Hướng dẫn thụt tháo đúng cách cho trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Hải từng công tác tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng.Thế mạnh của bác là khám và điều trị nhi khoa tổng quát, khám và điều trị nhi sơ sinh, hồi sức nhi.

Thụt tháo hậu môn cho trẻ là thủ thuật được thực hiện bằng cách đưa một lượng dịch qua trực tràng vào đại tràng nhằm điều trị tình trạng táo bón hoặc hỗ trợ các phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh khác. Thực hiện thụt tháo đúng cách giúp giảm bớt đau đớn, khó chịu cho trẻ và hỗ trợ bác sĩ tốt hơn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

1. Mục đích khi thụt tháo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Làm mềm phân, hỗ trợ nhu động ruột;
  • Kích thích thành ruột nở rộng và tăng co bóp để đào thải phân ra ngoài;
  • Làm sạch đại tràng, trực tràng khi bị ứ phân cấp tính;
  • Chuẩn bị chu đáo cho các xét nghiệm chẩn đoán hoặc chuẩn bị trước khi thực hiện phẫu thuật.

2. Chỉ định và chống chỉ định thụt tháo

2.1 Chỉ định thực hiện

  • Bệnh nhân táo bón;
  • Người bệnh Hirschsprung (bệnh phì đại tràng bẩm sinh hay bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh;
  • Trước khi:
  • Nội soi tiêu hóa dưới;
  • Phẫu thuật ổ bụng: U nang đường mật hoặc u nang mạc treo;
  • Chụp X-quang: Khung đại tràng có cản quang, UIV, bàng quang ngược dòng;
  • Phẫu thuật:
  • Rò hậu môn;
  • Rò hậu môn hố tiền đình;
  • Thịt dư cạnh hậu môn;
  • Chỉnh hình hậu môn;
  • Bệnh Hirschsprung;
  • Đóng hậu môn tạm.

2.2 Chống chỉ định thực hiện

  • Đau bụng không rõ nguyên nhân;
  • Thương hàn;
  • Tắc ruột – viêm ruột nặng;
  • Chảy máu bất thường hoặc giảm tiểu cầu;
  • Gần đây có phẫu thuật trực tràng hoặc đại tràng.
Cách thụt tháo cho trẻ sơ sinh
Chỉ định và chống chỉ định thụt tháo như thế nào?

3. Các dung dịch sử dụng trong thụt tháo cho trẻ sơ sinh

  • Dung dịch nhược trương hoặc đẳng trương: Lượng dịch đưa vào lớn;
  • Dung dịch ưu trương: Lượng dịch đưa vào nhỏ;
  • Chất dầu: Cho mục đích bôi trơn phân đá và niêm mạc ruột để đào thải phân ra ngoài dễ dàng hơn;
  • Thụt rửa đại tràng: Đưa vào đại tràng với lượng dịch nhỏ, lặp lại vài lần để kích thích nhu động ruột, hỗ trợ tống phân ra ngoài.

4. Các tư thế thụt tháo cho trẻ sơ sinh

  • Tư thế 1: Đặt bệnh nhân nằm nghiêng trái, 2 đầu gối hướng lên ngực;
  • Tư thế 2: Để bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân giơ lên cao và để lộ hậu môn (tư thế tốt nhất cho trẻ sơ sinh);
  • Tư thế 3: Cho bệnh nhân nằm nghiêng trái, đùi phải cong khoảng 45o so với trục cơ thể, nằm sát mép giường;
  • Tư thế 4: Còn gọi là tư thế gối – ngực, tức là trẻ được giữ thăng bằng với đầu gối, cánh tay và đầu đặt lên một cái gối làm sao cho mông sẽ tạo một góc hướng lên so với giường, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thụt tháo.
Cách thụt tháo cho trẻ sơ sinh
Có các tư thế thụt tháo nào cho trẻ sơ sinh?

5. Chiều dài ống Sonde đưa vào hậu môn và lượng nước thụt tháo

5.1 Chiều dài ống Sonde đưa vào hậu môn

  • Trẻ nhũ nhi dưới 10kg: 2,5 – 3,75cm;
  • Trẻ nhỏ 10 – 30kg: 5cm;
  • Trẻ lớn 30 – 49,5kg: 7,5cm;
  • Thanh thiếu niên trên 49,5kg: 10cm.

5.2 Lượng nước thụt tháo

  • Trẻ sơ sinh non tháng: 5 – 20ml;
  • Trẻ dưới 1 tuổi: 50 – 100ml;
  • Trẻ dưới 2 tuổi: 100 – 150ml;
  • Trẻ từ 2 – 6 tuổi: 180ml;
  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi: 360ml;
  • Trẻ trên 12 tuổi: 480 ml.

6. Hướng dẫn cách thụt tháo cho trẻ sơ sinh

6.1 Chuẩn bị dụng cụ cần thiết

  • Mâm dụng cụ gồm: dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, nhiệt độ 37,8oC; bock; dây nối cao su 1,5m – 2m có khóa; ống thông hậu môn kích thước tùy theo độ tuổi của trẻ;
  • Chất bôi trơn tan trong nước: K-Y;
  • Bồn hạt đậu;
  • Gạc, vải láng, giấy vệ sinh, tạp dề;
  • Găng sạch;
  • Trụ treo;
  • Thùng đựng vật sắc nhọn, thùng đựng chất thải lây nhiễm và thùng đựng chất thải thông thường.

6.2 Quy trình thực hiện thụt tháo cho trẻ

  • Đối chiếu hồ sơ bệnh án để xác định người bệnh, giải thích cho bệnh nhi (tùy theo lứa tuổi) và người nhà. Với trẻ lớn, khuyến khích trẻ uống 1 – 2 ly nước trước khi thực hiện thụt tháo;
  • Mang khẩu trang, rửa tay, soạn dụng cụ, mang tạp dề;
  • Gắn dây nối, cột dây vào bock, khóa dây;
  • Kiểm tra nhiệt độ nước, đổ nước vào bock, treo bock lên trụ treo, cao hơn hậu môn của bệnh nhi khoảng 10cm;
  • Đặt bệnh nhi nằm ở tư thế thích hợp;
  • Trải vải láng dưới mông, che bệnh nhi, để lộ vùng hậu môn;
  • Đặt bồn hạt đậu ở nơi thuận tiện, rửa tay và mang găng tay;
  • Gắn ống thông vào dây nối, đuổi khí, thoa trơn ống thông;
  • Đưa ống thông vào hậu môn bằng cách: Vạch mông bệnh nhi ra, đưa ống vào hậu môn theo chiều hậu môn – rốn, chiều dài ống đưa vào theo lứa tuổi hoặc cân nặng của bệnh nhi đã được quy định;
  • Mở khóa cho nước chảy vào ống với áp lực thấp, một tay giữ ống. Lúc này, nhân viên y tế cần quan sát kỹ bệnh nhi để phát hiện kịp thời các triệu chứng lạ: nếu bé đau bụng thì tạm ngưng việc cho nước chảy vào; nếu bé đau bụng nhiều thì hạ bock xuống thấp hơn mặt giường để giảm áp lực nước vào, đồng thời khuyến khích trẻ thư giãn, hít vào sâu và thở ra nhanh;
  • Kiểm tra mực nước trong bock, khi nước gần hết thì khóa dây nối và rút ống thông ra khỏi hậu môn bệnh nhi;
  • Vệ sinh, lau khô cho bệnh nhi nghỉ ngơi;
  • Dọn dẹp dụng cụ, rửa tay, dặn dò người chăm sóc về việc cho trẻ nằm yên vị trí đó cho tới khi đau bụng nhiều (sau khoảng 2 – 5 phút rút ống ra), cho bé ngồi bô 15 – 30 phút để đào thải toàn bộ chất thải ra ngoài;
  • Ghi hồ sơ: Gồm dung dịch dùng để thụt tháo, lượng dịch vào và ra; tính chất, màu sắc và số lượng phân; phản ứng của trẻ như đau bụng bất thường, triệu chứng sốc hay các phản ứng bất thường.

7. Phản ứng bất thường của trẻ sau khi thụt tháo đại tràng và cách xử lý

  • Rối loạn điện giải: Có biểu hiện bứt rứt, khó chịu. Nguyên nhân của hiện tượng này là do dùng dung dịch thụt tháo không đúng nồng độ. Để xử trí, nhân viên y tế cần ngừng thực hiện thụt tháo, báo cho bác sĩ. Để phòng ngừa biến chứng rối loạn điện giải, cần dùng nước muối sinh lý đúng nồng độ 0,9%;
  • Hạ thân nhiệt: Trẻ có biểu hiện môi tái nhẹ, tay chân lạnh, run rẩy. Hiện tượng này xuất phát từ nguyên nhân dùng dung dịch thụt tháo không đúng nhiệt độ khi thực hiện thụt tháo. Cách xử trí là lau khô, giữ ấm cho trẻ, theo dõi nhiệt độ của trẻ và báo bác sĩ nếu chuyển biến xấu. Để phòng ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng, nhân viên y tế nên dùng nước muối thụt tháo đúng nhiệt độ ;
  • Tổn thương niêm mạc: Biểu hiện là nước chảy ra có máu tươi hoặc có màu hồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhân viên y tế dùng ống thông có kích thước không phù hợp, thao tác thụt tháo không nhẹ nhàng hoặc trẻ không hợp tác. Khi gặp vấn đề này, điều dưỡng viên nên ngưng thực hiện và báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý thích hợp. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ tổn thương niêm mạc chính là sử dụng ống thông có kích thước phù hợp, thao tác nhẹ nhàng và hướng dẫn người nhà trấn an trẻ để trẻ hợp tác trong quá trình thụt tháo;
  • Thủng ruột: Là biến chứng nghiêm trọng nhất khi thụt tháo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ có biểu hiện là đau bụng dữ dội, mạch đập nhanh, nhịp thở tăng, bụng trướng, quấy khóc, bứt rứt khó chịu. Nguyên nhân của biến chứng này tương tự với hiện tượng tổn thương niêm mạc nên cũng có cách xử trí và phòng ngừa tương tự;
  • Tuột ống thông vào lòng ruột: Biểu hiện là mất ống thông. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhân viên y tế đặt ống thông quá sâu và không theo dõi sát khi thao tác. Khi gặp sự cố này, nhân viên y tế nên báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời. Để phòng ngừa sự cố, điều dưỡng viên thực hiện cần chú ý không đặt ống thông quá sâu và theo dõi sát sao quá trình thao tác thụt tháo cho trẻ.

8. Lưu ý khi thụt tháo tại nhà cho trẻ

Cách thụt tháo cho trẻ sơ sinh
Với những bé dưới 2 tuổi, chỉ sử dụng thuốc thụt khi có yêu cầu của bác sĩ

Các bậc phụ huynh có thể tự thụt tháo hậu môn tại nhà cho trẻ bị táo bón nặng. Tuy nhiên, khi thực hiện, cha mẹ bé cần lưu ý tới những vấn đề sau:

  • Đối với trẻ, việc bơm chất lỏng vào ruột sẽ khiến bé khó chịu, bé muốn đi vệ sinh ngay lập tức. Vì vậy, cha mẹ cần xoa dịu bé, hướng dẫn bé hít thở sâu để giảm căng thẳng và trì hoãn thời gian đi tiêu một vài phút để làm mềm phân, đại tiện dễ hơn;
  • Khi đưa thuốc thụt tháo vào trực tràng của bé, cha mẹ có thể bôi thêm một ít dầu bôi trơn vào đầu tuýp thuốc để đưa vào dễ hơn. Nếu vẫn không vào được thì phụ huynh không nên quá cố gắng vì có thể làm các mô hậu môn bị rách, khiến các bé đau đớn;
  • Thuốc thụt thường chỉ định cho bé trên 2 tuổi. Với những bé dưới 2 tuổi, chỉ sử dụng thuốc thụt khi có yêu cầu của bác sĩ và nên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn thực hiện;
  • Với những bé dưới 6 tuổi, cha mẹ nên theo dõi kỹ biểu hiện táo bón của bé. Nếu bé đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần nhưng vẫn chơi ngoan, bú ngoan và phân không cứng thì không cần phải can thiệp bằng thuốc thụt hay thuốc nhuận tràng;
  • Không thụt tháo hậu môn cho trẻ quá thường xuyên khi trẻ bị táo bón vì việc này sẽ khiến bé bị lệ thuộc vào thuốc. Không chỉ vậy, việc thụt tháo thường xuyên còn khiến hậu môn dễ bị kích thích và gây tổn thương các mô;
  • Nếu bé bị táo bón đi kèm các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, sưng đau hậu môn,... thì phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay thay vì thực hiện thụt tháo tại nhà để tránh các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thụt hậu môn là kỹ thuật cần thiết thực hiện trong việc chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Khi trẻ thực hiện thụt hậu môn, phụ huynh cần hướng dẫn bé phối hợp tốt với nhân viên y tế để tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

351.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan