Bị co thắt thực quản, phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiêu hóa - Gan mật tụy.

Co thắt thực quản là một bệnh lý rối loạn nhu động thực quản hiếm gặp. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau ngực không liên quan đến tim mạch, khó nuốt, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng,... Việc thăm khám và điều trị sớm có vai trò quan trọng, các phương pháp điều trị làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản, giúp cải thiện các triệu chứng và tình trạng bệnh.

1. Co thắt thực quản là gì?

Thực quản ở đoạn đầu của ống tiêu hóa, là một ống rỗng chạy dài từ cổ rộng đến dạ dày. Thực quản có cấu tạo bởi hệ thống cơ dọc- cơ vòng thực quản hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại biên, nồng độ hormone,... Các rối loạn thực quản thường gặp nhất là co thắt thực quản, co thắt tâm vịtrào ngược thực quản.

Co thắt thực quản là tình trạng rối loạn nhu động của thực quản gây khó nuốt và các vấn đề khác. Đây là một bệnh hiếm gặp xảy ra khi các tế bào thần kinh trong thực quản bị thoái hóa, dẫn đến rối loạn chức năng các cơ thực quản và bất hoạt khả năng đóng cơ vòng thực quản dưới.

Co thắt thực quản có thể xảy ra ở cả nam và nữ, tập trung ở độ tuổi trung niên, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/100.000 người mỗi năm. Co thắt thực quản dễ bị chẩn đoán sai thành các rối loạn nhu động thực quản khác như trào ngược thực quản. Phát hiện bệnh sớm có vai trò quan trọng vì co thắt thực quản có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản.

Co thắt thực quản
Co thắt thực quản là một bệnh lý rối loạn nhu động thực quản hiếm gặp

Khi thực quản co thắt có thể ngăn chặn thức ăn và nước uống đi qua thực quản, người bệnh có thể cảm thấy như đau ngực đột ngột trong một vài phút. Cơn đau ngực được mô tả như có vật đè nặng lên xương ức, lan tỏa xuống cánh tay hoặc lan ra vùng sau xương bả vai. Đau ngực thường xảy ra khi nuốt thức ăn, làm việc quá sức hoặc thay đổi một số tư thế nhất định. Ở phần lớn các bệnh nhân, các cơn co thắt xảy ra không thường xuyên. Tuy nhiên vẫn có một số ít người, co thắt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng, dẫn đến các vấn đề nuốt và đau đớn kinh niên.

2. Triệu chứng của co thắt thực quản

Các triệu chứng của co thắt thực quản bao gồm:

  • Đau ép ngực không liên quan đến tim mạch
  • Khó nuốt
  • Nghẹn
  • Trào ngược dịch vị hoặc ợ nóng
  • Trào ngược các chất trong dạ dày
  • Cảm giác như thức ăn bị kẹt trong ngực và như có cục u trong cổ họng
  • Sụt cân, suy dinh dưỡng

Co thắt thực quản có hai dạng, đó là co thắt thực quản lan tỏa và co thắt thực quản cục bộ. Trong co thắt thực quản lan tỏa, bệnh nhân bị các cơn co thắt liên tục trong cơ thực quản, thường nôn ra thức ăn và chất lỏng. Đối với co thắt thực quản cục bộ, người bệnh có các cơn co thắt cục bộ gây đau mạnh trong thực quản. Co thắt cục bộ ít có khả năng gây nôn hơn.

3. Bị co thắt thực quản, phải làm sao?

3.1 Các phương pháp chẩn đoán

Nếu có các dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khác. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa và triệu chứng lâm sàng và kết quả của số xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp X- quang thực quản: bệnh nhân sẽ được uống bari, chất lỏng chứa bari sẽ bao phủ tạm thời niêm mạc thực quản để có thể nhìn thấy được trên hình ảnh phim X-quang.
  • Đo áp lực thực quản: một ống mỏng được thông qua mũi hoặc miệng vào thực quản để đánh giá hiệu quả của các cơ thực quản trong quá trình nuốt. Áp lực thực quản được đo từng inch một, kết quả ghi lại phản ảnh chính xác tình trạng hoạt động của cơ thực quản ở từng vùng.
  • Nội soi thực quản: ống nội soi được đưa qua miệng, xuống cổ họng vào thực quản để quan sát hình ảnh bên trong thực quản. Nội soi thực quản được sử dụng để loại trừ một số bệnh như u thực quản xâm lấn, xơ hóa thực quản, viêm thực quản,...
Quy trình nội soi thực quản dạ dày
Nội soi thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

3.2 Phương pháp điều trị

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị nào có khả năng làm phục hồi chức năng cơ thực quản. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích giảm áp lực lên cơ vòng thực quản. Phẫu thuật cắt cơ hoặc giãn nở cơ thực quản được xem là những phương pháp mang lại hiệu quả nhất. Phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc tiêm botox có thể được lựa chọn nếu bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật hoặc không chọn phẫu thuật.

  • Phẫu thuật cắt cơ là một thủ thuật xâm lấn, các sợi cơ của cơ vòng thực quản dưới được phân tách ra. Phẫu thuật cắt cơ thường được thực hiện cùng phẫu thuật bao đáy vị để ngăn ngừa sự tiến triển của trào ngược thực quản.
  • Giãn nở cơ thực quản bằng khí nén: áp suất không khí được sử dụng để phá vỡ các sợi cơ vòng thực quản dưới. Biến chứng của phương pháp là nguy cơ gây đục thủng thực quản sau thủ thuật, do đó cần phải chụp thực quản bệnh nhân với barium sau thực hiện để đảm bảo thực quản không bị thủng. Phương pháp giãn nở cơ thực quản nếu được thực hiện đúng sẽ cho hiệu quả cao trong điều trị, kết quả kéo dài được trong nhiều năm.
  • Tiêm Botox: các mũi tiêm vào thực quản được thực hiện bằng nội soi. Ưu điểm của phương pháp là ít phản ứng phụ, nguy cơ biến chứng thấp, bệnh nhân hồi phục nhanh. Tuy nhiên, các triệu chứng thường tái phát và bệnh nhân phải tiêm lại nhiều lần.
  • Điều trị bằng thuốc: tuy điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả cao. Nhưng đối với những người không thể phẫu thuật và điều trị botox không có hiệu quả, có thể sử dụng một số thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn trong đó có cơ vòng thực quản như thuốc chẹn kênh canxi, nhóm thuốc nitrate,... Một số thuốc khác như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm,... có thể được sử dụng tùy theo từng trường hợp bệnh.
  • Phẫu thuật cắt bỏ thực quản hoặc một phần thực quản, là phương pháp thực hiện sau cùng trong những trường hợp nặng, khi những phương pháp điều trị khác thất bại.

Để cải thiện tình trạng nuốt nghẹn, bệnh nhân nên tránh sự căng thẳng trong bữa ăn. Nên ăn các thức ăn lỏng, mềm, chia thành miếng nhỏ để quá trình nuốt được dễ dàng hơn. Do co thắt thực quản gây tăng nguy cơ phát triển ung thư, nên bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi bệnh ngay cả khi phương pháp điều trị có kết quả.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan