Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium difficile

Clostridium Difficile là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy ở mọi đối tượng. Tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium Difficile nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như mất nước, viêm ruột kết màng giả...

1. Đặc điểm của vi khuẩn Clostridium Difficile

Clostridium Difficile là gì?”. Clostridium Difficile (C. difficile) là vi khuẩn kỵ khí – trực khuẩn gram dương. Loại vi khuẩn này sinh sản bằng cách hình thành bào tử tạo ra độc tố - nguyên nhân gây tiêu chảy do kháng sinh nhiều nhất. Clostridium Difficile thường được tìm thấy trong nước, đất, không khí và phân động vật nhiều nhất.

Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu là phân – miệng. Viêm đại tràng, tiêu chảy và các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng C. difficile là độc tố A (độc tố ruột) và độc tố B (độc tố bào) gây nên. Một số chủng vi khuẩn C. difficile gây bệnh tạo ra một độc tố khác được gọi là độc tố nhị phân chưa có cơ chế làm sáng tỏ rõ ràng.

Sử dụng kháng sinh là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tiêu chảy do Clostridium Difficile, cụ thể là kháng sinh nhóm Cephalosporin, Penicillin, Clindamycin và Fluoroquinolon.

Các yếu tố nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile:

  • Tuổi: Tỷ lệ nhiễm bệnh ở người bệnh từ 65 tuổi trở lên cao gấp 10 lần so với người bệnh trẻ tuổi;
  • Thuốc: Phần lớn các thuốc kháng sinh đều có thể gây nhiễm Clostridium, trong đó tỷ lệ cao nhất ở các loại kháng sinh như Cephalosporin, Clindamycin, Penicillin, chất ức chế Beta – lactamase, Quinolone;
  • Thời gian điều trị bằng kháng sinh: Tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến Clostridium difficile ít hơn ở người bệnh điều trị bằng kháng sinh dưới 4 ngày so với người bệnh có thời gian điều trị lâu hơn;
  • Thuốc làm giảm tiết acid dịch vị: Thuốc đối kháng thụ thể H2 làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lên 53%, liệu pháp ức chế bơm proton làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lên 74%. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile tăng lên khi điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị, xạ trị sử dụng các thuốc Carboplatin, Cyclophosphamide, Cisplatin, Methotrexate, Doxorubicin, Topotecan, Vinorelbine;
  • Chăm sóc y tế: Nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên ở người nằm viện trên 7 ngày, nhập viện trong vòng hai tháng trở lại hoặc ở chung phòng bệnh với người bệnh nhiễm Clostridium Difficile.

2. Triệu chứng nhiễm Clostridium Difficile

  • Tiêu chảy với tần suất lớn hơn 10 lần/ngày. Đi ngoài phân lỏng trong ngày là một trong những triệu chứng của nhiễm Clostridium Difficile;
  • Đau quặn bụng;
  • Sốt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Chán ăn, sụt cân;
  • Mất nước;
  • Tim đập nhanh.

Người bệnh nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng sau:

  • Mất nước do tiêu chảy nghiêm trọng. Mất nước gây ảnh hưởng đến chức năng thận, huyết áp và tổng trạng chung của cơ thể;
  • Nhiễm trùng do Clostridium Difficile có thể dẫn đến phình đại tràng, thủng ruột mặc dù nguy cơ xảy ra biến chứng này hiếm khi xảy ra. Trường hợp phình đại tràng do nhiễm độc, đại tràng không thể đào thải phân hoặc hơi sẽ làm cho đại tràng bị phình to hơn và vỡ. Nếu không được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến tử vong;

3. Chẩn đoán nhiễm Clostridium Difficile

Chẩn đoán lâm sàng:

  • Tiêu chảy;
  • Đau quặn bụng;
  • Sốt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Chuột rút.

Chẩn đoán cận lâm sàng: Xét nghiệm mẫu phân:

  • Xét nghiệm miễn dịch enzyme cho độc tố A/B;
  • Xét nghiệm miễn dịch enzyme cho kháng nguyên GDH;
  • Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic.

4. Điều trị nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile

Điều trị nhiễm Clostridium Difficile lần đầu:

  • Nhiễm bệnh thể nhẹ (số lượng bạch cầu < 15.000 tế bào và mức Creatin huyết thanh < 1,5mg/dL): Điều trị bằng Vancomycin 125mg uống 4 lần/ngày hoặc Fidaxomicin 200mg uống 2 lần/ngày trong thời gian 10 ngày, hoặc Metronidazol 500mg uống 3 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Nhiễm bệnh thể nặng (số lượng bạch cầu từ 15.000 tế bào/mL, ức creatinin huyết thanh > 1,5mg/dL: Điều trị bằng Vancomycin 125mg uống 4 lần/ngày hoặc Fidaxomicin 200mg uống 2 lần/ngày trong thời gian 10 ngày;
  • Người nhiễm bệnh đợt cấp kèm sốc, hạ huyết áp, tắc hồi tràng hoặc phình đại tràng: Điều trị bằng Vancomycin 500mg uống 4 lần/ngày. Trường hợp người bệnh có tắc ruột có thể sử dụng Vancomycin thụt tháo đường trực tràng (500mg Vancomycin pha trong 100ml nước muối sinh lý). Xem xét phối hợp thêm Metronidazol 500mg tiêm tĩnh mạch (3 lần/ngày) nếu người bệnh không đáp ứng. Trường hợp người bệnh bị viêm đại tràng nặng dẫn đến các biến chứng như thủng ruột, phình đại tràng nhiễm độc, viêm đại tràng hoại tử có thể cần can thiệp ngoại khoa như cắt đoạn dưới trực tràng.

Điều trị nhiễm Clostridium Difficile tái phát lần đầu:

  • Trường hợp đã điều trị bằng Metronidazol trước đó: Dùng Vancomycin đường uống 4 lần/ngày trong thời gian 10 ngày;
  • Trường hợp đã điều trị bằng Vancomycin trước đó: Dùng Vancomycin với liều giảm dần từ từ theo quy trình: Liều Vancomycin 125mg uống 4 lần/ngày trong 10 – 14 ngày sau đó. Liều Vancomycin 125mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày sau đó. Liều Vancomycin 125mg uống 1 lần/ngày trong 7 ngày và cuối cùng là liều Vancomycin 125mg uống mỗi 2 – 3 này trong 2 – 8 tuần. Hoặc có thể xem xét điều trị bằng Fidaxomicin 200mg uống 2 lần/ngày trong 10 ngày.

Điều trị nhiễm Clostridium Difficile tái phát nhiều lần:

  • Điều trị bằng Vancomycin với chế độ liều giảm dần như đã trình bày ở trên;
  • Hoặc điều trị bằng Vancomycin 125mg uống 4 lần/ngày trong 10 ngày, tiếp đến là Rifaximin 400mg uống 3 lần/ngày trong 20 ngày;
  • Hoặc điều trị bằng Fidaxomicin 200mg uống 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Hoặc điều trị bằng cấy ghép phân;
  • Hoặc điều trị bằng kháng sinh phối hợp với Bezlotoxumab.

Các phương pháp điều trị khác:

  • Cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân: Đây là phương thức truyền vi sinh vật trong phân từ người khỏe mạnh, từ đó giúp khôi phục chức năng và hệ vi vật đường tiêu hóa. Phương pháp này được áp dụng ở người bệnh bị nhiễm Clostridium Difficile tái phát nhiều lần nhưng thất bại với điều trị bằng kháng sinh;
  • Bezlotoxumab: Kháng thể đơn dòng nhắm tới độc tố B của Clostridium Difficile giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh. Vì Bezlotoxumab không phải là kháng sinh nên chỉ được sử dụng kết hợp với kháng sinh thích hợp để điều trị nhiễm Clostridium Difficile. Liều khuyến cáo là 10mg/kg truyền tĩnh mạch trong 60 phút.

5. Dự phòng nhiễm Clostridium Difficle

Người bệnh phải điều trị ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế lâu dài có thể bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile bằng nhiều cách như sau:

  • Yêu cầu nhân viên y tế, người chăm sóc rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc;
  • Yêu cầu các thiết bị y tế trong điều trị phải được khử trùng trước khi sử dụng;
  • Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.

Nhiễm vi khuẩn Clostridium có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Hi vọng những thông tin từ bài viết sẽ giúp người bệnh hiểu thêm được về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn Clostridium.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

114 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan