Các cách đẩy sỏi mật ra ngoài

Mục lục

Cách đẩy sỏi mật ra ngoài thường dựa theo các kiến thức y học hiện đại hoặc những phương pháp dân gian. Tuy nhiên, dù điều trị bằng phương pháp gì, bệnh nhân cũng cần phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn về phương thức điều trị bệnh phù hợp với tình trạng của mình và tránh xa các phương thức chữa trị sỏi túi mật và sỏi đường mật không khoa học.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Sỏi mật là gì?

Sỏi mật là sự hình thành các viên sỏi dưới dạng bùn hoặc dạng viên trong hệ thống đường mật, bao gồm túi mật, các ống mật ở trong và ngoài gan. Các loại sỏi mật phổ biến có thể được liệt kê như sau:

  • Sỏi cholesterol: Loại sỏi này không cản quang, có màu vàng sẫm, hình bầu dục hoặc tròn.
  • Sỏi sắc tố mật: Cản quang kém, kích thước nhỏ, cứng, màu xanh, nâu hoặc đen óng ánh. Sỏi sắc tố mật có thành phần gồm sắc tố mật và calcium.
  • Sỏi hỗn hợp: Loại sỏi này có tính cản quang, thường gồm nhiều viên trong hệ thống dẫn mật. Thành phần chủ yếu của loại sỏi túi mật này là 94% cholesterol, 3% sắc tố mật và 2% calcium.
  • Sỏi carbonate calcium: Loại này có tính cản quang và chứa calcium, có thể kết hợp hoặc không kết hợp với bilirubin calcique.

Sỏi túi mật thường gặp nhất là sỏi cholesterol, trong khi sỏi đường mật chủ yếu gây ra bởi sắc tố mật.

2. Cách đẩy sỏi mật ra ngoài theo y học hiện đại

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để đẩy hoặc lấy sỏi mật ra ngoài nhờ y học hiện đại. Quá trình điều trị sỏi túi mật sẽ được diễn ra khi xuất hiện các viên sỏi to, gây ra nhiều sự khó chịu cho bản thân hoặc xuất hiện tình trạng viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật cấp tính do sỏi mật.

Các cách đẩy sỏi mật ra ngoài bao gồm:

  • Mổ: Có hai phương pháp mổ bao gồm mổ mở và mổ nội soi. Phẫu thuật thường chỉ được chỉ định khi các cách đẩy sỏi mật ra ngoài ít xâm lấn không đạt hiệu quả. Ngoài ra, phẫu thuật chỉ được áp dụng khi đường mật ngoài gan đã giãn trên 1cm hoặc sỏi kẹt ở những vị trí khó. Sỏi túi mật thông thường là sỏi cholesterol, trong khi sỏi ống dẫn mật thường là sỏi bilirubin.
  • Tán sỏi: Đây là phương pháp sử dụng sóng xung kích siêu âm đưa vào các vị trí có sỏi mật để làm vỡ các viên sỏi. Khi các viên sỏi mật đủ nhỏ sẽ có thể tự đi qua đường mật và vào ruột non một cách an toàn. Tuy nhiên, cách này không quá phổ biến và chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân có ít sỏi túi mật.
  • Nội soi mở ống mật: Cách này sẽ được áp dụng cho các trường hợp có sỏi ống mật chủ to, đường mật giãn nhiều hoặc sau khi nội soi mật tuỵ ngược dòng không hiệu quả.
  • Nội soi mật tuỵ ngược dòng: Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật lấy sỏi ngược dòng từ ống mật chủ của người bệnh xuống ruột. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân cũng được đặt stent mật ruột để đảm bảo quá trình lưu thông tốt sau khi phẫu thuật hoàn tất.

Nhìn chung, điểm hạn chế của các phương pháp này là tỷ lệ tái phát cao và dễ gặp tác dụng phụ trong và sau khi thực hiện. Đối với người bệnh chưa có biểu hiện tắc nghẽn đường mật cấp tính, chưa viêm hay nhiễm trùng đường mật, việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền kết hợp điều trị sỏi mật cũng đã được chứng minh là có tác dụng.

Trong một số trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể tiến hành điều trị nội khoa. Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc có chứa axit ursodeoxycholic. Chất này sẽ giúp hoà tan sỏi từ từ và hạn chế tình trạng gia tăng sỏi túi mật trong cơ thể, đặc biệt là sỏi cholesterol. Tuy nhiên, thời gian sử dụng của loại thuốc này là tương đối dài và có tác dụng chủ yếu trong việc dự phòng và điều trị sỏi tăng lên.

3. Đẩy sỏi túi mật ra ngoài bằng bài thuốc dân gian có hiệu quả không?

Hiện nay, cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng phương pháp dân gian như sử dụng dầu ô liu, nước ép trái cây, quả sung, rau ngổ, nước dừa, râu ngô, muối và nước chanh đang được lan truyền rộng rãi. Nhiều người khi phát hiện sỏi mật đã thử áp dụng những biện pháp này với hy vọng có thể loại bỏ sỏi tại nhà mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.  

Nhiều người bệnh đã tìm cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng các bài thuốc dân gian khác nhau, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh sự hiệu quả của các cách này.
Nhiều người bệnh đã tìm cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng các bài thuốc dân gian khác nhau, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh sự hiệu quả của các cách này.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả của các phương pháp dân gian này trong việc điều trị sỏi túi mật. Theo các chuyên gia, việc uống dầu dừa hoặc dầu ô liu để đẩy sỏi gan và sỏi túi mật hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Chưa có nghiên cứu nào phân tích rõ ràng về hiệu quả của các mẹo dân gian này.  

Một số bệnh nhân chia sẻ rằng sau khi sử dụng những phương pháp trên, họ thấy các khối rắn được thải ra qua đường phân và cho rằng đó là sỏi mật. Tuy nhiên, khi phân tích thành phần, các nhà nghiên cứu xác nhận những khối rắn này chỉ là hỗn hợp của dầu, axit và một số tạp chất khác. Trong khi đó, sỏi mật thường chứa cholesterol, bilirubin hoặc canxi bilirubinat.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc điều trị sỏi mật, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa y học hiện đại hoặc các phòng khám y học cổ truyền để nhận được lời khuyên hữu ích. Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc phương pháp dân gian nào, cần có bằng chứng khoa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

4. Cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng bài thuốc dân gian

Có hai bài thuốc có tác dụng điều trị sỏi túi mật, sỏi mật mà bệnh nhân có thể tham khảo bao gồm:

4.1 Bài thuốc Đởm Đạo Bài Thạch Thang

Bài thuốc này bao gồm những thành phần như sau:

  • 12g Nhân Trần.
  • 12g Uất Kim.
  • 40g Kim Tiền Thảo.
  • 12g Chỉ Xác.
  • 12g Đại Hoàng.
  • 12g Mộc Hương.

Người bệnh có thể sắc hỗn hợp này từ mực nước xâm xấp bề mặt xuống còn khoảng 300ml. Sau đó, chia thuốc thành 2 phần và dùng trong 2 buổi sáng chiều. Bài thuốc này cũng có thể được bào chế thành dạng viên. Nếu dùng dạng viên hoàn, bệnh nhân có thể uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 3g.

Các tác giả Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Tường và Đỗ Trung Đàm của Viện Dược liệu đã thử nghiệm bài thuốc này trên những viên sỏi mật được cung cấp bởi Bệnh viện Việt Đức. Kết quả cho thấy nước sắc của bài thuốc này có tác dụng làm mòn sỏi rõ rệt. Từ đó, các viên sỏi có thể trở nên nhỏ hơn và dễ dàng đẩy ra ngoài.

4.2 Bài thuốc Nhân Kim Thang

Các dược liệu của bài thuốc này bao gồm:

  • 20g Kim Tiền Thảo.
  • 3g Đại Hoàng.
  • 12g Hoàng Cầm.
  • 20g Nhân Trần.
  • 12g Uất Kim.
  • 12g Chỉ Xác.
  • 8g Cam Thảo
  • 3g Mộc Hương.

Bài thuốc này được bác sĩ Vũ Khánh Vân của Viện Y học cổ truyền quân đội nghiên cứu và có các tác dụng như sau:

  • Hỗ trợ giảm triệu chứng của sỏi túi mật như đau hạ sườn phải, trướng bụng, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn và buồn nôn.
  • Hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng viêm đường mật, viêm túi mật, ngăn ngừa sỏi mật tái phát.
  • Giúp bào mòn và làm mềm sỏi túi mật: Khi sỏi mật đủ nhỏ sẽ có thể tự đi qua đường mật và vào ruột non rất an toàn.

Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho người bệnh về cách đẩy sỏi mật ra ngoài dựa trên các bằng chứng khoa học và một số bài thuốc uy tín. Nếu có triệu chứng của sỏi mật, bệnh nhân vẫn nên đi khám chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho mình. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ