Tác dụng của thuốc Elucirem

Elucirem là thuốc cản quang, được dùng trong chụp cộng hưởng từ (MRI) để khảo sát rõ hơn các tổn thương. Vậy công dụng, chỉ định và cách sử dụng thuốc như thế nào?

1. Elucirem là thuốc gì?

Elucirem có thành phần chính là Gadolinium, chất đối quang từ (chất tương phản từ) giúp bắt màu các mạch máu trên hình ảnh trong chụp Cộng hưởng từ (MRI). Thuốc đối quang từ giúp tăng độ tương phản của mô được khảo sát, từ đó làm tăng độ chính xác trong khảo sát hình ảnh đặc biệt trên khảo sát hình ảnh ở não và tủy sống.

Elucirem không phải là thuốc cản quang do thành phần không chứa Iod và cơ chế tác động của nó trực tiếp lên thành tế bào.

Thành phần Gadolinium trong thuốc không có hoạt tính và tác dụng sinh học. Nó tác động thông qua cơ chế làm nhiễu từ trường cục bộ của các proton, khi vào cơ thể các tác nhân thuận từ trong thuốc tạo ra từ trường gấp 700 lần so với từ trường của proton, làm quá trình giải phóng năng lượng (quá trình giãn proton) thay đổi. Hình ảnh MRI dựa trên mật độ proton và động lực giãn proton, vì vậy nó sẽ làm tăng cường tín hiệu (tăng độ sáng) trên hình ảnh.

Thuốc chỉ phân bố ở dịch ngoại bào, không gắn với protein huyết tương và không đi qua được hàng rào máu não. Thời gian bán thải kéo dài trong khoảng 90 phút và cuối cùng thải trừ hoàn toàn qua thận dưới dạng không thay đổi.

2. Chỉ định của thuốc Elucirem

Chất đối quang từ Elucirem được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Sử dụng trước khi chụp Cộng hưởng từ để phát hiện các bất thường mạch máu ở hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống, cột sống và các mô liên quan.
  • Phát hiện các tổn thương mạch máu trong chụp Cộng hưởng từ các cơ quan trong cơ thể như bụng, ngực,...

3. Chống chỉ định của thuốc Elucirem

Không sử dụng thuốc Elucirem cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Gadolinium hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân dưới 2 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Elucirem.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Elucirem

  • Trước khi sử dụng nên hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc và thử thuốc trên da nếu nghi ngờ, để phòng các phản ứng phản vệ có thể xảy ra. Đã ghi nhận các trường hợp dị ứng thuốc nặng nề dẫn đến tử vong. Quá trình dị ứng, phản vệ có thể diễn ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc trì hoãn lên tới 7 ngày sau dùng thuốc.
  • Thuốc phải được sử dụng bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm và thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu. Quan sát bệnh nhân liên tục đến sau 30 phút dùng thuốc.
  • Bệnh nhân hen suyễn cần cân nhắc lợi ích trước khi dùng thuốc do nguy cơ làm trầm trọng tình trạng bệnh hoặc xuất hiện cơn hen.
  • Đánh giá chức năng thận ở tất cả bệnh nhân khi dùng thuốc đối quang từ, bệnh nhân suy giảm chức năng thận độ lọc cầu thận < 30 ml/phút/ 1.73 m2 có nguy cơ xơ hóa hệ thống thận (NSF) do thuốc thải trừ chủ yếu qua thận. Hội chứng NSF có thể dẫn đến xơ hóa thận, gây tử vong hoặc ảnh hưởng đến chức năng của da, cơ và các cơ quan nội tạng khác.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận mạn tính, dùng Elucirem với liều cao có thể gây tổn thương thận cấp không hồi phục.
  • Tại vị trí tiêm thuốc có thể gây thoát mạch làm sưng phù, ngứa tại chỗ. Phản ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày.
  • Sử dụng Elucirem với liều cao có thể gây ra hiện tượng giữ Gadolinium trong một số cơ quan như não, da, thận, gan, lách,... Hậu quả của việc tích giữ gadolinium có thể gây ra một số tổn thương trên thận. Vì vậy, nên hạn chế việc sử dụng thuốc trong chụp Cộng hưởng từ lặp lại nhiều lần, khoảng cách các lần chụp quá gần nhau. Chưa đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc cho thai nhi, vì vậy chỉ sử dụng cho phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết.
  • Elucirem có thể bài tiết một lượng nhỏ qua sữa mẹ và không gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú có thể dùng thuốc trong quá trình chụp Cộng hưởng từ.

5. Liều dùng và cách dùng thuốc Elucirem

Elucirem được bào chế dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch với các nồng độ khác nhau tùy mục đích sử dụng, bao gồm:

Dạng đơn liều (ống thủy tinh):

  • 1,5 mmol/3 mL (0,5 mmol/mL)
  • 3,75 mmol/7,5 mL (0,5 mmol/mL)
  • 5 mmol/10 mL (0,5 mmol/mL)
  • 7,5 mmol/15 mL (0,5 mmol/mL)

Dạng ống tiêm đã nạp sẵn 01 liều:

  • 3,75 mmol/7,5 mL (0,5 mmol/mL)
  • 5 mmol/10 mL (0,5 mmol/mL)
  • 7,5 mmol/15 mL (0,5 mmol/mL)

Dạng ống liều lớn theo mục đích sử dụng:

  • 15 mmol/30 mL (0,5 mmol/mL)
  • 25 mmol/50 mL (0,5 mmol/mL)
  • 50 mmol/100 mL (0,5 mmol/mL)

Sử dụng thuốc bằng đường tiêm tĩnh mạch, không trộn lẫn hay tiêm đồng thời với các thuốc đường tiêm khác. Chụp hình ảnh tốt nhất là 45 phút sau khi tiêm.

Liều dùng:

  • Liều thông thường cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: 0,05 mmol/kg trọng lượng cơ thể (0,1 mL/kg). Tiêm tĩnh mạch với tốc độ 2 mL/giây.
  • Tùy từng vùng chụp trên cơ thể và tùy từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều Elucirem khác nhau. Có thể tham khảo liều dùng ở một số khớp như dưới đây:
Vị trí Lượng thuốc Elucirem tiêm
Vai 5 - 25 ml
Hông 5 - 25 ml
Khuỷu tay 4 - 10 ml
Gối 20 - 40 ml
Cổ tay 3 - 9 ml
Cổ chân 4 - 19 ml

  • Bệnh nhân suy thận mức độ nhẹ đến trung bình sử dụng liều không vượt quá 0,1 mmol/kg. Chỉ lặp lại liệu sau ít nhất 7 ngày.

6. Tác dụng phụ của thuốc Elucirem

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Elucirem:

  • Đau tại vị trí tiêm, có thể xuất hiện phản ứng ngứa, sưng, đỏ da vùng tiêm.
  • Đau đầu, chóng mặt, nôn ói, buồn nôn.
  • Đau nhẹ, khó chịu tại khớp được chụp.
  • Phản ứng dị ứng gây phát ban sẩn ở da, ngứa, nổi mày đay.
  • Sốt, dị cảm, rối loạn vị giác, miệng có vị kim loại.
  • Tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp (hiếm gặp).
  • Lo lắng, phù mi mắt, ngất, đánh trống ngực, tăng tiết nước bọt (hiếm gặp).

Tóm lại, Elucirem là chất đối quang từ, hầu như không có hoạt tính sinh học, được sử dụng để hỗ trợ hình ảnh trong chụp Cộng hưởng từ. Elucirem không có tác dụng dược lý nhưng vẫn gây ra một số phản ứng không mong muốn cho cơ thể, vì vậy cần sử dụng thuốc bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm tại cơ sở y tế được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu.

Nguồn tham khảo: rxlist.com, reference.medscape.com, drugs.com

72 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan