Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh co thắt tâm vị (Achalasia) là một bênh lý hiếm gặp của thực quản có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản. Đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại, còn đoạn trên bị giãn to ra.

1. Bệnh co thắt tâm vị là gì?

Co thắt tâm vị là một rối loạn thần kinh vận động của thực quản đặc trưng bởi giảm nhu động thực quản và giảm khả năng giãn của cơ thắt thực quản dưới trong quá trình nuốt.

Bệnh gặp cả ở nam giới và nữ giới với tỉ lệ giống nhau. Tuy nhiên, bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 25-60. Tỉ lệ mắc bệnh 1.6/100.000 dân mỗi năm tại Mỹ.

Co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị gây khó khăn cho thức ăn, nước uống di chuyển từ thực quản xuống dưới dạ dày.

2. Nguyên nhân gây bệnh co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị là do thoái hóa tiến triển của các tế bào hạch trong đám rối thần kinh thực quản ở thành thực quản, dẫn đến không thể giãn cơ thắt thực quản dưới, kèm theo mất nhu động ở đoạn xa.

Bệnh nguyên của thoái hóa tế bào hạch thần kinh vẫn còn chưa rõ ràng, có thể do nhiễm ký sinh trùng đơn bào hoặc do nguyên nhân tự miễn, một số loại khối u cũng có thể gây co thắt tâm vị do chèn ép trực tiếp hoặc do hội chứng cận ung thư.

3. Triệu chứng và chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị

3.1 Lâm sàng

  • Nuốt khó cả thức ăn đặc và lỏng.
  • Nôn có thể xuất hiện ngay sau ăn. Sau thời gian bị bệnh lâu làm thực quản giãn nôn thường xuất hiện muộn sau khi ăn.
  • Trào ngược: Có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc nhiều giờ sau khi ăn.
  • Đau ngực: Đau sau xương ức, thường đau khi nuốt.
  • Gầy sút nhiều vì người bệnh không ăn được.
Khó nuốt
Khó nuốt là triệu chứng thường gặp của tình trạng bệnh co thắt tâm vị

3.2 Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang là phương pháp có giá trị chẩn đoán trong trường hợp điển hình thực quản giãn có nhiều thức ăn và dịch, mất nhu động, vùng tâm vị hẹp nhỏ lại giống hình mỏ chim.
  • Nội soi thực quản – dạ dày: còn thức ăn trong thực quản, tăng bất thường sức cản khi đưa ống soi qua chỗ nối dạ dày, thực quản. Nội soi giúp loại trừ ung thư thực quản, dạ dày và tổn thương hẹp thực quản.
  • Đo áp lực thực quản: xác định chẩn đoán.

4. Các phương pháp điều trị bệnh co thắt tâm vị

4.1 Phương pháp điều trị nội khoa

  • Dùng thuốc điều trị co thắt tâm vị: Đối với trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc isosorbid nitrat 5-10mg ngậm dưới lưỡi trước khi ăn 10 – 15 phút, thuốc chẹn kênh calci có hiệu quả làm giãn cơ thắt dưới giúp làm giảm triệu chứng khó nuốt. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời ở giai đoạn đầu còn về sau không có tác dụng. Tránh sử dụng Nifedipin tác dụng ngắn vì nguy cơ tác dụng ngoại ý bao gồm hạ huyết áp nghiêm trọng và biến chứng thiếu máu.
  • Dùng bóng hơi để nong (pneumatic dilatation): Đây là phương pháp được tiến hành phổ biến trên thế giới. Các loại bóng hơi với đường kính khác nhau: 3; 3,5 và 4cm. Áp lực của bóng khi nong: 6-12 PSI, có thể nong từ 1-3 lần. Biện pháp này có thể gây biến chứng: chảy máu, thủng thực quản.
  • Tiêm độc tố botulinum vào cơ thắt dưới thực quản: phương pháp này có tác dụng tốt, tuy nhiên kết quả chỉ duy trì được khoảng 6 tháng.
Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh
Nhiều trường hợp, người bệnh co thắt tâm vị được chỉ định dùng thuốc

4.2 Phương pháp phẫu thuật cắt cơ

Phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản: Tiến trình này nhằm cắt đứt cơ vòng dưới thực quản để làm giảm áp lực cơ vòng dưới. Phẫu thuật này ngày nay chủ yếu được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi đường bụngnội soi qua đường miệng (POEM). Hầu hết bệnh nhân sau cắt cơ vòng dưới qua phẫu thuật nội soi có triệu chứng trào ngược. Quá trình chống trào ngược có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp như Dor, Toupet, Nissan... nhằm phục hồi lại lại hàng rào chống trào ngược và làm giảm triệu chứng sau mổ. Với cắt cơ vòng dưới thực quản phương pháp POEM, chỉ cắt cơ vòng, không có tiến trình chống trào ngược. Tỉ lệ thành công của phương pháp có thể >90%.

5. Phòng bệnh co thắt tâm vị

  • Nguyên nhân của bệnh không rõ ràng, không rõ những yếu tố nguy cơ để phòng tránh. Tuy nhiên, điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.
  • Khi có những triệu chứng cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan