Tác dụng của thuốc Urofollitropin

Thuốc Urofollitropin được bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Đây là 1 loại hormone nhân tạo, giúp điều trị tình trạng vô sinh ở phụ nữ.

1. Công dụng của thuốc Urofollitropin

Urofollitropin là 1 loại hormone nhân tạo, được gọi là hormone kích thích nang trứng (FSH). FSH được sản xuất bởi tuyến yên trong cơ thể. Hormone này giúp phát triển trứng trong buồng trứng của phụ nữ.

Chỉ định sử dụng thuốc Urofollitropin: Điều trị vô sinh ở phụ nữ trong các trường hợp sau:

  • Hiện tượng không phóng noãn: Không rụng trứng (gồm cả bệnh buồng trứng đa nang) ở những phụ nữ không đáp ứng với thuốc clomiphene citrate;
  • Quá kích buồng trứng có kiểm soát nhằm kích thích sự phát triển của nhiều nang trứng, sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (như thụ tinh trong ống nghiệm/chuyển phôi, chuyển giao tử trong ống dẫn trứng và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Urofollitropin:

  • Phụ nữ có khối u tuyến yên hoặc tuyến dưới đồi;
  • Phụ nữ bị ung thư tử cung, ung thư biểu mô buồng trứng hoặc ung thư tuyến vú;
  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú;
  • Phụ nữ bị xuất huyết phụ khoa không rõ nguyên nhân;
  • Người quá mẫn với hoạt chất hoặc tá dược trong thuốc.

Trong những trường hợp sau, việc điều trị thường không hiệu quả nên không dùng thuốc Urofollitropin ở:

  • Người bị suy buồng trứng nguyên phát;
  • Bệnh nhân u nang buồng trứng, buồng trứng to không phải do bệnh buồng trứng đa nang;
  • Người bị dị dạng cơ quan sinh dục nên không thể mang thai;
  • Người có các khối u xơ tử cung không thể mang thai.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Urofollitropin

2.1 Cách dùng

Thuốc Urofollitropin được tiêm dưới da với sự thực hiện của nhân viên y tế. Bột tiêm sẽ được hoàn nguyên ngay trước khi sử dụng cùng dung môi đi kèm. Để tránh việc tiêm với thể tích lớn, chỉ sử dụng tối đa 6 lọ bột hòa tan trong dung môi được cung cấp. Để tránh bị đau và giảm nguy cơ rò rỉ tại vị trí tiêm, thuốc Urofollitropin nên được tiêm từ từ. Đồng thời, cần thay đổi vị trí tiêm để tránh gặp phải hiện tượng loạn dưỡng mỡ.

2.2 Liều dùng

Liều dùng của thuốc Urofollitropin được chỉ định tùy từng bệnh nhân cụ thể. Liều dùng tham khảo như sau:

Không phóng noãn (gồm cả bệnh buồng trứng đa nang):

  • Nên bắt đầu dùng thuốc trong vòng 7 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt;
  • Liều khởi đầu khuyến cáo là 75 - 150IU/ngày, nên duy trì tối thiểu 7 ngày, tốt nhất là cách nhau 14 ngày để đạt đáp ứng phù hợp. Liều tiếp theo nên điều chỉnh tùy theo đáp ứng lâm sàng (gồm siêu âm buồng trứng, có thể kết hợp đo nồng độ oestradiol). Tần suất điều chỉnh liều không vượt quá mỗi 7 ngày;
  • Mức tăng liều thuốc Urofollitropin khuyến cáo là 37,5IU/lần, không vượt quá 75IU. Liều tối đa hằng ngày không được vượt quá 225IU;
  • Nếu người bệnh không đáp ứng đầy đủ sau 4 tuần điều trị thì chu kỳ đó nên được ngưng. Người bệnh sẽ bắt đầu điều trị với liều ban đầu cao hơn;
  • Khi đạt được đáp ứng tối ưu, nên tiêm 1 mũi 5.000 - 10.000IU hCG trong vòng 1 ngày sau khi dùng liều Urofollitropin cuối cùng. Người bệnh được khuyên nên sinh hoạt vợ chồng vào ngày tiếp theo ngay sau ngày điều trị với hCG;
  • Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ tối thiểu 2 tuần sau khi sử dụng hCG;
  • Khi số lượng nang trứng đáp ứng quá cao hoặc nồng độ estradiol tăng quá nhanh, trên 2 lần/ngày trong 2 - 3 ngày liên tiếp thì nên giảm liều hằng ngày của Urofollitropin. Các nang trứng lớn trên 14mm có thể dẫn tới mang thai. Do đó, sự hiện diện của nhiều nang trứng trên 14mm trước thời kỳ rụng trứng có thể gây nguy cơ đa thai. Trong trường hợp này, hCG sẽ không được tiêm, nên tránh mang thai để giảm nguy cơ mang đa thai. Người bệnh nên sử dụng biện pháp tránh thai cơ học hoặc tránh quan hệ tình dục cho tới khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp.

Quá kích buồng trứng có kiểm soát nhằm kích thích sự phát triển của nhiều nang trứng, áp dụng cho công nghệ hỗ trợ sinh sản:

  • Liệu pháp sử dụng thuốc Urofollitropin nên bắt đầu khoảng 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chủ vận GnRH;
  • Liều khởi đầu là 150 - 225IU/ngày trong tối thiểu 5 - 7 ngày đầu điều trị. Liều dùng tiếp theo nên điều chỉnh tùy theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân (bao gồm siêu âm buồng trứng, có thể kết hợp đo nồng độ oestradiol);
  • Mức tăng liều dùng thuốc Urofollitropin không vượt quá 150IU. Liều tối đa hằng ngày không được vượt quá 450IU. Trong hầu hết các trường hợp, không nên dùng thuốc quá 12 ngày;
  • Một chế độ liều dùng thuốc Urofollitropin khác là 150 - 225IU/ngày, bắt đầu từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ. Việc điều trị sẽ được tiếp tục tới khi đạt nang trứng phát triển đầy đủ (được xác định qua việc theo dõi nồng độ estrogen hoặc siêu âm), điều chỉnh liều dựa trên đáp ứng của người bệnh (thường không quá 450IU/ngày). Trung bình nang trứng sẽ phát triển đầy đủ vào khoảng ngày thứ 10 của đợt điều trị (5 - 20 ngày);
  • Khi đạt được đáp ứng tối ưu, bệnh nhân được tiêm liều khoảng 5.000 - 10.000IU hCG trong 24 - 48 giờ sau lần tiêm Urofollitropin cuối cùng. Việc này giúp kích thích sự trưởng thành của nang trứng;
  • Sau đó 34 - 35 giờ, việc chọc dò nang trứng sẽ được thực hiện.

Quá liều: Hiện chưa rõ về ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc Urofollitropin quá liều. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp hội chứng quá kích buồng trứng. Hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu trong trường hợp này nên bệnh nhân cần ngừng thuốc ngay.

Quên liều: Nếu bỏ lỡ 1 liều dùng thuốc Urofollitropin, người bệnh không nên dùng gấp đôi ở liều tiếp theo. Bệnh nhân nên gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn kỹ về liều dùng phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Urofollitropin

Khi sử dụng thuốc Urofollitropin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

Thường gặp:

  • Đau đầu, căng bụng, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, táo bón, tiêu chảy;
  • Xuất huyết âm đạo, đau vùng chậu, hội chứng quá kích buồng trứng, tiết dịch âm đạo, căng tức vú, nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Viêm mũi họng, phát ban, nóng bừng, co thắt cơ bắp;
  • Đau, phản ứng ở chỗ tiêm (đỏ, sưng, ngứa, bầm tím).

Hiếm gặp:

  • Cường giáp, khó thở, tâm thần không ổn định, chóng mặt, chảy máu cam, ban đỏ, ngứa da, hôn mê;
  • Sưng đau vú, viêm bàng quang;
  • Mệt mỏi;
  • Có thai ngoài tử cung;
  • Kéo dài thời gian chảy máu.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Urofollitropin, người bệnh nên ngay lập tức báo cho bác sĩ để được tư vấn về biện pháp can thiệp, xử trí phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Urofollitropin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Urofollitropin:

  • Urofollitropin là 1 chất kích thích tuyến sinh dục mạnh, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ từ nhẹ tới nặng. Chỉ nên dùng thuốc này dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ;
  • Việc dùng thuốc Urofollitropin yêu cầu sự cam kết về thời gian điều trị, dưới sự hỗ trợ của bác sĩ và các phương tiện theo dõi thích hợp. Việc sử dụng thuốc sẽ an toàn và hiệu quả hơn khi theo dõi phản ứng của buồng trứng bằng phương pháp siêu âm hoặc kết hợp với đo nồng độ oestradiol thường xuyên. Nên dùng thuốc thấp nhất có hiệu quả đối với mục tiêu điều trị cụ thể;
  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Urofollitropin, cần đánh giá tình huống hiếm muộn của cặp vợ chồng 1 cách phù hợp, đánh giá các chống chỉ định đối với việc mang thai. Người bệnh cần được đánh giá về tình trạng thiếu hụt corticoid vỏ thượng thận, suy giáp, tăng prolactin máu, các khối u tuyến yên hay vùng dưới đồi,... để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp;
  • Những bệnh nhân đang trải qua quá trình kích thích sự phát triển của nang trứng có thể bị phì đại buồng trứng hoặc bị kích thích quá mức. Do đó, cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng thuốc Urofollitropin, theo dõi cẩn thận để giảm tỷ lệ gặp những biến cố này. Với những phụ nữ có tiền sử bệnh ống dẫn trứng sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn;
  • Đã có trường hợp xuất hiện khối u buồng trứng và ở hệ thống sinh sản khác ở những phụ nữ đã trải qua các phác đồ điều trị vô sinh bằng thuốc. Hiện chưa rõ Urofollitropin có làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u ở những phụ nữ bị vô sinh hay không;
  • Tỷ lệ dị tật bẩm sinh của việc điều trị bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể cao hơn một chút so với thụ thai tự nhiên. Điểm này là do sự khác biệt của tuổi mẹ, đặc điểm tinh trùng, đa thai,...;
  • Có thể xảy ra phản ứng phản vệ ở những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với gonadotropin. Ở nhóm bệnh nhân này, mũi tiêm thuốc Urofollitropin đầu tiên nên thực hiện ở các cơ sở y tế đã trang bị sẵn thiết bị hồi sức tim phổi;
  • Ở những bệnh nhân được điều trị kích thích rụng trứng, khả năng mang đa thai và sinh con cao hơn so với thụ thai tự nhiên. Đa số các trường hợp mang đa thai là song thai. Để hạn chế nguy cơ mang đa thai, nên theo dõi cẩn thận đáp ứng của buồng trứng;
  • Với những bệnh nhân có nguy cơ bị huyết khối, cần đánh giá lợi ích của việc điều trị so với nguy cơ để có lựa chọn phù hợp nhất;
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Urofollitropin ở phụ nữ mang thai và cho con bú.

Thuốc Urofollitropin có tác dụng hỗ trợ điều trị vô sinh ở phụ nữ. Khi dùng thuốc, người bệnh nên phối hợp với mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ điều trị. Đồng thời, bệnh nhân không được tự ý dùng thêm các loại thuốc hay thảo dược khác khi chưa được bác sĩ cho phép. Việc này giúp gia tăng tỷ lệ thụ thai thành công và hạn chế được những biến chứng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

182 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan