Những điều cần biết về thuốc sát trùng, sát khuẩn bôi da

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Thắng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Thuốc sát trùng ngoài da là các chất hóa học được thiết kế để bôi lên vùng da nguyên vẹn cho tới miệng của các vùng da tổn thương nhằm mục đích ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

1. Vết thương như thế nào cần sát trùng?

Thuốc sát trùng ngoài da thường được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đối với các vết thương nhỏ và chỉ nên dùng sau khi vết thương đã được rửa sạch.

Với các vết thương mà da còn nguyên vẹn (ví dụ chỉ bị sưng lên tại chỗ), sau khi rửa sạch, có thể chỉ cần sử dụng các thuốc bôi chứa thuốc gây tê để làm giảm đau tại chỗ, không cần dùng đến các thuốc sát trùng.

Một số vết thương hoặc vết bỏng nặng hơn lại cần đến khám bác sĩ, không nên tự điều trị tại nhà, ví dụ như:

  • Vết thương:
    • Vết thương không cầm được máu sau 5 phút dù đã ép trực tiếp
    • Vết thương do động vật hoặc người cắn
    • Vết thương vừa mới bị và sâu
    • Vết thương lâu khỏi, không có dấu hiệu lành hoặc vết thương do vật nhọn đâm sâu vào
    • Vết thương cần khâu lại
    • Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng (có mùi hôi hoặc mủ)
    • Vết thương ở những người sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch), mắc bệnh đái tháo đường
    • Bất kỳ các trường hợp nào mà bạn thấy bất thường khác
  • Vết bỏng:
    • Ảnh hưởng từ 2% diện tích da cơ thể trở lên
    • Vết bỏng ở vùng mắt, tai, mặt, bàn tay, bàn chân, đáy chậu
    • Vết bỏng ở người mắc đái tháo đường hoặc mắc nhiều bệnh lý, người cao tuổi, sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch)
    • Vết bỏng do điện hoặc do hít phải
    • Vết bỏng do hóa chất
Bỏng độ 3
Hình ảnh người bệnh gặp tình trạng vết thương tại da do bỏng độ 3

2. Một số thuốc sát trùng ngoài da và lưu ý khi sử dụng

Một thuốc sát trùng lý tưởng là thuốc sát trùng có thể tiêu diệt được tất cả các vi khuẩn nhưng không làm tổn thương mô. Tuy nhiên, ngay cả ở nồng độ điều trị thì các thuốc sát trùng cũng có thể gây hại cho mô.

Ví dụ, các chế phẩm chứa cồn có thể gây mất nước của vùng tổn thương, gây ra đau và tổn thương tế bào. Chính vì vậy, các thuốc sát trùng chỉ nên được sử dụng để sát trùng những vùng da còn nguyên vẹn xung quanh vết thương sau khi đã làm sạch vết thương, không nên nhỏ vào bên trong lòng vết thương.

Một số thuốc sát trùng thường hay được sử dụng:

Oxy già 3% là thuốc sát trùng ngoài da được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến. Khi oxy già tiếp xúc với vùng da, nó sẽ gây giải phóng oxy mới sinh, gây sủi bọt và làm sạch vết thương một cách cơ học. Do đó, oxy già phù hợp với những nơi mà có thể thoát được khí, không nên sử dụng ở những vùng áp xe, cũng như không nên băng bó trước khi hết sạch khí. Nhược điểm của oxy già là tác dụng sát khuẩn của oxy già yếu và tương đối ngắn (do chỉ duy trì trong thời gian oxy mới sinh được giải phóng ra).

Khi sử dụng oxy già, chú ý không lắc lọ thuốc. Khi mở cần giữ lọ thuốc xa mặt để tránh bắn lên mặt. Rửa sạch vùng da trước khi cho oxy già vào. Có thể băng bó vết thương sau khi dung dịch đã khô hết. Nồng độ >3% có thể gây kích ứng và cần phải pha loãng trước khi dùng. Không được bôi vào những vùng kín hoặc nhỏ vào những khoang kín của cơ thể vì oxy giải phóng ra nhưng không thoát ra được, có thể gây những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch.

  • Cồn (ethanol)

Cồn (ethanol) có hiệu quả diệt khuẩn tốt ở nồng độ 20 – 70%. Cồn có hiệu quả tốt trong diệt trừ các loại vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn lao, một số loại nấm và virus có vỏ, tác dụng kém trên bào tử và những loại virus không có vỏ. Tác dụng diệt khuẩn của cồn liên quan đến phá hủy màng tế bào, làm biến tính protein của vi sinh vật.

Cần phải thận trọng khi sử dụng cồn ở vùng da nguyên vẹn xung quanh vị trí tổn thương bởi khi để cồn tiếp xúc với lòng vết thương nó sẽ gây kích ứng mô. Các chế phẩm chứa cồn có thể sử dụng 1 – 3 lần/ngày và vết thương có thể băng lại sau khi vùng rửa đã khô.

  • Các chế phẩm chứa iod

Có 2 dạng chính của chế phẩm chứa iod: dung dịch iod và povidon iod. Các chế phẩm chứa iod cũng có thể được sử dụng để sát trùng vết thương. Iod có tác dụng diệt vi khuẩn (bao gồm cả gram dương và gram âm), nấm, virus và các loài động vật nguyên sinh với cơ chế tấn công vào các protein, nucleotid, các acid béo quan trọng, gây chết tế bào.

Khi dùng các chế phẩm chứa iod ngoài da để rửa vết thương iod có thể được hấp thụ toàn thân. Mức độ hấp thu iod phụ thuộc vào nồng độ sử dụng, tần suất sử dụng cũng như vị trí sử dụng. Cần sử dụng thận trọng dung dịch iod, povidon ioid cho bệnh nhân bỏng, suy thận hoặc có bệnh lý về tuyến giáp.

Betadine (Povidone iodine)
Chế phẩm chứa iod (povidon ioid) thường được sử dụng sát khuẩn

Dung dịch iod: là hỗn hợp của iod và kali iodid. Trong một số chế phẩm, có thể có cồn (gọi là cồn iod). Chế phẩm dạng này thường gây xót, gây kích ứng da hơn so với povidon – iod. Nhìn chung, băng bó vết thương thường không được khuyến cáo sau khi sát trùng với dung dịch iod để tránh kích ứng mô. Dung dịch iod bám trên da có thể kích ứng mô, và có thể gây ra kích ứng dạng dị ứng ở một số người.

Povidon – iod: là phức hợp tan trong nước của iod với povidon. Povidon – iod giải phóng iod từ từ, tác dụng kém hơn so với dạng chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít kích ứng da và niêm mạc hơn.

Các chế phẩm chứa bạc:

Các chế phẩm chứa bạc, ví dụ bạc sulfadiazin cũng được dùng để sát trùng ngoài da. Cơ chế sát trùng được cho là liên quan đến tác động của ion bạc gắn với chuỗi xoắn ADN và ngăn cản việc sao chép và nhân lên.

Thuốc thường được bôi ngày 1 – 2 lần, tránh để thuốc dính vào mắt. Không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai gần ngày sinh, phụ nữ cho con bú hoặc ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi.

Chlorhexidin:

Các chế phẩm chứa chlorhexidin cũng được sử dụng khá rộng rãi để sát trùng ngoài da do tác dụng diệt khuẩn tốt, độc tính thấp, khả năng bám trên da và niêm mạc tốt. Chlorhexidin hoạt động thông qua phá hủy cả lớp màng trong và ngoài của vi khuẩn, gây ảnh hưởng đến điện thế màng - yếu tố quan trong trong việc tạo ATP, kết tủa các thành phần của tế bào. Tác dụng trên bào tử phụ thuộc vào nhiệt độ. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy chlorhexidin không hấp thu qua da và ít kích ứng, nhưng cần tránh để bắn vào mắt, tai hoặc màng não (tránh các vị trí chọc dịch não tủy).

Trong quá trình sử dụng các thuốc sát khuẩn ngoài da, bạn cần nhận biết các dấu hiệu khi vết thương bị nhiễm khuẩn, bởi các thuốc sát khuẩn bôi ngoài da không điều trị được các vết thương bị nhiễm khuẩn. Các dấu hiệu này bao gồm: sưng, nóng, đỏ, đau tại vết thương. Ngoài ra, vết thương có thể chảy dịch và bạn có thể có sốt. Khi có các dấu hiệu này, bạn cần tới khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan