người bước vào thai kỳ từ 38 - 42 tuần.

Lưu ý khi sử dụng Nitrofurantoin với người đang nuôi con bằng sữa mẹ:

  • Người đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng Nitrofurantoin để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Không dùng cho phụ nữ đang cho con bú nhưng trẻ đang bị thiếu G6PD.

Lưu ý khi sử dụng Nitrofurantoin với người hành nghề lái xe hoặc vận hành máy móc:

  • Tác dụng phụ của Nitrofurantoin là có gây buồn ngủ. Vì vậy tuyệt đối không lái xe hoặc vận hành máy móc trong quá trình sử dụng thuốc.

Xử trí khi dùng quá liều hoặc quên liều Nitrofurantoin:

  • Người sử dụng Nitrofurantoin quá liều sẽ có triệu chứng buồn nôn và nôn. Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi uống Nitrofurantoin quá liều, người bệnh sẽ được truyền dịch đủ lượng nhằm tăng cường bài tiết thuốc qua nước tiểu hoặc thẩm tách máu.
  • Trong trường hợp người bệnh quên uống thuốc, khi phát hiện cần uống bổ sung càng sớm càng tốt. Nếu thời gian phát hiện quên liều gần với thời gian uống liều kế tiếp thì không uống liều đã quên mà chỉ cần uống liều kế tiếp để tránh uống gấp đôi liều được chỉ định trong một lần uống.

Nitrofurantoin là thuốc kê đơn do vậy trước khi sử dụng hãy chắc chắn rằng bạn đã được tư vấn từ bác sĩ. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Nitrofurantoin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan