Dấu hiệu thủng ổ loét dạ dày

Thủng dạ dày là một trong những bệnh lý cực kỳ nguy hiểm trong các bệnh cấp cứu ngoại khoa. Chỉ đứng sau viêm ruột thừa cấp, tắc ruột và viêm tụy cấp. Nếu phát hiện không kịp thời sẽ gây ra biến chứng và trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Dấu hiệu thủng ổ loét dạ dày

Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu sinh tồn không có thay đổi, khoảng 30% bệnh nhân bị sốc trong vài giờ đầu sau khi thủng dạ dày. Sốc thường thoáng qua trong vài phút đến nửa giờ, với các biểu hiện sau: da xanh xao, vã mồ hôi lạnh, hạ thân nhiệt, huyết áp giảm nhẹ, sau đó toàn thân trở lại bình thường.

Ở giai đoạn nặng khi bị thủng dạ dày triệu chứng sẽ như tắc ruột, đại tiện không được, chướng bụng do tình trạng viêm phúc mạc nặng có thể dẫn đến liệt ruột.

Dịch dạ dày (một chất dịch có tính axit) chảy vào ổ bụng, gây bỏng phúc mạc (sốc phúc mạc), trong khoảng 30% trường hợp sốc có kèm theo các triệu chứng đau đớn:vã mồ hôi, khó thở, tụt huyết áp. Đau không chịu nổi, bệnh nhân không thể ngừng thở nặng nhọc, phải cúi xuống mới đỡ đau. Đau do thủng dạ dày tá tràng là những cơn đau liên tục, không bao giờ cảm thấy dễ chịu.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thủng dạ dày tá tràng?

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thủng dạ dày, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan như:

  • Chấn thương từ bên ngoài như bị dao đâm
  • Tai biến do nội soi dạ dày
  • Bệnh nhân viêm loét dạ dày thuộc nhóm đối tượng: thường xuyên hút thuốc, sử dụng nhiều thuốc chống viêm, có tiền sử loét dạ dày, thuộc nhóm trên 50 tuổi, thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia, người bệnh thiếu máu,...
Một số trường hợp thủng dạ dày do bị dao đâm
Một số trường hợp thủng dạ dày do bị dao đâm

3. Cách điều trị bệnh thủng dạ dày tá tràng

Trong trường hợp người bệnh bị thủng dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày tá tràng. Mục đích chính chính là là sạch ổ bụng, khâu kín và làm liền vết thủng. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ thực hiện khâu vết thủng đơn thuần hoặc kèm theo các kỹ thuật tạo hình môn vị, nối vị tràng,... Có thể thực hiện khâu lỗ thủng dạ dày bằng cách mở bụng hoặc qua cách nội soi ổ bụng.

4. Những lưu ý quan trọng trong thời gian phẫu thuật

Trước khi làm phẫu thuật điều trị thủng dạ dày, để đảm bảo an toàn người bệnh phải tuyệt đối thực hiện những lưu ý sau:

  • Tất cả các xét nghiệm tiền phẫu đều phải được thực hiện. Có thể kể đến các xét nghiệm công thức máu toàn bộ, đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, X quang phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim,...
  • Nhịn ăn, uống nước hoàn toàn (kể cả nước lọc, sữa, cà phê, kẹo cao su) trước khi mổ. Khi chờ kết quả khám trước mổ để chuyển mổ cấp cứu cũng tuyệt đối không được ăn uống, tránh ngạt thở do biến chứng trào ngược thức ăn, ảnh hưởng đến tính mạng. Người bệnh phải thông báo cho y bác sĩ nếu bạn đã nhỡ ăn uống trong thời gian chờ phẫu thuật.
  • Các vật dụng cá nhân như răng giả, kính áp tròng, lông mi giả phải được tháo ra trước khi tiến hành phẫu thuật và giao cho người nhà cất giữ, hoặc tại phòng hành chính nếu không có người nhà.
  • Cần cắt và tẩy sơn móng tay móng chân, với nữ giới cần búi tóc gọn gàng, nam giới cần cạo râu sạch sẽ.
  • Tắm sạch toàn bộ cơ thể và không xóa các dấu vết đánh dấu vị trí vết mổ khi đang tắm.
  • Cần đi vệ sinh trước khi phẫu thuật.
  • Cần có sự chăm sóc của gia đình trong thời gian nằm viện.
  • Trong thời gian trước phẫu thuật và sau khi phẫu thuật, trong giai đoạn hồi phục nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc loại thực phẩm chức năng nào đều cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Sau khi làm phẫu thuật sẽ có những phản ứng phụ như:

  • Đau tức ở vị trí mổ mỗi khi căng cơ hoặc gồng cơ bụng.
  • Chướng bụng
  • Chóng mặt, buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc mê để lại
  • Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ phải đặt ống sonde để theo dõi. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và vướng víu nhưng để đảm bảo vết mổ luôn được an toàn thì người bệnh sẽ phải chịu khó trong ít nhất 48 giờ

Ngoài những phản ứng trên nếu người bệnh gặp bất kỳ biến chứng nào dưới đây đều cần lập tức thông báo cho y bác sĩ để giải quyết kịp thời:

  • Vết mổ đau nhức không thể chịu đựng được
  • Tại vị trí mổ chảy máu liên tục, máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng gạc
  • Nôn ra máu
  • Vết mổ bị sưng, đau kèm sốt
  • Chảy dịch bất thường hoặc chảy máu trong ống dẫn lưu vết mổ hoặc tại ống sonde
  • Sonde dạ dày bị tuột ra bên ngoài.

Bệnh nhân sau mổ thủng dạ dày cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận
Bệnh nhân sau mổ thủng dạ dày cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận

Chế độ ăn uống sau khi mổ cũng cần đặc biệt lưu ý

  • Khi người bệnh chưa có nhu cầu xì hơi thì chất dinh dưỡng sẽ được đưa qua đường tĩnh mạch. Người bệnh vẫn sẽ chưa được ăn trong giai đoạn này.
  • Sau khi người bệnh đã xì hơi, bác sĩ có thể sẽ cho phép ăn uống nhưng phải theo dõi cẩn thận. Có thể là bắt đầu với chút nước đường, chút sữa và dần dần sang cháo loãng. Thức ăn cần chia nhỏ ra thành nhiều khẩu phần và đảm bảo vệ sinh ăn chín uống sôi.

Thủng dạ dày là một trong những bệnh lý cực kỳ nguy hiểm trong các bệnh cấp cứu ngoại khoa. Nếu phát hiện không kịp thời sẽ gây ra biến chứng và trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu của bệnh lý dạ dày, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan